Phụ nữ được đề cao trong gia đình và xã hội
Khác với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam có tục thờ Mẫu. Truyền thống tôn trọng phụ nữ được thể hiện qua các truyền thuyết, ngôn ngữ, ca dao đã kéo dài trong suốt các triều đại đến tận ngày nay. Các truyền thuyết về mẹ Âu Cơ, bà mẹ Thánh Gióng, công chúa Liễu Hạnh và nhiều vị thần nữ khác đều nói đến sự tần tảo nuôi day con cái tình thương và sự độ lượng của người phụ nữ Việt Nam.
Phụ nữ cũng được tôn vinh thành thần, thành hoàng, dựng tượng thờ cúng trong các chùa, đền, miếu. Đó là các vị có công lao đánh giặc cứu nước và dựng nước như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, các nữ tướng của Hai Bà, các công chúa, người dân có công dạy nghề cho nhân dân hoặc vì dân mà hy sinh.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 sau Công nguyên là một sự kiện vĩ đại chấn động không chỉ thời kỳ đó mà mãi đến sau này. Việc Hai Bà lên làm vua (40-43 AD) mở màn cho lịch sử Việt Nam là vinh dự không chỉ cho phụ nữ mà cả dân tộc Việt Nam. Các tướng lĩnh của Hai Bà hầu hết là phụ nữ đã nói lên tài năng và vai trò to lớn của phụ nữ trong cả những việc tưởng chừng như chỉ dành cho đàn ông. Việc bà Trưng Trắc lãnh đạo khởi nghĩa khi gộp cả nợ nước với thù nhà là một việc rất tự nhiên, một mặt dành lại độc lập cho tổ quốc, mặt khác để trả thù cho chồng, cho gia đình.
Sau này sử gia Lê Văn Hưu nhận xét: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi! Có thể gọi là tự vứt bỏ minh vậy” (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển 3).
Còn sử gia Ngô Sĩ Liên bình luận:” Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa. Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư ? Người địa phương thương mến Trưng Nữ Vương, làm đền thờ phụng. Đền ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc, ở đất cũ thành Phiên Ngung cũng có. (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển 3).
Câu chuyện thái hậu Dương Vân Nga lấy vua Lê Hoàn lại là một bằng chứng về tự do hôn nhân của người đàn bà góa. Điều đó khẳng định rằng Nho giáo chưa ảnh hưởng mạnh ở Việt Nam vào thời kỳ này. Dương Vân Nga đã là người phụ nữ Việt Nam duy nhất làm vợ hai người anh hùng và là hai vua.
Từ thế hệ này sang thế hệ khác, phụ nữ đóng vai trò quyết định sự tồn tại của gia đình. Trước hết họ là những người mẹ trực tiếp sinh đẻ và nuôi dạy ra các thế hệ con cháu. Sát cánh với nam giới, họ cũng là người lao động sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống con người. Họ còn là người chịu trách nhiệm chính trong gia đình, quản lý thu chi, cung cấp thực phẩm, quần áo, nấu nướng, giặt giũ, chữa bệnh… cho các thành viên trong gia đình.
Ngôn ngữ Việt Nam sau này mang nặng tư tưởng phụ quyền nhưng vẫn dành cho phụ nữ sự trân trọng khi gọi “ vợ chồng” mà không nói “chồng vợ”; Các câu tục ngữ” Lệnh ông không bằng cồng bà’, “Tay hòm chìa khóa” hay câu ca dao: “Công cha như núi Thái Sơn; Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” nói đến công lao của người mẹ không thể thiếu được trong đời sống con người như dòng nước bình dị, khiêm tốn, trong lành hoặc “ Cha chết ăn cơm với cá; Mẹ chết liếm lá dọc đường” đã nói lên sự gần gũi thân thiết, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ của con của người mẹ. Họ ăn ít hơn, hưởng thụ ít hơn, hy sinh nhiều hơn cho chồng con. Cũng chính vì đó mà có những ngày lễ hướng tới phụ nữ như: 20 tháng 10, mùng 8 tháng 3….cả nước hướng về phụ nữ.
Đặng Tình