Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 05/11/2019 09:52
Miếu thôn Đông phường Nhật Tân, Tây Hồ

 Miếu thôn Đông hiện nay thuộc thôn Đông, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đây là một trong 4 thôn của phường Nhật Tân với Nhật Tân Đông, Nhật Tân Tây, Nhật Tân Bắc, Nhật Tân Nam. Bạn đọc muốn tìm hiểu kỹ hơn về ngôi miếu này có thể tìm đọc cuốn sách “Địa chí vùng Tây Hồ” do Nguyễn Vinh Phúc chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến của Nhà xuất bản Hà Nội.

 Nhật Tân là một trong 8 phường của quận Tây Hồ, phía Đông giáp phường Tứ Liên, phía Nam giáp phường Quảng An, Tây và Tây Bắc giáp xã Tầm Xá huyện Đông Anh. Ở thời Lê (đời vua Lê Hiển Tông) Nhật Tân gọi là Nhật Chiêu, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Sang thời Nguyễn Thành Thái: Nhật Chiêu thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức. Đến thời Bảo đổi Nhật Chiêu thành Nhật Tân, tổng Thượng, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, sau đó nhập vào “đại lý đặc biệt Hà Nội”. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), cùng với xã Quảng Bá lập thành xã Quảng Tân. Đến năm 1955 tách riêng thành xã Nhật Tân thuộc quận V ngoại thành Hà Nội. Từ năm 1961 Nhật Tân thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Từ năm 1996 thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Miếu thôn Đông nằm trên địa phận thôn Đông phường Nhật Tân, cách thủ đô Hà Nội 7km về phía Tây. Muốn đến di tích, khách tham quan có thể đi bằng nhiều phương tiện khác nhau theo trục đường bộ 23 Hà Nội – Chèm. Từ trung tâm Hà Nội theo đường Tràng Thi, đi qua ngã tư cửa Nam, đi vào đường Điện Biên Phủ, qua Lăng Bác, sang đường Thanh Niên lên đường đê Yên Phụ, đi dọc theo đường bộ 23 qua phường Quảng An, du khách sẽ đến phường Nhật Tân. Ngôi miếu nằm sát đê sông Hồng, sát phía trái quốc lộ. Đây là thôn Đông  - thôn đầu của xã.

Ngôi miếu này có từ xa xưa, các cụ già trong làng cũng không nhớ được dựng từ năm nào. Theo lời kể của các cụ và một số bà con: Thuở xưa kia miếu nằm ở ngoài đê trông ra sông, khi đó miếu lợp bằng lá, có 3 gian. Khoảng 70 năm trước ngôi miếu lá xưa được chuyển vào trong đê để tránh ngập lụt vào mùa nước. Thời thuộc Pháp, giặc đặt bốt ở ngay đầu làng và làm cầu tiêu ngay gần miếu, miếu bị ô uế, nên một tân lính Tây đen cai quản bốt này bị bệnh mà chết.

Miếu quay hướng Tây nhìn ra hồ Tây, với tổng diện tích khoảng 104m2 và ngăn cách với xung quanh bằng tường bao. Từ ngoài đê, chúng ta vào miếu theo một đường xây bậc cấp bằng xi măng chừng 30m, cuối đường là một sân nhỏ lát gạch, có tường hoa cao trên 1m bao quanh trong sân có nhiều cây ăn quả. Sát tường hoa là vườn đào của dân xa hơn là hồ Tây. Miếu xây 3 gian làm kiểu vì kèo quá giang đơn giản, đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói tây, một gian hậu cung. Hiên rộng tới 1m50, cửa giữa rộng 1m20, hai bên là hai cửa sổ trổ lỗ hoa. Ba gian ngoài với hai bệ thờ có 1 ngai bằng gỗ cao chừng 1m, ngai được chạm rồng với các nét chạm nổi, chạm bong. Ngai với 6 cột tay ngai được chạm nổi đầu rồng, chạm nổi mặt hổ phù ở giữa, xung quanh với các vân lá hoá rồng. Ngai được tạo tác vào thế kỷ XIX. Phía trên của bệ thờ Đức Trần Triều là bệ thờ chúa Sơn Trang và 12 cô. Bệ thờ này mới được tạo các tượng thổ gắn trên toàn bộ một vòm hang. Trên bàn thờ được bày các đồ thờ tự: bát hương, cây đèn, lọ hoa… giữa hai bệ thờ phải trái, phía trên cao là một bức đại tự “Phương Đông từ” (miếu phương Đông hay miếu thôn Đông). Ở bên trái còn đặt 1 đôi choé sứ men tráng vẽ lam được đặt trên hai chiếc đôn cùng màu. Choé với hình rồng mây, sóng nước, đôn được trang trí hình hoa thị, lá dây, các hoa quả thiêng… 2 choé cao 58cm, có đường kính miệng 18cm. Trong cung: Đây là một gian nhỏ mới được sửa sang năm 1985. Trên bệ cao được thờ Phật Bà Quan Âm ở vị trí trung tâm có 1 đỉnh và 2 cây đèn đồng. Phía bên trái của miếu mới xây một ngôi nhà phụ với 2 gian, lợp ngói tây. Đây là nơi để tiếp khách và cụ từ nghỉ ngơi. Phía bên phải ở phía ngoài là một bệ thờ bán thiên cao hơn 1m.

Trải qua nhiều năm tháng và nhiều cuộc biến động của xã hội, lại nằm trong vùng sông nước, ngôi miếu đến nay vẫn chỉ là một kiến trúc nhỏ song được xây dựng gọn gàng, các đồ thờ tự trong di tích không nhiều nhưng cũng đủ cho việc thờ tự. Tuy là miếu nhỏ của một làng nhưng di tích đã thu hút không ít khách thập phương tới hành lễ, nên đồ thờ tự ngày một phong phú hơn. Hiện di tích còn lưu giữ được: 1 bức đại tự, 2 đôi câu đối, 1 bức y môn thêu bằng sa tanh, 1 đôi cây đèn đồng, 14 lư hương đồng (đỉnh đồng), 2 choé sứ + 2 đôn sứ nghệ thuật thế kỷ XX, 1 ngai thờ nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XIX…

Nhật Tân là một làng kiểu mẫu của việc bố trí canh phòng và thờ tự. Cách bố trí của Nhật Tân gồm 4 miếu Đông, Tây, Nam, Bắc giống như 4 cửa của một thành trì nhằm thờ tự tứ phương thần (Thần Thành hoàng Bản thổ) và canh phòng cho làng xã. Do sự biến đổi của thời gian các miếu khác đã biến thành nơi thờ tự các Mẫu. Miếu Hành Thiên ở trung tâm của làng còn giữ được điện thờ Thổ Địa Thần. Đây là một hiện tượng đặc biệt cần phải nghiên cứu.

Hoàng Giáp

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)