Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 21/11/2019 08:38
Một bản tộc ước, gia quy Thăng Long – Hà Nội có cấu trúc như thế nào?

Nằm trong mảng sách Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội, cuốn sách Tuyển tập tộc ước, gia quy do PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn chủ biên xuất bản trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Ngay từ khi còn là bản thảo công trình đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu, đọc giả quan tâm bởi giá trị tư liệu ẩn chứa trong mỗi văn bản tộc ước, gia quy được giới thiệu. Công trình được chủ biên cùng nhóm biên soạn dày công trong nhiều năm nghiên cứu, dịch thuật từ các văn bản Hán Nôm được lưu trữ.

Trong quá trình nghiên cứu, dịch các văn bản, nhóm biên soạn nhận thấy các bản tộc ước, gia quy về cơ bản có cấu trúc tương đối giống nhau. Nó được chia thành từng điều, từng mục, tương tự như hương ước và học theo cách làm của luật pháp các triều đại. Việc chia thành từng điều vừa thể hiện tính quy ước, tính chất điều chỉnh hành vi, ước thúc hành vi các thành viên trong gia tộc, vừa thể hiện tính cộng đồng xây dựng và cộng đồng thực hiện của tộc ước, gia quy. Việc phân chia thành từng điều từng mục được xem là một trong các đặc trưng của văn bản tộc ước, gia quy.

Tộc ước, gia quy có mô thức cấu trúc chung: Lời dẫn, mở đầu nói lý do lập ước + các điều + lời kết. Toàn văn chia từng điều, từ một tới hết. Mỗi điều ở đầu có thể ghi “nhất ước” hoặc “đệ nhất điều ước”, hoặc “nhất lệ”… Một số bản tộc ước cuối mỗi điều đều ghi hai chữ “tư lệ” hoặc “tư ước”, “tư giao từ”...

Tuy nhiên, kết cấu này cũng có một số biệt lệ. Có những bản chia thành các phần khác nhau, nói về từng nhóm vấn đề, hoặc cần nhấn mạnh một phần nào đó có sự khác biệt về tính chất. Chẳng hạn Tộc ước họ Lê thôn Mai Trai, xã Thanh Mai, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì) chia ba phần, phần đầu có tính chất gia huấn, ghi lời giáo huấn con cháu của một vị trong họ, phần tiếp theo ghi việc sử dụng một phần ruộng cúng phục vụ cúng tế phụng sự một người cụ thể, phần thứ ba mới là các điều khoản chung khác.

Cũng có những bản tộc ước, gia quy, các điều ước không có tính chất cùng quy ước để thực hiện một cách bình thường, mà lại được biên soạn như những lời thề, lời nguyền mang tính linh thiêng thần bí, chế ước không bằng trách phạt bình thường, mà có tính chất như lời thề để tăng ý nghĩa tôn nghiêm và tác dụng chế ước.

Riêng một vài văn bản có tính chất gia quy, tộc pháp hầu như không chia thành các điều. Chẳng hạn bản Gia quy họ Ngô Thì xã Tả Thanh Oai, tổng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc làng Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì).

Cũng có bản tộc ước, gia quy do tính chất việc họ liên quan tới làng xã, hoặc do người trong họ có danh vọng lớn, đồng thời được thờ làm phúc thần địa phương… thì lệ phụng tự những nhân vật đó có tính chất như hương ước ở làng xã. Những trường hợp cả giáp, hoặc cả thôn, xã là một họ, chẳng hạn họ Hoàng ở Đa Sĩ và họ Ngô ở La Khê. Trong các trường hợp này, việc làng cũng là việc họ, việc họ cũng là việc làng. Đây chính là điểm đan xen, giao thoa giữa tộc ước, gia quy và hương ước.

So sánh về cấu trúc và nội dung các văn bản tộc ước, gia quy thấy có nhiều bản khá giống nhau ở cấu trúc toàn thể, hoặc ở một số điều. Có một vài bản các điều ước giống nhau tới 80-90%. Trong thực tế, khi soạn tộc ước, gia quy, các gia tộc đã có sự tham khảo, học tập lẫn nhau, rồi điều chỉnh lấy bỏ thêm bớt cho phù hợp với điều kiện cụ thể của dòng họ mình.

