Làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội thời kỳ phong kiến dân tộc
Cùng với thời gian, nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng, nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế, giá trị thẩm mỹ… tiếp tục được phát tích, như: nghề mộc, nề, sơn, khảm, tiện gỗ, thêu ren, làm pháo, mây tre đan, dệt vải, tơ lụa… Có thể kể ra một số làng, như: Các làng nghề dệt ở Nghi Tàm, Thụy Chương; làng trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải Cổ Đô (Ba Vì); làng nghề đúc đồng Ngũ Xã quận Ba Đình có lịch sử hình thành cách đây 500 năm; làng nghề làm giấy dó ở Yên Thái, Nghĩa Đô; làng dát vàng, bạc quỳ Kiêu Kỵ huyện Gia Lâm có lịch sử trên 400 năm; làng Nhân Hiền huyện Thường Tín chuyên khắc gỗ, là một trong những làng nghề cổ xuất hiện vào hàng sớm nhất ở Thăng Long. Thợ làng Nhan Hiền xưa đã tham gia xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, công trình nổi tiếng về văn hóa - giáo dục ở Thăng Long thời nhà Lý, còn tồn tại đến ngày nay.
Cách trung tâm kinh đô Thăng Long về phía tây có các làng dệt gấm, the lụa nổi tiếng: các làng La (La Khê, La Cả, La Phù), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) có từ thế kỷ 9. Làng khảm trai Chuyên Mỹ huyện Phú Xuyên hình thành từ thế kỷ 11. Làng Chàng Sơn huyện Thạch Thất có nghề mộc từ thời Hùng Vương.
Xa vùng nội thị hơn, bên kia sông Hồng, xuôi xuống hạ lưu có làng gốm sứ Bát Tràng. Lịch sử hình thành làng gốm Bát Tràng có nhiều truyền thuyết khác nhau, nhưng theo nhiều tư liệu lịch sử ghi lai thì làng này được hình thành cách đây trên 700 năm do các nghệ nhân từ làng Bạch Bát, Bồ Xuyên tỉnh Ninh Bình ra Bát Tràng dựng nghiệp rồi truyền lại nghề làm gốm bàn xoay…
Một số nghề do thợ thủ công từ các địa phương khác nhập cư vào Thăng Long rồi hành nghề. Phần lớn là các thợ nề, thợ mộc, thợ đá, thợ sơn, thợ điêu khắc - chạm khảm, đúc đồng… đến Thăng Long xây dựng kinh thành cung điện. Một số nghề, do nhu cầu về các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ (dệt: the, gấm, áo, mũ, xiêm y, cờ, lọng…) phục vụ cho các tầng lớp vua quan, quý tộc, cung tần, mỹ nữ… thu hút thợ thủ công và nghệ nhân kéo về Thăng Long ngày càng đông, đặc biệt giai đoạn từ đầu thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 là thời kỳ phát triển cực thịnh của các làng nghề thủ công ở Thăng Long. Họ sống tập trung theo làng quê gốc và cũng là những người cùng làm một nghề. Đó là những người thợ nhuộm ở Bình Giang (Hải Dương) di cư lên phố Hàng Đào; thợ kim hoàn ở Châu Khê (Hải Dương); thợ đúc đồng ở Văn Lâm (Hưng Yên) và ở Thuận Thành (Bắc Ninh) lên làng Ngũ Xã… Sau khi lên Thăng Long định cư và hành nghề, họ cùng nhau lập làng nghề và phường phố mới chuyên sản xuất và buôn bán các mặt hàng sản phẩm của làng quê gốc.
Có hai hình thức tổ chức sản xuất thủ công nghiệp ở Thăng Long và các vùng phụ cận. Bộ phận thứ nhất là sản xuất thủ công quan doanh do nhà nước phong kiến trực tiếp quản lý. Bộ phận còn lại là sản xuất thủ công dân gian tập trung ở phường nội thị và các làng xã ven đô. Ngoài ra còn có những nghề thủ công trong gia đình nông dân ở các làng xã thuộc các tỉnh cận kề Thăng Long, cung cấp một lượng sản phẩm quan trọng cho kinh đô.
Hoạt động sản xuất thủ công nghiệp khu vực kinh tế dân gian đa dạng với nhiều nhành nghề khác nhau như làm lọng, làm trống, thêu ren, nghề dệt vải, làm giấy, hương nhang, nghề đúc đồng, tiện gỗ, khảm trai, làm nón… Đó là những nghề thủ công truyền thống đòi hỏi kỹ thuật tay nghề cao, tỉ mỉ, công phu từ bàn tay của người thợ cùng với những bí quyết gia truyền để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, tinh tế về nghệ thuật. Hầu như toàn bộ các khâu sản xuất của những nghề thủ công này đều thực hiện trong khuôn khổ gia đình. Ở đó có một thợ cả với tay nghề cao và một vài thợ phụ là con, cháu hoặc người làm thuê trong gia đình. Trong một làng nghề có nhiều hộ nghề và tộc nghề chuyên sản xuất, chế tác và sinh sống bằng một nghề hoặc nhiều nghề khác nhau. Ở các làng nghề thường có những quy định khá chặt chẽ trong việc truyền dạy nghề cho con, cháu.
Trải qua các triều đại phong kiến với chính sách “Dĩ nông vi bản”, tư tưởng “Trọng nông, ức thương” của nhà nước phong kiến đã gây khó khăn cho sự phát triển các làng nghề thủ công trong cả nước nói chung, cho Thăng Long - Hà Nội nói riêng. Ngoài ra nhà nước phong kiến còn kiểm soát trực tiếp bằng các chế độ thuế như thuế thổ sản và thuế biệt nạp.; kìm hãm sự phát triển bằng việc trưng tập thợ lành nghề vào các quan xưởng theo chế độ công tượng. Đây là một hình thức lao dịch cưỡng bức khắc nghiệt làm ức chế và mất đi những điều kiện để hình thành và phát triển các làng nghề.
Cho đến nay, viết về lịch sử hình thành và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống của Thăng Long - Hà Nội đã có hàng chục cuốn sách và công trình nghiên cứu. Trong dự án tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, có cuốn sách Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội đã giới thiệu về sự hình thành và phát triển của các làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử.
Duy Anh