Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 27/11/2019 08:50
Quần cư nông thôn ở Hà Nội

Trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II có một mảng đề tài về địa lý Hà Nội. Bài viết này nói về vấn đề quần cư nông thôn ở Hà Nội và đề tài này được làm rõ qua một chương trong cuốn sách Dân cư Thăng Long - Hà Nội của hai tác giả GS. TS. Đỗ Thị Minh Đức và GS. TS. Nguyễn Viết Thịnh.

Quần cư nông thôn Hà Nội thể hiện ở mạng lưới làng, một mặt ghi lại dấu tích của quá trình chinh phục đồng bằng sông Hồng, mặt khác cũng phản ánh bản sắc làng đồng bằng sông Hồng đang biến đổi. Quần cư nông thôn là sự phân bố mạng lưới các điểm dân cư ở vùng nông thôn với quy mô và chức năng khác nhau. Trong lịch sử định cư và khẩn hoang đồng bằng sông Hồng thì các điểm dân cư nông thôn hình thành sớm nhất. Sự phát triển mạng lưới quần cư ở đồng bằng sông Hồng đi song hành với quá trình chế ngự lũ sông Hồng, trước hết bằng việc đắp đê. Việc đắp đê, cải tạo đồng bằng sông Hồng ở quy mô lớn bắt đầu từ triều Lý với việc đắp đê Cơ Xá vào năm 1108 để bảo vệ kinh thành và các con đê khác trong và ngoài kinh thành. Sang đến đời Trần, triều đình cho đắp đê Đỉnh Nhĩ suốt từ đầu nguồn cho đến tận cửa biển. Trong suốt thời kỳ phong kiến, các triều đại đều có chăm lo tu bổ và hộ đê. Trong những năm loạn lạc cuối Lê đầu Nguyễn, đê điều bị hư hại nhiều, thủy tai liên miên. Như vậy, các làng cổ được dựng lên có thể từ nghìn năm, nhưng các công trình kiến trúc trên đó còn lại thường chỉ có tuổi vài trăm năm, ngay cả cây cổ thụ nay được xếp là di sản cũng có tuổi vài trăm năm. Cùng với làng cổ và nhiều di tích kiến trúc của làng cổ như đình làng, giếng làng, cổng làng, các nhà cổ là lớp lớp cư dân của làng, với các quan hệ làng xã vừa cố kết, vừa mở để đón các yếu tố mới.

Song song với quá trình trị thủy, cư dân ở đồng bằng sông Hồng đã biết làm thủy lợi từ rất sớm. Việc làm các hệ thống dẫn thuỷ nhập điền đã cho phép ở một số địa phương tăng vụ, có thể duy trì mật độ dân số cao. Những nét đặc sắc của làng quê Hà Nội được duy trì từ đời này sang đời khác, qua các thế hệ chủ nhân của làng quê. Những nét đặc sắc ấy được thể hiện qua cách thức mà các cộng đồng dân cư - người làng - tổ chức không gian sản xuất, không gian sinh hoạt và không gian giao tiếp của mình, vừa chế ngự tự nhiên, vừa nương theo đặc điểm của môi trường tự nhiên. Những nét đặc sắc ấy được thể hiện ở cách tổ chức xã hội của cộng đồng, còn được ghi lại qua các bản hương ước. Như vậy, những nét đặc sắc của làng quê Hà Nội mang đậm tính địa lý - lịch sử - văn hóa tộc người. Văn hóa làng, tồn tại song song và giao thoa với văn hóa đô thị, tạo nên nét riêng của văn hóa làng ngoại thành Hà Nội, thể hiện ở cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Không gian làng, các cộng đồng cư dân làng và văn hóa làng tạo nên bẳn sắc quần cư nông thôn.

Các dạng quần cư nông thôn, các hình mẫu của quần cư phản ánh cách thức con người thích uwngsvowis môi trường địa lý. Cách thích ứng này được đúc kết từ kinh nghiệm truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành nét văn hóa trong cư trú. Những nét văn hóa này còn mang đậm tính tộc người. Phân tích các dạng quần cư nông thôn ở Hà Nội theo các dạng địa hình và một số kiểu sản xuất chủ yếu của quân cư nông thôn. Theo các dạng địa hình, làng ở ngọai thành Hà Nội có thể nhận ra các dạng: làng trên thềm phù sa cổ xen đồi sót, làng trên bãi bồi ven sông, làng trên đồng bằng thấp, làng trên đồng bằng cao trung bình. Sự đa dạng của hoạt động sản xuất chủ yếu của dân cư đã tạo ra bộ mặt riêng biệt của các làng trồng lúa cổ truyền, các làng trồng hoa - cây cảnh và nhiều loại làng nghề thủ công truyền thống khác nữa. Theo thống kê ở Hà Nội có khoảng 270 làng nghề, trong số này có những làng nghề đặc sắc, tạo nên bản sắc trong tổ chức không gian làng xã. Các làng nghề thêu ren tập trung ở phía nam của huyện Thường Tín; các làng nghề thủ công mỹ nghệ tập trung ở huyện Phú Xuyên và phía bắc huyện Thường Tín; các làng mây tre đan tập trung ở huyện Chương Mỹ và phía tây huện Phú Xuyên; các làng cơ kim khí ở huyện Thanh Oai; các làng dệt ở quận Hà Đông và huyện Hoài Đức, ở dọc sông Nhuệ, sông Đáy; làng nghề chế biến thực phẩm phân bố rất rộng, phổ biến là các làng nghề chế biến bún bánh, miến dong tập trung nhiều nhất ở huyện Hoài Đức, Ứng Hòa; làng chuyên chế biến giò chả tập trung ở Ước lễ, Hoàng Trung, Thanh Oai; chế biến chè ở Ba Vì; làm tương ở Cự Đà, Thanh Oai; các làng mộc làm đồ gia dụng nổi tiếng ở đất Phs Xuyên, Thường Tín, Thạch Thất và Đan Phượng.

Trần Duy

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)