Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 27/11/2019 01:51
Thiên Trường – Kinh đô thứ hai thời Trần

Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 1000 năm  từ 1010 khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La và thì kinh đô Thăng Long  vẫn luôn là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế văn hóa, quân sự của cả nước. Trải qua bao biến thiên của lịch sử kể cả khi không còn là kinh đô dưới thời Nguyễn thì Thăng Long – Hà Nội vẫn là thủ phủ lớn nhất của Bắc Kỳ, là đô thị lớn nhất  của cả nước. Dưới thời Trần, bên cạnh kinh đô Thăng Long thì phủ Thiên Trường được coi như là kinh đô thứ hai của quốc gia Đại Việt. Cùng tìm hiểu vấn đề này trong cuốn sách Vương triều Trần (1226-1400) do PGS.TS Vũ Văn Quân để hiểu hơn vì sao Thiên Trường lại được coi là kinh đô thứ hai, và vai trò vị trí của nó như thế nào so với kinh đô Thăng Long.

Tức Mặc – Nam Định là quê hương, nơi phát tích của dòng họ nhà Trần, sau khi lên ngôi vua, năm 1226 vua Trần Thái Tông đã về Tức Mặc để tế lễ tổ tiên. Ban đầu,Tức Mặc đơn thuần là nơi quê cha đất tổ để các con cháu nhà Trần về hương khói, để nhà vua về tế lễ hàng năm. “Mùa thu, tháng 8 năm Tân Mão (1231) vua ngự hành đến cung Tức Mặc làm lễ hưởng ở Tiên miếu, ban  yến cho các bô lão trong hương và cho lụa theo thứ bậc khác nhau” (Đại Việt sử ký toàn thư,  tập II, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, trang 11). Đến năm “Canh Tý năm thứ 8 (1239), mùa xuân, tháng giêng’ , vua Trần Thái Tông “cho Phùng Tá Chu nhập chức Nhập nội thái phó về hương Tức Mặc dựng cung điện nhà cửa”. Đến năm 1262, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất. Tức Mặc đã được nâng cấp từ “hương Tức Mặc “lên phủ Thiên Trường”. Phủ Thiên Trường là một vùng đất rộng lớn bao gồm 4 huyện là Giao Thủy, Nam Chân, Mỹ Lộc, Thượng Nguyên và lấy Tức Mặc làm  thủ phủ. Cũng trong năm này quy mô kiến trúc của Thiên Trường đã được xây dựng cơ bản gần giống với kinh đô Thăng Long nhằm phục vụ Hoàng gia. Nếu như ở  Thăng Long có cung Thánh Từ và Quan Triều cho Thái thượng hoàng và nhà vua ở thì ở Thiên Trường có cung Trùng Quang và Trùng Hoa. Cung Trùng Quang để Thượng hoàng về ngự sau khi truyền ngôi; cung Trùng Hoa để vua nối ngôi về chầu, yết kiến quốc sự. Cùng với việc xây dựng các kiến trúc cung đình thì bộ máy hành chính là “sắc dịch hai cung” cũng được thiết lập để phục vụ Thái thượng hoàng và nhà vua.  Ngoài ra ở Thiên Trường còn xây dựng các kiến trúc cung khác để phục vụ các gia đình  hoàng tộc như Đệ Nhất cung, Đệ Nhị cung, Đệ Tam cung... Các kết quả khảo cổ học sau này ở Thiên Trường cho  thấy kiến trúc cung điện ở Thiên Trường giống với kiến trúc cung điện ở Hoàng thành Thăng Long.

Tổ chức hành chính ở Thiên Trường giống với Thăng Long. Đứng đầu quản lý Thiên Trường cũng là An phủ sứ. Người giữ chức quan này phải được đào tạo cẩn thận như An phủ sứ ở Thăng Long, tuy nhiên người giữ chức quan An phủ sứ ở Thăng Long phải là người trải qua nhiều “thử thách” hơn, phải thi tuyển và lựa chọn cẩn thận hơn. Đến năm 1344 thì chức quan đứng đầu Thiên Trường được đổi là Thái phủ và Thiếu Phủ. Người quản lý hai cung Trùng Quang và Trùng Hoa là chức quan Lưu thủ. Nếu như ở Thăng Long chức quan Lưu thủ là do hoàng tử đảm nhiệm thì ở Thiên Trường vị trí này không phải là hoàng tử mà một người khác được tuyển chọn nhưng không quá khắt khe.

Là đơn vị hành chính đặc biệt, Thiên Trường không chỉ là một trung tâm chính trị, nơi đây còn là trung tâm khởi phát nhiều giá trị văn hóa tư tưởng, tôn giáo, phong tục tập quán mang đậm bản sắc Đại Việt. Giáo phái Trúc Lâm (Yên Tử) do Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, đã đưa Phật thời nhập thế, gắn đạo với đời, đồng hành cùng dân tộc. Tại đây hiện còn công trình Phật giáo chùa Phổ Minh và tháp Phổ Minh 14 tầng được xây dựng thời nhà Lý phồn thịnh, đầu triều Trần nâng cấp, mở rộng. Để chấn hưng đất nước, cùng với Thăng Long, tại Tức Mặc - Thiên Trường, vua Trần cho lập Nhà học chăm lo việc đào tạo, tuyển chọn hiền tài, không phân biệt sang hèn, tuổi tác. Khoa thi năm Đinh Mùi (1247), Nguyễn Hiền, người huyện Thượng Nguyên, sau thuộc phủ Thiên Trường, đỗ Trạng nguyên khi mới 13 tuổi. Thời thi Nho học, từ Trường thi Thiên Trường, đã có 82 vị đỗ Trạng nguyên, Tiến sĩ, Phó bảng, và hàng ngàn Cử nhân, Tú tài, bổ sung vào bộ máy triều chính, giúp dân, giúp nước, trong đó có Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Tam nguyên Trần Bích San, Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị…

Có thể nói, thời Trần vùng đất Tức Mặc đóng một vai trò quan trọng. Trong tâm thức, nhà Trần Thiên Trường vì đây không chỉ là quê hương của nhà Trần mà còn là nơi ở, làm việc của Thái thượng  hoàng và vua và là một căn cứ địa quan trọng, vững chắc, an toàn cho hoàng tộc. Tuy nhiên, về  tổ chức hành chính thì Thiên Trường không thể bằng kinh đôThăng Long.  Thiên Trường chỉ là nơi ở làm việc của Thái thượng hoàng, nó ra đời trên cơ sở nhu cầu của riêng hoàng tộc nhà Trần chứ không phải trên nhu cầu của quốc gia đất nước. Vì vậy trên thực tế Thiên Trường cũng chỉ là một đơn vị hành chính như các địa phương khác trong cả nước. Ở một khía cạnh nào đó Thiên Trường chỉ là trung tâm chính trị của riêng nhà Trần còn Thăng Long là trung tâm của nhiều lĩnh vực như chính trị, văn hóa, kinh tế, ngoại giao... của quốc gia Đại Việt.

Tống Dương

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)