Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 20/11/2019 02:48
Hà Nội - tiêu điểm thử thách chiến lược ngoại giao và trị nước của nhà Nguyễn trong giai đoạn đột biến

Từ năm 1802, khi Nguyễn Ánh chọn Huế làm kinh đô của nước An Nam thì Hà Nội đã trở thành cố đô. Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn là tỉnh lớn, có vị thế địa chính trị quan trọng. Vì lẽ đó, sau khi chiếm được các tỉnh Nam kỳ, người Pháp bắt đầu âm mưu tấn công nhằm thôn tính Hà Nội – trung tâm kinh tế chính trị quan trọng của Bắc Kỳ, nhằm làm bàn đạp xâm lược các tỉnh Bắc Kỳ. Cũng chính tại đây từ những năm 1873, 1882 đã diễn ra nhiều tiếp xúc ngoại giao giữa triều đình nhà Nguyễn với Pháp, xong bất đồng là không thể cứu vãn, dẫn đến những xung đột quân sự vào năm 1873,1882 với việc Pháp hai lần tấn công thành Hà Nội. Điều này thể hiện qua rất nhiều châu bản  triều Nguyễn, đặc biệt là châu bản triều Tự Đức. Cùng tìm hiểu nội dung này trong cuốn sách Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội - ấn phẩm thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Trước những diễn tiến của những tác động từ sức mạnh phương tây từ đầu những năm 70 của thế kỷ XIX, chủ yếu là Pháp tới nhiều phương diện và nhiều vấn đề trong xã hội Việt Nam, các vị vua nhà Nguyễn đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, phải nỗ lực chật vật để suy tính, quyết đoán những chính sách ngoại giao của nước Nam trước ảnh hưởng ngày càng lớn của người Pháp. Đơn cử như việc xem xét có cho phép hay không bốn thương nhân xứ Thiên Trúc đến buôn bán ở Hà Nội cũng đã  được cơ quan Thương bạc dâng tấu sau khi đã suy xét kỹ. Bởi lẽ xứ Thiên Trúc [thuộc địa phận Ấn Độ hiện nay] đương thời có vùng thuộc Anh, có vùng thuộc Pháp, nên cơ quan ngoại giao của vương triều Nguyễn đã phải xác minh cụ thể ngõ hầu tìm ra giải pháp tư vấn trước khi dâng tấu lên Hoàng đế, đồng thời phải ghi chép và theo dõi hoạt động của những thương nhân ấy trên đất Hà Nội: “Vâng xét ngày mồng 9 tháng này tiếp tư văn của Hải Dương trình bày rằng 4 người nước Thiên Trúc vào Ninh Hải, tiện đường vào ở Hà Nội buôn bán. Viện thần đã vâng trình bày để xin hỏi vị sứ ấy. Tối ngày 18 đến bàn bạc về lương bổng của Nha Thương Chánh đã hỏi về việc đó, theo vị sứ ấy nói Thiên Trúc có chỗ thuộc Anh, có chỗ thuộc Pháp. Nhưng vị Lãnh sự ấy đã nhận họ là người do Pháp quản, nghĩ là đáng tin cậy. Nay căn cứ tờ tư của Hà Nội thì 4 người ấy thuộc người Ma La ở nước Thiên Trúc đã ở lâu ngày tại Sài Gòn rồi. Nay họ tới lại có giấy tờ cho phép của Gia Định. Lãnh sự ấy đã ghi vào sổ tịch, bọn họ cũng thuê chỗ ở mà căn cứ lời bàn của đại sứ thì cho ở cũng không có trở ngại gì. Xin tạm cho họ ở buôn bán nhưng do tỉnh ấy thường xuyên theo dõi xem bọn họ sinh sống ra sao, phúc trình đầy đủ...” (châu bản triều Tự Đức – 1878, tập 295, tờ 269-270).

