Lợi ích từ chính sách phát triển điền trang của vua Trần Thánh Tông
Sau khi lên ngôi vua năm 1258, nhận thấy vấn đề lớn nhất của nền sản xuất nông nghiệp đó là ruộng đất hoang hóa quá nhiều, nhân dân từ thời Lý đã xiêu tán, bỏ quê hương làng mạc đi tứ xứ, vua Trần Thánh Tông đã chủ trương khuyến khích khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, giải quyết nạn lưu vong. Chính sách tiêu biểu của việc thúc đẩy khai hoang đó là năm 1266 nhà vua ban chiếu cho các vương hầu quý tộc tôn thất, công chúa, phò mã, cung tần được phép chiêu dân phiêu tán không chông có sản nghiệp để làm nô tỳ khia khẩn ruộng bỏ hoang, lập làm điền trang. Thực tế thì điền trang đã bắt đầu hình thành từ đời vua Trần Thái Tông nhưng phải đến đời vua Trần Thánh Tông khi có chiếu chỉ ban hành trực tiếp của vua thì công cuộc khai hoang lập điền trang mới thực sự trở thành phong trào với quy mô rộng lớn trên cả nước, và điền trang mới chính thức trở thành loại ruộng đất và sở hữu tư nhân hợp pháp được nhà nước thừa nhận. Trước kia, các nhà tôn thất thường sai nô tỳ của mình đắp đê bồi ở bờ biển để ngăn nước mặn, sau hai ba năm khai khẩn thành ruộng, cho họ lấy lẫn nhau và ở ngay đấy, lập ra nhiều ruộng đất tư trang” hay ‘trước đây các vương hầu công chúa lập điền trang ở ven sông thì đất phù san mới bồi đều thuộc về người chủ điền trang” (Đại việt sử ký toàn thư, tập II, Nhà xuất bản khoa học xã hội, trang 192, 154). Theo đó các vương hầu tông thất nhà Trần đều đẩy mạnh việc khai hoang ở các vùng đồng bằng ven biển và ven các dòng sông lớn là những nơi đất đai màu mỡ, phù sa bồi đắp nhiều.“Đất ven biển thường bị ngập nước, các thế gia muốn biến đất đó thành của tư đều được tùy tiện đắp đê vối ngăn nước mặn rồi cày cấy. Cho người ở hẳn đấy để khai khẩn cho hết mối lợi của đất” (An Nam chí nguyên, Viện sử học, trang 143). Do vậy hàng loạt điền trang của vương hầu quý tộc nhà Trần đã hình thành. Con cả của vua Trần Thánh Tông là thái tử Trần Khâm rất tích cực khai hoang lập điền trang, ông có đến hai điền trang. Một là ở ấp Ô Lâm (nay là xã Ninh Hải huyện Hoa Lư, Ninh Bình), nơi này có nhiều khu ruộng lớ, rộng khoảng 155 mẫu. Điền trang thứ hai là ở xã Thanh Bình (nay thuộc huyện Thanh Hà – Hải Dương), tại đây ông cho lâp nên các trang Hạ Hào, Hữu Cáo, Sơn Dựng, ông còn cho dựng chùa Bạch Hào ở Thanh Xá và cấp cho 36 mẫu ruộng để khói hương trong chùa.
Bên cạnh các điền trang của vua còn có điền trang của các công chúa hoàng tử và tông thất nhà Trần như điền trang của công chúa Trần Thị Ngọc Một ở Hoa Lư (Ninh Bình), điền trang của công chúa Thái Đường ở huyện Vụ Bản (Nam Định), điền trang của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (Ý Yên, Nam Định)... Cùng với đó là các điền trang của hoàng thân quốc thích, quan lại ở các vùng đồng bằng và cả vùng biên viễn như điền trang của Hoàng Hối Khanh ở vùng đất Quảng Bình – vùng đất này sáp nhập vào Đại Việt từ thời Lý nhưng đến thời Trần mới được khai phá và mở rộng...
Có thể nói, chính sách khai hoang khẩn hóa lập điền trang này đã tạo điều kiện cho công cuộc khai phá các vùng đất diễn ra với tốc độ nhanh quy mô lớn. Đây được coi là chính sách nổi bật và có ý nghĩa thiết thực nhất của vua Trần Thánh Tông. Thông qua chính sách này vua Trần Thánh Tông đã động viên con em, anh em hoàng thất tham gia khai phá ruộng đất và hình thành nên những “vùng kinh tế mới”. Chính sách này không những không xâm phạm đến chế độ sở hữu ruộng đất của nhà nước, góp phần quan trọng vào việc chia sẻ gánh nặng với triều đình mà không động chạm đến lợi ích từ ruộng đất công của nhà nước do nhân nhân dân làng xã sản xuất. Chính sách này đã đồng thời giải quyết hai vấn đề khó khăn trong sản xuất nông nghiệp tồn tại từ trước đó là: Tập trung được dân nghèo xiêu tán vào các điền trang để, tạo động lực cho sản xuất, nâng cao năng suất lao động; giải quyết được nguồn nhân lực trong nông nghiệp mà trước đó bị thiếu trầm trọng. Mặt khác, các điền trang được thành lập cùng với đó là các lực lượng nông binh trong các điền trang được tập hợp, rèn luyện, người nông dân không chỉ đơn thuần chỉ tham gia sản xuất mà còn được rèn luyện,đào tạo về quân binh... Đây chính là nguồn “dự bị động viên’ tốt nhất của nhà Trần để luôn sẵn sàng cho “lệnh tổng động viên” của triều đình khi có biến động hoặc có giặc ngoại xâm. Thực tế của hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông 1285, 1288 đã chứng minh điều này.
Hoàng Tâm