Các điều khoản trong tộc ước, gia quy được sắp xếp theo trình tự nhất định. Một số điều quy định hợp thành một nhóm vấn đề cần điều chỉnh, ví dụ nhóm điều quy định về tế lễ, nhóm về hợp tộc, về điền sản... Điều cuối cùng của văn bản thường có tính chất điều khoản thi hành. Cuối mỗi điều ước thường có cụm từ: “nay ước” hoặc “nay từ”. Những cụm từ này là căn cứ cho chúng ta khẳng định rằng, tộc ước là một sự thỏa thuận của cả họ tộc, ngay cả khi cuối mỗi bản tộc ước không có việc ký tên hoặc nói rõ nó đã có được sự thỏa thuận của đa số người trong họ trước khi thi hành.

Các điều khoản thường không đánh số thứ tự, chỉ ghi “nhất”, “nhất điều”, “nhất ước”, “nhất lệ”… rồi lại tới “nhất điều”. Việc sắp đặt thứ tự các điều ước cũng có sự ưu tiên nhất định, tuỳ theo tầm quan trọng của vấn đề quy định. Thông thường, nếu có nhiều điều quy ước, thì các vấn đề quan trọng được đưa lên trước, vấn đề ít quan trọng và nổi bật hơn đặt sau. Những điều đầu tiên thường nói về nguồn gốc gia tộc, về tế lễ tổ tiên, sau đó mới tới các nội dung khác. Về thứ tự của các điều ước này, khi thống kê phân tích định lượng cũng sẽ cho chúng ta những thông tin bổ ích và lý thú về mối quan tâm của các dòng họ, định hướng giá trị ưu tiên của các dòng họ.

Về số lượng các điều ước trong một bản tộc ước, gia quy. Tùy theo đặc điểm và nhu cầu lập ước của từng dòng họ khác nhau, mà mỗi bản tộc ước có thể gồm nhiều hoặc ít số điều ước.

Việc sắp xếp trình tự các điều quy định trong các bản tộc ước, gia quy cũng không hoàn toàn tùy tiện, mà tùy theo sự quan trọng của vấn đề quy ước mà chúng được xếp thứ tự trước hay sau. Giữa các điều khoản trước và sau có tính liên tục, tuần tự hô ứng, điều sau để nói rõ, nói tiếp cho điều trước. Các điều khoản được chia làm các nhóm vấn đề.

Mở đầu văn bản tộc ước, gia quy có lời mở đầu, lời tựa, nói về lý do, mục tiêu của việc lập ước, bối cảnh và tông chỉ lập ước cùng những thông tin có liên quan khác như niên đại, người soạn...

Do tồn tại với tư cách chỉ là một thành tố phụ chép trong gia phả, nên nhiều bản tộc ước, gia quy không có lời tựa, lời thuyết minh, mà điều đầu tiên kiêm luôn tính chất tựa. Phần cuối của văn bản tộc ước, gia quy thường có lời bạt, hoặc lời thể hiện sự đồng tình, thông qua tộc ước, gia quy của các thành viên trong họ. Cũng có khi lời bạt là lời yêu cầu con cháu đời đời phải nghiêm chỉnh tuân theo những điều đã được ghi trong tộc ước, gia quy, lời cam kết thực hiện các quy định vừa được thảo ra và giới hạn phạm vi tác động của tộc ước, gia quy (về cả không gian và thời gian). Có bản cuối cùng ghi cách thức lưu giữ, sao chép và yêu cầu đời sau căn cứ thực tế mà điều chỉnh sửa đổi cho phù hợp. Nhiều bản ghi lại họ tên, có điểm chỉ của những người tham gia lập ước. Tuy nhiên, không thấy ở cuối bản nào có dấu hiệu phê duyệt của quan lại địa phương để tăng tính pháp lý, tương tự như việc soạn lập hương ước của các làng hay các bản gia pháp tộc quy của người Trung Quốc. Đây cũng là một điều lý thú, thể hiện đặc điểm của tộc ước, gia quy người Việt.

Bia tộc ước về quy mô thường nhỏ hơn, ít điều ước hơn so với văn bản chép trên giấy, nhưng tính chỉnh thể của văn bản lại có phần cao hơn văn bản giấy do đặc thù của việc thể hiện trên bia đá.

Trên đây chúng tôi giới thiệu cấu trúc của văn bản tộc ước gia quy Thăng Long – Hà Nội mà chủ biên và nhóm biên soạn trong quá trình nghiên cứu, dịch các văn bản tộc ước, gia quy của Thăng Long – Hà Nội đã rút ra.

Ngọc Ánh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)