Địa bạ huyện Sơn Minh (2 tập) là một trong mười đầu sách nằm trong bộ Tuyển tập địa bạ Thăng Long - Hà Nội thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến (giai đoạn 2) do PGS.TS Vũ Văn Quân cùng các cộng sự đã tổ chức biên soạn, dịch thuật.
Huyện Sơn Minh đầu thế kỷ XIX nay thuộc phần lớn đất đai huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, gồm các tổng Bạch Sam, Đại Bối, Đạo Tú, Đông Lỗ, Hoa Đình, Sơn Minh, Trầm Lộng và Xà Cầu. Sưu tầm địa bạ huyện Sơn Minh chủ yếu tập trung ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội), thuộc Cục Văn thư Lưu trữ nhà nước với 48 đơn vị địa bạ. Trong đó 10 đơn vị xã, thôn có hai bản địa bạ gồm các xã Hương Ái, thôn Kim Châm, Ngoại Độ và Phục Lễ xã Triều Khúc tổng Đại Bối, xã Dũng Cảm tổng Đạo Tú, xã Bạch Xá, Đông Dương tổng Hoa Đình, Tông Tranh, Trầm Lộng, thôn Phúc Quán xã Vạn Quất tổng Trầm Lộng. Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 26 đơn vị địa bạ của huyện Sơn Minh. Tổng số địa bạ toàn huyện là 78 cuốn, thuộc 78 đơn vị hành chính cơ sở. Có 38 địa bạ cấp xã, 40 địa bạ cấp thôn thuộc xã. Địa bạ huyện Sơn Minh cũng giống như địa bạ các huyện khác ở Hà Nội (trừ hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận) về hình thức và niên đại cơ bản giống nhau, được lập vào năm Gia Long 4, năm 1805.
Tổng số trang địa bạ là 1.195 tờ (2.390 trang), bình quân mỗi đơn vị địa bạ có 15,32 tờ (30,64 trang). So với một số huyện khác dung lượng bình quân một địa bạ ở huyện Sơn Minh không cao.Trong khi đó, qua sơ bộ kiểm tra, ở Sơn Minh các loại ruộng đất công trong đó có công điền chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp, nghĩa là phần lớn đất đai đã thuộc sở hữu tư nhân. Điều này cho phép đoán định quy mô sở hữu tư nhân ở Sơn Minh không quá manh mún (không quá nhiều thửa ruộng, diện tích mỗi thửa không quá nhỏ, bình quân ruộng đất một chủ không quá thấp.
Những giá trị nghiên cứu thể hiện ở từng loại thông tin, hết sức có ý nghĩa khi tìm hiểu về từng đơn vị làng xã hay rộng ra trên quy mô từng huyện, từng tỉnh hay cả một khu vực rộng lớn hơn. Đó là các thông tin về đơn vị hành chính các cấp(xã, thôn, trại, sở/tổng/huyện/trấn-xứ, thông tin về địa giới, thông tin về tổng diện tích các loại ruộng đất, thông tin về các loại đất đai (công điền công thổ, tư điền tư thổ, thần từ Phạt tự điền/thổ, công châu thổ hay đất bãi các loại, thổ trạch viên trì, tha ma mộ địa, gò đống…), ruộng đất công của các làng xã khác tọa lạc tại địa phận bản xã… Từ những loại thông tin trên, hàng loạt các giá trị nghiên cứu được xuất lộ, tùy thuộc góc độ - lĩnh vực nghiên cứu cụ thể. Dưới góc độ lịch sử hành chính, địa bạ cùng các nguồn thông tin khác cho phép xác lập một danh mục đơn vị hành chính cơ sở đầy đủ, chính xác. Số liệu về tổng diện tích cho biết quy mô làng xã. Số liệu về công điền công thổ, tư điền tư thổ cho biết mức độ quá trình tư hữu hóa. Số liệu về ruộng đất tư với từng chủ sở hữu cho biết mức độ phân hóa và tập trung ruộng đất - cũng tức là sự phân hóa xã hội. Số liệu thần từ Phật tự cho phép đánh giá tình hình tín ngưỡng - tôn giáo. Số liệu ruộng đất của đội ngũ chức sắc cho phép đánh giá về thế lực kinh tế của bộ phận quản lý làng xã. Hệ thống địa danh là nguồn tư liệu quan trọng của ngành địa danh học lịch sử…
Nói riêng về địa danh, tài liệu địa bạ cung cấp một khối lượng hết sức phong phú gắn với từng xã thôn, từ trong làng ra ngoài đồng, gồm tên hành chính, từ đơn vị cơ sở đến tổng, huyện, phủ, trấn/xứ/doanh - tỉnh và tên dân gian(xứ đồng…). Địa bạ được khai ngay tại địa phương nên đảm bảo tính chính xác tuyệt đối, có thể làm căn cứ để hiệu chỉnh những nhầm lẫn hoặc sai sót của tài liệu khác. Phần phong phú nhất của hệ thống địa danh được phản ánh trong địa bạ là địa danh dân gian. Mỗi một làng xưa có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm địa danh, là tên xóm ngõ, tên xứ đồng, tên gò đống… mà phần nhiều là tên nôm. Mỗi địa danh đều gắn với một ý nghĩa nhất định và đều chứa đựng một giá trị nhất định về lịch sử và văn hóa của địa phương. Chắc chắn rằng, khoa học nghiên cứu địa danh có thể xem đây như một đối tượng, cũng là một nguồn tài liệu vô cùng dồi dào.
Kho tư liệu địa bạ với dung lượng đồ sộ này không chỉ là nguồn tài liệu có giá trị to lớn trong nghiên cứu nhiều mặt của xã hội Việt Nam thời kỳ trung đại, đặc biệt là ở nửa đầu thế kỷ XIX mà còn là một di sản văn hóa đặc biệt có giá trị của dân tộc.
Anh Duy