Khó khăn về ngoại giao của triều đình nhà Nguyễn ngày thêm trầm trọng dưới thời Tự Đức, đặc biệt là sau khi Việt-Pháp ký Hòa ước Nhâm Tuất.Trong thế yếu hơn về thực lực quân sự - kinh tế so với người Pháp, lại không tìm được tiếng nói chung giữa triều đình với các quan lại và tầng lớp trí thức cùng đông đảo người dân trong nước, triều Nguyễn vẫn cố gắng thực thi những đàm phán ngoại giao, những thương thảo nội bộ, mong muốn tìm được phương cách tốt nhất giữa hai phe chủ chiến và chủ hòa. Tuy nhiên, điều này là vô cùng khó khăn. Trong sự bất lực về ngoại giao, triều Nguyễn đã phải ký nhiều hiệp ước với Pháp, trong đó đáng chú ý là Hòa ước Nhâm Tuất (1862) với việc cắt cho Pháp ba tỉnh miền đông Nam Kỳ cho Pháp và Hiệp ước Giáp Tuất (1874) với việc giao toàn bộ 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Sau khi đạt được những mục đích đầu tiên là chiếm đóng 6 tỉnh Nam Kỳ, Pháp bắt đầu thúc đẩy nhanh việc lý do để đưa quân ra Hà Nội và tấn công thành lần hai. Thực tế Pháp đã nhận thấy tầm quan trọng mảnh đất cố đô này trong các chiến lược phát triển kinh tế và ngoại giao. Đây là nơi cửa ngõ giao thương và là trung tâm kinh tế - chính trị trọng điểm của Bắc Kỳ. Hà Nội nằm sát sông Hồng chính là trung tâm của các hoạt động kinh tế từ Quảng Ninh, Hải Phòng và những tỉnh ven biển khác. Chính vì vậy, Pháp đã tạo ra rất nhiều gây hấn và các căn cớ để tấn công thành Hà Nội lần 1 (1873) và lần 2 (1882) (châu bản triều Tự Đức – 1873, tập 156, tờ 34-35 - Báo cáo tình hình quân Pháp đánh thành Hà Nội và huy động binh sĩ quân lương các tỉnh Bắc kỳ chống Pháp). Sau những giao chiến ban đầu, triều Nguyễn Truyền dụ cho các quan chức Hà Nội thương thuyết với quan Pháp để sớm chấm dứt chiến tranh (Châu bản triều Tự Đức, tập 156, tờ 49). Điều này càng chứng minh vị thế quan trọng và nhạy cảm của cố đô này trong lĩnh vực ngoại giao quốc gia. Khi xác đinh được tầm quan trọng của Hà Nội nhận biết được âm mưu và bản chất của quân Pháp, nhà Nguyễn lúc này mới yêu cầu các “tỉnh thành chiêu tập rèn luyện binh sĩ để chống Pháp” (Châu bản triều Tự Đức, tập 156,  tờ 51-52) và ‘Truyền dụ kêu gọi nhân dân, hào kiệt chiêu mộ sức người sức của đồng tâm hiệp lực sớm lấy lại thành Hà Nội” (Châu bản triều Tự Đức, tập 156, tờ 53-34). Tuy nhiên, sự thức tỉnh của nhà Nguyễn đã quá muộn màng. Âm mưu và bản chất thực dân của Pháp đã lộ rõ.

Xoay quanh sự kiện lịch sử này có đến 25 châu bản về quá trình thương thuyết về ngoại giao cũng như xung đột về quân sự giữa Hà Nội và Pháp cũng như các hoạt động ổn định thành và những lần gặp gỡ giữa hai bên sau khi Hà Nội thất thủ. Các châu bản xoay quanh các khía cạnh của sự kiện lịch sử này phản ảnh hậu quả phức tạp của hoạt động quân sự đương thời. Không đơn giản là Pháp binh đánh thành, chiếm thành rồi trả thành để thị uy sức mạnh; không đơn giản là quân tướng Nam triều thất thủ rồi nhận lại thành. Hà Nội trong những sự kiện bi tráng này là tiêu điểm thử thách chiến lược ngoại giao và trị nước của vua nhà Nguyễn trong giai đoạn đột biến, cũng như phép thử dành cho người Pháp về thực lực quân sự Nam triều và sức mạnh lòng dân Việt. Sự kiện thành Hà Nội hai lần thất thủ cũng cho thấy mối mâu thuẫn sâu sắc giữa chủ trương của triều đình Tự Đức với ý nguyện của dân Bắc kỳ, dân Hà Nội. Điều này được minh định cụ thể và rõ ràng trong những bản Phê, bản Dụ trong những năm trị vì của vua Tự Đức (châu bản triều Tự Đức, tập 156, tờ 49, 92, 95, 97,98, 102-103, 120-121, 124-126, 132, 152-153, tập 257, tờ 344-348,…).

Có thể nói, trước những biến động cực lớn của tình hình xã hội, Tự Đức – vị vua yếu ớt về thể chất, chịu ảnh hưởng của nền giáo dục Nho giáo, đã gồng mình gánh vác nhiều biến cố chưa từng có tiền lệ. Đáng nói là phần lớn những biến cố ấy đến từ các nhân tố phương Tây – một thế giới mới lạ hoàn toàn với hầu hết vua tôi nước Nam. Trực tiếp đối mặt với tầm vóc lớn mạnh khác thường của phương Tây, không riêng Tự Đức, các vị tiền nhân và kế thừa ngôi báu triều Nguyễn sau này vẫn luôn trăn trở trước những suy tính về chiến lược và sách lược ngoại giao mang tầm quốc gia với phương Tây, và trong mọi hoàn cảnh, Hà Nội – dù không còn là kinh đô nhưng vẫn là địa phương đi đầu và chấp nhận hứng chịu mọi xung đột về ngoại giao cũng như quân sự.

Vũ Minh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)