Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 20/11/2019 10:44
Dòng văn Phan Huy nhánh Sài Sơn góp phần làm nên sự phong phú, rạng rỡ của diện mạo văn thơ Nôm thế kỷ 18 -19

Tiếp tục thực hiện Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II, ở mảng văn học tiếp sau Tuyển tập Ngô Gia Phái, Nhà xuất bản Hà Nội sẽ giới thiệu với độc giả thêm một “văn phái” nữa của Thăng Long, đó là Tuyển tập dòng văn Phan Huy (nhánh Sài Sơn).

Dưới thời phong kiến, thành tựu văn chương thường được nuôi dưỡng, trưởng thành và được gắn bó với sự phát triển của dòng họ. Họ Phan là một dòng họ lâu đời, có danh vọng ở triều Lê, có những đóng góp quan trọng về văn hóa, văn học. Nhưng mãi đến đời thứ 8, ngành thứ mới có Phan Huy Cận đỗ “lưỡng nguyên” Tiến sĩ khoa Giáp Tuất năm 1754 và từ đó họ Phan mới bắt đầu hiển đạt về đường văn và cũng bắt đầu lập nghiệp ở Sài Sơn, một vùng đất địa linh nhân kiệt, nằm ở phía tây kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Dòng văn Phan Huy có 7 tác giả chính, nói chung đều là những người có địa vị chủ chốt trong triều đình, là những chính khách xuất sắc, những tác gia tiêu biểu như Phan Huy Cận, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực. Người mở đầu dòng văn Phan Huy là Phan Huy Cận với bài  Đề tựa tập Ngũ kinh toản yếu đại toàn của Nguyễn Huy Oánh. Đến thế hệ thứ hai thì thành tựu văn chương đã bộc phát với Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn, Phan Huy Sảng. Phan Huy Ích có Dụ Am ngâm tập, gồm 6 tập thơ, khoảng gần 1000 bài và Dụ Am văn tập chia thành 8 sách, trong đó có tập gồm văn bang giao, chính luận; ngoài ra ông còn có những tác phẩm viết bằng văn Nôm, tiêu biểu là văn tế và bản dịch Chinh phụ ngâm mà khả năng rất lớn đã trở thành  một trong những văn bản tạo nên bản dịch Chinh phụ ngâm hiện hành đạt đến trình độ điêu luyện về nghệ thuật thơ Nôm. Phan Huy Ôn và Phan Huy Sảng có 3 cuốn sách khảo cứu về thi cử, riêng Phan Huy Ôn còn có một công trình độc đáo, hiếm gặp trong các học giả trung đại Việt Nam là cuốn về toán học - Chỉ minh lập thành toán pháp. Cũng có thể nói Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn đã khẳng định sự trụ vững của một dòng văn, để rồi đến thế hệ thứ ba Phan Huy Thực, Phan Huy Chú đã đưa Dòng văn Phan Huy đến bước cực thịnh, tạo được những đặc trưng riêng của một Dòng văn, có những đóng góp mới và riêng vào nền văn hóa văn học nước nhà. Đặc biệt Phan Huy Chú, với công trình Lịch triều hiến chương loại chí đã là người đóng góp lớn nhất trong lịch sử văn hóa Việt Nam về phương diện khảo cứu khoa học, ngành bách khoa. Bộ sách này chia làm 10 phần (mười chí): Dư địa, Nhân vật, Quan chức, Lễ nghi, Khoa mục, Quốc dụng, Hình luật, Binh chế, Văn tịch, Bang giao.

Dòng chảy của dòng văn Phan Huy có độ dài khoảng hơn 100 năm, xuyên qua ba triều đại cuối Lê - Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn, đó là thời kỳ lịch sử Việt Nam xảy ra những biến động lớn, vừa hào hùng vừa có nhiều bi kịch, tầng lớp nho sĩ trí thức phân rẽ, đặc biệt là bước rẽ của lịch sử khi nhà Nguyễn phải đối đầu với tư bản phương Tây… Rất nhiều vấn đề trên các bình diện tư tưởng, văn hóa, kinh tế, xã hội và số phận con người được đặt ra, những vấn đề đó cũng có thể thấy hiện diện qua dòng văn Phan Huy.

Tất cả các tác giả của Dòng văn Phan Huy, đều có quá trình đào luyện, hoạt động văn học (từ sử dụng chất liệu, ngôn ngữ, thể loại đến cảm hứng sáng tạo, đối tượng phản ánh…) gắn bó với Thăng Long đất Bắc. Cho đến sau này, dù làm quan ở Huế hoặc đi “Dương trình”, “Như Thanh”…, mỗi khi nhớ về quê nhà thì nơi ấy ưu tiên vẫn là Sài Sơn… Với thực tiễn như thế, thành tựu văn chương của dòng họ Phan Huy xứng đáng được định danh là Dòng văn Phan Huy Sài Sơn và cũng coi đó là một đóng góp lớn của danh tộc Phan Huy cho nền văn hóa văn tộc nước nhà.

Trần Duy

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)