Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 06/11/2019 10:28
Bản sắc làng quê ở Hà Nội

Nét đặc sắc của làng quê đồng bằng Bắc bộ , làng quê chốn kinh kì được duy trì từ đời này sang đời khác, qua các thế hệ chủ nhân của làng quê và tồn tại đến tận ngày nay.

Những nét đặc sắc ấy được thể hiện qua cách thức mà các cộng đồng dân cư - người làng - tổ chức không gian sản xuất, không gian sinh hoạt và không gian giao tiếp của mình, vừa chế ngự tự nhiên, vừa nương theo đặc điểm của môi trường tự nhiên, thể hiện thông qua cách tổ chức xã hội của cộng đồng và được ghi lại trong các bản hương ước. Chính vì lẽ đó nét đặc sắc của làng quê ở Hà nội mang đậm tính địa lý, lịch sử và văn hóa tộc người. Nét đặc sắc của làng quê ở Hà Nội được thể hiện qua hình ảnh lũy tre xanh bao quanh xóm làng, hình ảnh mái đình làng, cây đa, giếng nước (bến nước).

Các làng quê ở đồng bằng sông Hồng phân bố dựa vào điều kiện địa hình. Đồng bằng sông Hồng vốn là đồng bằng thấp trũng, quá trình bồi đắp phù sa bị trở ngại do có hệ thống đê nên có nhiều ô trũng và chính ở những vùng thấp trũng này thường xuyên bị ngập lụt. Làng quê đồng bằng Bắc bộ nói chung, làng quê ở Hà Nội nói riêng thường được bao bọc bởi lũy tre xanh để chắn gió bão. Tre được trồng dọc theo các bãi bồi, nhất là gần chân đê để chắn sóng, ngăn dòng chảy mạnh gây xói lở. Đi xa một chút khỏi vùng ven đô, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều làng còn trồng tre, kể cả ở vùng đồng bằng trũng thấp, hay trên các làng dọc theo các bãi bồi ven sông và các làng ở vùng bán sơn địa Thạch Thất, Quốc Oai.

Đình làng là một không gian văn hóa chung của làng xã. Những làng lớn, làng lâu đời đều có đình làng. Đình làng là nơi thờ thành hoàng làng, người có công lớn trong việc lập làng, trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Kiến trúc của đình làng được tuân theo nguyên tắc phong thủy, thường xuyên ở nơi thoáng đãng, đất cao, trông ra sông. Đình làng cũng là nơi tổ chức các hoạt  động chung của cộng đồng, các lễ hội. Cạnh đình làng thường trồng cây đa để tượng trưng cho sự trường tồn, là biểu tượng tâm linh, đồng thời để tạo bóng mát. Ở ngoại thành Hà Nội có nhiều đình làng nổi tiếng như đình Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng huyện Ba Vì), đình Bát Tràng (xã Bát Tràng huyện Gia Lâm), đình Chu Quyến (xã Chu Minh huyện Ba Vì)…

Giếng làng trong đó có giếng đình đã đi vào tâm thức của người dân quê đồng bằng sông Hồng như kỷ niệm thân thiết. Giếng làng là nơi dân làng trong khi đi lấy nước, còn gặp nhau để trao đổi tin tức, bàn chuyện làng và cả chuyện riêng tư. Có những giếng làng được gán cho những chuyện truyền miệng làm cho giếng có giá trị tâm linh, linh thiêng, không ít giếng làng có bàn thờ thần giếng. Giếng là có hình tròn hay hình bán nguyệt, có đường kính từ vài mét đến vài chục mét. Thành giếng thường được xây bằng gạch, phía dưới có kè đá để nước được trong dùng cho sinh hoạt của dân làng. Ngày nay ở nhiều vùng nông thôn giếng làng không còn chức năng cung cấp nước cho sinh hoạt nữa, một số giếng bị lấp đi, nhưng nhiều giếng vẫn được giữ lại và bảo vệ cẩn thận.

Bên cạnh đình làng, giếng làng còn có một công trình kiến trúc truyền thống của làng xã không thể không nhắc đến là các cổng làng. Cổng làng thường gồm cổng trước (cổng tiền) và cổng sau (cổng hậu) nối hai đầu con đường chính của làng. Thời phong kiến xưa, việc ra vào làng được kiểm soát qua cổng tiền và cổng hậu nay hai cổng này chỉ còn ý nghĩa là một công trình kiến trúc, dấu tích còn sót lại của văn hóa làng quê.

Cái cổng làng cùng với cây đa, bến nước, mái đình và lũy tre làng đã đi vào tâm thức người Việt về một làng quê bình yên gắn với mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến. Một số làng cổ Hà Nội được nhắc đến nhiều như làng cổ Đường Lâm, Kẻ Bưởi (vùng ven Hà Nội gồm các làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân, Trung Nha), Kẻ Đơ (Đơ Thao, nay là làng Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì), Kẻ Đáy (làng Hòa Mục, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), Kẻ Noi (Cổ Nhuế, nay thuộc quận Bắc Từ Liêm), làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng nón Chuông (Thanh Oai), làng Cự Đà…

Trong Dự án tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II có cuốn sách Dân cư Thăng Long dành một chương đề cập đến mảng đề tài Quần cư nông thôn mà ở đó có nhắc tới những nét đặc sắc của làng quê đồng bằng Bắc bộ chốn kinh kì được di truyền từ đời này sang đời khác, qua các thế hệ chủ nhân của làng quê. Những nét đắc sắc ấy được thể hiện qua cách thức mà các cộng đồng dân cư - người làng - tổ chức không gian sản xuất, không gian sinh hoạt và không gian giao tiếp của mình, vừa chế ngự tự nhiên, vừa nương theo đặc điểm của môi trường tự nhiên.

Duy Anh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)