Nguồn tư liệu địa bạ huyện Hoài An được lưu trữ ở đâu?
Trong quá trình sưu tập và dịch thuật các văn bản Hán Nôm, các nhà nghiên cứu ngoài niềm say mê còn phải dành nhiều thời gian, công sức để tìm nơi lưu trữ những nguồn tư liệu đó. Khi thực hiện sưu tầm, dịch tư liệu địa bạ thuộc mảng Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, PGS.TS. Vũ Văn Quân cùng nhóm cộng sự đã sưu tập địa bạ huyện Hoài An chủ yếu tập trung ở Trung tâm lưu trữ quốc gia I (Hà Nội), thuộc Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, ngoài ra, tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn có một số bản được lưu trữ.
Theo nhóm tác giả thì tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, địa bạ Hoài An có số ký hiệu liên tục từ 4411 đến 4463 và hai ký hiệu 4873 (sở Cống Khê, tổng Thái Đường) và 4944 (thôn Trạch Xá xã An Phú tổng Thái Đường). Địa bạ thôn Chú Nhan xã Thường Vệ có ba bản (2 bản niên đại Gia Long 4 và 1 bản niên đại Minh Mệnh 13). Địa bạ thôn Bạch Độc xã Hội Xá tổng Phù Lưu Thượng có hai bản (cùng niên đại Gia Long 4). Địa bạ xã Nông Khê tổng Trinh Tiết có hai bản (cùng niên đại Gia Long 4). Tổng số địa bạ toàn huyện là 55 cuốn, thuộc 51 đơn vị hành chính cơ sở. Có 35 địa bạ cấp xã và 16 địa bạ cấp thôn thuộc xã.
Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, có 9 đơn vị địa bạ của huyện Hoài An. Đây đều là các bản sao của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp vào đầu thế kỷ XX, với các ký hiệu AGa1/18; AGa1/19 AGa1/22 AGa1/23 và AGa1/24.
Từ nguồn tư liệu lưu trữ, PGS.TS. Vũ Văn Quân và các cộng sự đã giới thiệu bản dịch địa bạ huyện Hoài An gồm các tổng: Phù Lưu Tế, Phù Lưu Thượng, Thái Đường, Trinh Tiết gồm các thôn, xã thuộc các tổng này.
Linh Giang