Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 13/11/2019 10:33
Huyện Hoài An xưa của Thăng Long – Hà Nội nay có còn?

 Kinh đô Thăng Long xưa, thủ đô Hà Nội nay theo thăng trầm lịch sử có nhiều biến đổi về tên gọi cũng như địa giới, có những khi được mở rộng và cũng có những khi thu hẹp. Cùng với sự thay đổi cả về quy mô đến cơ cấu tổ chức, vị thế có những khoảng thời gian Thăng Long – Hà Nội chỉ là một tỉnh lỵ đơn thuần và tên gọi cũng đổi thay. Cũng như các địa phương khác, nhiều đơn vị huyện của vùng đất xứ Đông xưa có sự thay đổi cả tên gọi đến địa giới và có những cái tên đến nay không còn tồn tại như huyện Hoài An. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi xin giới thiệu sự biến đổi từ địa giới đến tên gọi của huyện Hoài An qua cuốn sách Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Địa bạ huyện Hoài An do PGS.TS. Vũ Văn Quân chủ biên.

 Huyện Hoài An theo sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Ở cách phủ (Ứng Hoà) 7 dặm về phía nam; đông tây cách nhau 19 dặm, nam bắc cách nhau 26 dặm; phía đông đến địa giới huyện Sơn Minh 5 dặm, phía tây đến địa giới huyện Mỹ Lương tỉnh Sơn Tây 14 dặm, phía nam đến địa giới huyện Kim Bảng phủ Lý Nhân 26 dặm, phía bắc đến địa giới hai huyện Sơn Minh và Chương Đức 6 dặm”. Vốn là đất hai huyện Phù Lưu và Thái Đường, đến năm Quang Thuận đời Lê Thánh Tông (1460 - 1469) mới đặt huyện Hoài An. Đầu thế kỷ XIX huyện Hoài An thuộc phủ Ứng Thiên (năm 1815 đổi thành Ứng Hoà), trấn Sơn Nam Thượng. Từ năm 1831 huyện Hoài An thuộc phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Nội. Năm 1893 bỏ huyện Hoài An, chia đất này một phần thuộc về huyện Sơn Lãng (Sơn Minh cũ, tức Ứng Hoà sau này), một phần thuộc về huyện Yên Đức (tức Mỹ Đức sau này). Đầu thế kỷ XX, huyện này thuộc đất hai phủ Ứng Hoà và Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông; từ năm 1965 thuộc đất hai huyện Ứng Hoà và Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (từ năm 1979 thuộc tỉnh Hà Sơn Bình, từ năm 1991 thuộc tỉnh Hà Tây và từ năm 2008 thuộc thành phố Hà Nội).

Đầu thế kỷ XIX, theo sách Các tổng trấn xã danh bị lãm, huyện Hoài An thuộc phủ Ứng Thiên, trấn/xứ Sơn Nam Thượng, gồm 4 tổng, 55 xã, thôn, phường. Cụ thể: Tổng Thái Đường có 13 xã, thôn, phường, sở: Thái Đường, Nguyễn Xá, Nam Dương, Đình Xuyên, Dư Xá, Đặng Xá, Nội Xá, thôn Đoàn Xá thuộc xã An Phú, thôn Quán Xá thuộc xã An Phú, thôn Trạch Xá thuộc xã An Phú, sở Cống Kê, thôn Đức Dương thuộc xã Đình Xuyên, phường Thượng Đoàn.

Tổng Phù Lưu Tế có 12 xã, thôn, phường: Phù Lưu Tế, Tế Tiêu, Ngọ Xá, Phùng Xá, Mi Xá, Thượng Quất, Viêm Minh, Hằng Vệ, thôn Hồ Khê thuộc xã Minh Nông, thôn Nùng Hạ thuộc xã Minh Nông, Đồng Chiêm, phường Trung Đoàn.

Tổng Phù Lưu Thượng có 16 xã, thôn, phường: Phù Lưu Thượng, Nội Lưu, Ngoại Hoàng, Thanh Bồ, Bài Lâm, Hữu Vĩnh, thôn Các Hoàng thuộc xã Thanh Bồ, Hội Xá, thôn Bạch Độc thuộc xã Hội Xá, Độc Khê, thôn Thượng thuộc xã Yến Vĩ, thôn Đường An thuộc xã Yến Vĩ, thôn Phú Dư thuộc xã Hữu Vĩnh, phường Hạ Đoàn.

