Quy mô dân số Hà Nội qua các thời kỳ
Lịch sử của vùng đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển cộng đồng dân cư. Nghiên cứu dân cư Thăng Long Hà Nội theo cả chiều không gian và thời gian với nguồn tư liệu phong phú. Những lớp dân cư đầu tiên là chủ nhân của các nền văn hóa tiền Đông Sơn, rồi văn hóa Đông Sơn. Sự liên tục của dòng chảy lịch sử cũng là sự liên tục trong sự hình thành cộng đồng dân cư, sau thời kỳ Bắc thuộc là đến thời kỳ phong kiến tự chủ, sau thời Pháp thuộc là đến thời đại của chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hà Nội vào năm 1918, cách đây 101 năm, mới có dân số 70 nghìn người, nay đã là thành phố gần 7,8 triệu dân. Đấy là chưa kể lượng khách vãng lai, lực lượng lao động thời vụ từ các tỉnh lân cận đổ về Hà Nội. Dự báo đến năm 2030, dân số Hà Nội sẽ là 8,2 triệu người. Sự gia tăng quy mô dân số Hà Nội đến từ nguyên nhân mở rộng địa giới hành chính, gia tăng dân số tự nhiên và gia tăng dân số cơ học.
Mở rộng địa giới hành chính Hà Nội có thể dẫn ra một số mốc quan trọng: Cuối năm 1978 với kết quả dân số tăng thêm hơn 1 triệu người. Năm 1991, Hà Nội thu hẹp lại, với kết quả dân số giảm gần 900 nghìn người. Lần mở rộng địa giới hành chính gần đây nhất và cũng là lần mở rộng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, vào năm 2008, đã làm cho dân số Hà Nội tăng gần gấp đôi (từ 3,39 triệu người vào năm 2007 lên 6,35 triệu người vào năm 2008).
Sự gia tăng dân số tự nhiên đã có nhiều thay đổi trong các thập niên qua, cả ở nội thành và ngoại thành. Ở khu vực nội thành, do ảnh hưởng của lối sống đô thị, nên phổ biến mức sinh dưới mức thay thế. Mức sinh thấp nhất được thấy ở các quận nội đô như quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Đây cũng là những quận có cơ cấu tương đối “già” hơn và số người nhập cư ít, thậm chí có một số phường thuộc 3 quận trên thực hiện giãn dân ra vùng ven đô.
Sự gia tăng dân số cơ học được tạo nên bởi quy mô nhập cư, nhưng những người nhập cư ngoại tỉnh (chủ yếu đến khu vực đô thị hay đến các địa bàn có các khu công nghiệp) không làm tăng mức sinh, mà ngược lại làm giảm đáng kể mức chết. Từ giữa thập niên 1990 trở lại đây, gia tăng dân số cơ học đã ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong gia tăng dân số chung của thành phố Hà Nội, khoảng trên 40%. Đối với những quận, huyện đang đô thị hóa mạnh, tỷ trọng này là trên 50% đồng nghĩa với việc gia tăng dân số cơ học có vai trò quan trọng hơn gia tăng dân số tự nhiên.
Cơ cấu dân số của Hà Nội hiện nay rất thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên nhìn vào con số thực tế cho ta thấy cơ cấu dân số đang già đi khá rõ nét. Năm 2009, tỷ trọng trẻ em 0-14 tuổi là 22,1%, dự báo đến năm 2034 sẽ chỉ còn 18,7%. Trong khí đó, tỷ trọng của dân số tuổi 65+ tăng trong cùng kỳ từ 7,1% lên 12,8%. Sự phân hóa không gian của cơ cấu tuổi của dân số được phản ánh rõ nét trong sự phân hóa của tỷ số phụ thuộc chung cũng như chỉ số già hóa phân theo đơn vị xã/phường.
Một nét đặc biệt của cuốn sách này là số lượng các bản, biểu đồ rất phong phú và hầu hết đều do chính tác giả thành lập. Từ nguồn số liệu vi mô của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 và năm 2009 của Hà Nội và các lãnh thổ phần Hà Nội mở rộng, qua xử lý công phu cả về mặt thống kê và bản đồ, các tác giả đã đưa ra các phân tích vừa chi tiết, vừa có tính khái quát về sự phân hóa không gian cũng như về xu hướng biến đổi từ các chỉ tiêu dân số học quan trọng. Để từ đó vẽ nên một bức tranh tổng thể về quy mô dân số Hà Nội qua các thời kỳ.
Trần Duy