Địa bạ Thăng Long - nguồn di sản quý giá trên nhiều phương diện
Theo các tác giả của bộ hồ sơ Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên thì hình thức và niên đại địa bạ của các huyện thuộc Thăng Long xưa, Hà Nội nay đại cơ bản giống nhau và giống với địa bạ các địa phương thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Những giá trị nghiên cứu thể hiện ở từng loại thông tin, hết sức có ý nghĩa khi tìm hiểu về từng đơn vị làng xã hay rộng ra trên quy mô từng huyện, từng tỉnh hay cả một khu vực rộng lớn hơn là quốc gia. Đó là các thông tin về đơn vị hành chính các cấp (xã, thôn, trại, sở/ tổng/huyện/trấn - xứ, thông tin về địa giới, thông tin về tổng diện tích các loại ruộng đất, thông tin về các loại đất đai (công điền công thổ, tư điền tư thổ, thần từ Phật tự điền/thổ, công châu thổ hay đất bãi các loại, thổ trạch viên trì, tha ma mộ địa, gò đống…), ruộng đất công của các làng xã khác tọa lạc tại địa phận bản xã… Từ những loại thông tin trên, hàng loạt các giá trị nghiên cứu được xuất lộ, tuỳ thuộc góc độ - lĩnh vực nghiên cứu cụ thể. Dưới góc độ lịch sử hành chính, địa bạ cùng với các nguồn thông tin khác cho phép xác lập một danh mục đơn vị hành chính cơ sở đầy đủ, chính xác. Số liệu về tổng diện tích cho biết quy mô làng xã. Số liệu về công điền công thổ, tư điền tư thổ cho biết mức độ quá trình tư hữu hoá. Số liệu về ruộng đất tư với từng chủ sở hữu cho biết mức độ phân hoá và tập trung ruộng đất - cũng tức là sự phân hoá xã hội. Ví như tầng lớp quan chức, chức sắc địa phương, dòng họ giàu có tương ứng với sở hữu diện tích ruộng, đất. Số liệu thần từ Phật tự cho phép đánh giá tình hình tín ngưỡng - tôn giáo. Số liệu ruộng đất của đội ngũ chức sắc cho phép đánh giá về thế lực kinh tế của bộ phận quản lý làng xã. Hệ thống địa danh là nguồn tư liệu quan trọng của ngành địa danh học lịch sử….
Có thể nói chỉ thông qua nguồn tư liệu địa bạ phần nào đó đã phác họa cách quản lý của chính quyền địa phương về đất đai, cũng như phản ánh sự vận động và phát triển của xã hội ở thời điểm lập địa bạ.
Qua quá trình nghiên cứu, dịch thuật các tư liệu Hán Nôm các tác giả của bộ hồ sơ Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội thấy rằng, riêng về địa danh, tài liệu địa bạ cung cấp một khối lượng hết sức phong phú gắn với từng xã thôn, từ trong làng ra ngoài đồng, gồm tên hành chính, từ đơn vị cơ sở (mà chủ yếu là xã thôn), tới tổng, huyện, phủ, trấn/xứ/doanh - tỉnh và tên dân gian (xứ đồng…). Nguồn tài liệu đương thời (thế kỷ XIX) về địa danh hành chính các cấp tương đối phong phú (như Đàng Ngoài cũ có Các tổng trấn xã danh bị lãm vào đầu thế kỷ XIX hay cả nước có Đồng Khánh dư địa chí vào cuối thế kỷ XIX…). Địa bạ là nguồn tài liệu thuộc loại này, nhưng hơn thế, nó được khai ngay tại địa phương nên đảm bảo tính chính xác tuyệt đối, có thể làm căn cứ để hiệu chỉnh những nhầm lẫn hoặc sai sót của tài liệu khác. Các tác giả của bộ hồ sơ Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội khẳng định địa danh hành chính chưa phải là phần phong phú nhất của hệ thống địa danh được phản ánh trong địa bạ, mà là địa danh dân gian. Mỗi một làng xưa có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm địa danh, là tên xóm ngõ, tên xứ đồng, tên gò đống… mà phần nhiều là tên nôm. Nào là Bãi, Cửa, Dộc, Đầm, Đồng, Gò, Mả, Ngõ, Sau, Trước… Mỗi địa danh đều gắn với một ý nghĩa nhất định và đều chứa đựng một giá trị nhất định về lịch sử và văn hoá của địa phương. Chắc chắn rằng, khoa nghiên cứu địa danh có thể xem đây như một đối tượng, cũng là một nguồn tài liệu vô cùng dồi dào.
Đánh giá về giá trị của địa bạ, nhóm tác giả của bộ sách hồ sơ Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội xác định địa bạ là loại tư liệu đặc biệt có giá trị trong nghiên cứu nông thôn Việt Nam truyền thống. Mỗi địa bạ là một mô tả sinh động, tương đối toàn cảnh về bức tranh của một làng cụ thể. Nghiên cứu địa bạ là phục dựng lại bức tranh đó. Chúng ta sẽ có bức tranh toàn cảnh làng Việt Nam truyền thống khi khai thác được triệt để nguồn tư liệu này. Một lần nữa có thể khẳng định tư liệu địa bạ Thăng Long – Hà Nội là nguồn di sản quý giá trên nhiều phương diện.
Lam Giang