Tổng Trinh Tiết có 16 xã, thôn, phường: Trinh Tiết, Hà Xá, Kim Bôi, Vạn Phúc, thôn Đốc Kính thuộc xã Vạn Phúc, Giá Tín, Trung Trọng, An Duyệt, Đông Mật, Thượng Tiết, An Đà, Tuỵ Hiền, Phú Duy, thôn An Lạc thuộc xã Phú Duy, Nông Khê, phường Sông Trong.

Đầu thế kỷ XX, theo sách Địa danh và tài liệu lưu trữ về làng xã Bắc Kỳ, vùng đất huyện Hoài An đầu thế kỷ XIX lúc này một phần thuộc phủ Ứng Hoà tỉnh Hà Đông, một phần thuộc phủ Mỹ Đức tỉnh Hà Đông.

Thuộc phủ Ứng Hoà gồm một phần tổng Phù Lưu Thượng và tổng Thái Bình (tức tổng Thái Đường đầu thế kỷ XIX). Cụ thể: Tổng Phù Lưu Thượng gồm Phù Lưu (Kẻ Dầu) gồm hai thôn Thượng và Hạ, Nội Lưu (Kẻ Đỏ), Ngoại Hoàng (Cháp), Thanh Bồ (Kẻ Bồ), Cáp Hoàng, Phú Dư, Bài Lâm gồm hai thôn Thượng và Hạ, Hữu Vĩnh (Kẻ Vựng). Tổng Thái Bình gồm Thái Bình (Thái Đường), Nội Xá (Kẻ Nội), Hoà Xá (Kẻ Nguyễn), Nam Dương (Kẻ Chanh), Đinh Xuyên (Kẻ Đanh), Dư Xá (Kẻ Dừa) gồm hai thôn Thượng và Hạ, Đặng Giang, Đoàn Xá và Quán Xá.

Thuộc phủ Mỹ Đức gồm tổng Phù Lưu Tế, một phần tổng Phù Lưu Thượng và Trinh Tiết. Cụ thể: Tổng Phù Lưu Tế gồm Phù Lưu Tế gồm hai thôn Trung Thôn và Thượng Thôn, Xuy Xá (Nghiêm Mễ Xá) gồm các thôn Đông Đoài, Thượng Thôn, Nội Thôn, Tân Thôn, Nghĩa Thôn, Phùng Xá (Bùng) gồm Thượng Thôn và Hạ Thôn, Tế Tiêu (Tiêu), Hổ Khê, Viêm Khê (Đầm), Đồng Chiêm, Hặng Nông Hạ, Thường Vệ gồm các thôn Nội Ải, Vệ Thôn, Văn Thôn, Thọ Thôn và xóm Năm, Thượng Quất (Quýt) gồm hai thôn Quýt Thượng và Quýt Hạ, Ngọ Xá gồm hai thôn Văn Giang và Thọ Sơn, Chú Nhan và Đức Dương.

Tổng Phù Lưu Thượng gồm Đục Khê, Hội Xá, Yến Vĩ, Phú Yên, Bạch Tuyết, Tiên Mai, Chợ Bến.

Tổng Trinh Tiết gồm Trinh Tiết, Kim Bôi (Ngăm), Vạn Phú, Đốc Tín, Đốc Hậu, Trung Hoà (Lưa), An Duyệt (Nhát), Đông Bình (Mít), Nông Khê (Nông), Thượng Tiết, Tuỵ Hiền, An Đà, Thanh Hà, Phú Duy, Hoà Lạc, Hà Xá.

Như vậy, giữa hai thời điểm đầu thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, đơn vị hành chính - cộng đồng cơ sở ở huyện Hoài An đã có một số thay đổi về tên gọi và về số lượng. Ngoài việc không còn tên gọi Hoài An mà chia về hai phủ Ứng Hoà và Mỹ Đức thì nhiều đơn vị làng xã đầu thế kỷ XIX đã tách thành các xã thôn độc lập.

Tên gọi huyện Hoài An nay dẫu không còn, nhưng qua cuốn Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Địa bạ huyện Hoài An để thấy cách phân chia địa giới, đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế, con người của vùng đất này một thời gắn với tên gọi Hoài An.

Linh Giang

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)