Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 27/11/2019 01:51
Vị thế của Thăng Long - Hà Nội đối với trong nước và quốc tế - tiền đề quan trọng trong sự phát triển kinh tế đối ngoại của Thủ đô

Thăng Long - Hà Nội với lợi thế về địa chính trị và lịch sử lâu đời, là một trung tâm  quan trọng nhất, có sức hút và tác động rộng lớn đối với toàn bộ đất nước cũng như đối với quốc tế cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trải qua ba triều đại Lý, Trần, Lê với 800 năm trị vì ở Thăng Long; từ 1945 đến nay Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã khẳng định vị thế trung tâm của Thăng Long. Lời tiên tri của Vua Lý Thái Tổ qua ngàn năm đã được thể nghiệm và ngày nay Hà Nội đã thật sự là một trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của nước Việt Nam thống nhất, hòa bình. Đây chính là một trong những tiền đề cho sự phát triển kinh tế đối ngoại Thăng Long Hà Nội. Điều này đã được Giáo sư Tô Quang Dân thể hiện trong cuốn sách Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

 Qua các thư tịch cổ như: Việt sử lược, Dư địa chí, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục, Phủ biên tạp lục đều có những ghi chép giá trị về các nước láng giềng khu vực: Chiêm Thành, Ai Lao, Chân Lạp, Xiêm La, Ja Va.... đã phần nào giúp chúng ta có được một cái nhìn tương đối tổng quát về mối quan hệ giữa Kinh đô Thăng Long của Đại Việt với các nước Đông Nam Á. Trước thế kỷ X, khi miền đất Đại La còn nằm dưới ách đô hộ của phương Bắc, vùng trung tâm châu thổ sông Hồng đã luôn phải đối diện với áp lực chính trị từ các quốc gia láng giềng. Dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, Lý Công Uẩn không chỉ muốn dịch chuyển trung tâm quyền lực đất nước về vùng đất thiêng Thăng Long mà còn muốn đưa trung tâm chính trị của quốc gia tự chủ vào sâu hơn nội địa nhằm hạn chế sự uy hiếp của các nước như Chiêm Thành, Chân Lạp.

Thời Lý - Trần, Thăng Long là một đô thị có nhiều ảnh hưởng đối với đời sống chính trị Đông Nam Á. Trong thế tự cường đi lên, các triều đại Lý, Trần đều có ý thức mạnh mẽ trong việc mở rộng mối quan hệ bang giao với các nước láng giềng. Bằng nhiều biện pháp chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao,… nhìn chung, chính quyền Thăng Long luôn giành được quyền chủ động trong quan hệ với quốc gia khu vực.

Trong giai đoạn hiện nay, khi mà các đô thị lớn trở thành yếu tố quyết định phát triển kinh tế - xã hội của một lãnh thổ, Hà Nội ngày càng tỏ rõ vai trò của mình như là một trung tâm đầu não của cả nước về chính trị, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Hà Nội cũng là nơi tập trung các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các đoàn thể nhân dân; nơi diễn ra các sự kiện chính yếu; nơi ban hành đường lối đổi mới và các chính sách kinh tế của đất nước. Hà Nội là nơi tập trung các Đại sứ quán nước ngoài, các Tổ chức quốc tế, Tổ chức phi Chính phủ, trụ sở các tập đoàn kinh tế lớn cùa Việt Nam và nước ngoài. Vị thế của Hà Nội càng được khẳng định và nâng cao với sự ra đời của Pháp lệnh về Thủ đô (2000) và tiếp theo là Luật Thủ đô (2012), với việc Hà Nội được Nhà nước trao tặng danh hiệu Thủ đô Anh hùng, thành phố vì hòa bình.

Tóm lại việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long là một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của quốc gia Đại Việt đầu thế ktr XI. Với “Chiếu dời đô” có thể coi vua Lý Thái Tồ là người đầu tiên có tầm nhìn sâu xa về vị trí và điều kiện tự nhiên của Thăng Long:  “…. đô cũ của Cao vương ở thành Đại La, ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa Nam - Bắc - Đông - Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là hơn cả. Thực là chỗ hội họp của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời” (Đại Việt sử ký toàn thư (tập 1), NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2006) . Ngày nay, sau 1000 năm, vị thế Thăng Long đã có những điểm thay đổi, nhất là trong điều kiện hội nhập, toàn cầu hóa và nhu cầu hướng biển.  Quy mô Thủ đô ngày càng mở rộng, vượt ra khỏi phạm vi Thăng Long xưa; không còn là nơi “tụ nhân” duy nhất .v..v... Những thay đổi kể trên xét cho cùng đều không phải là những thay đổi về bản chất của vị thế Thăng Long. Vẫn còn đó Thăng Long giữa Ba Vì, Tam Đảo, các dãy núi thiêng; vẫn còn đó Thăng Long, nơi “tụ thủy” với hệ thống sông Hồng - Thái Bình. Thăng Long - Hà Nội vẫn là một trung tâm kinh tế lớn nhất của Bắc Bộ và có vai trò chủ đạo, lan tỏa ra toàn miền và cả nước. Hà Nội  ngày  nay  vẫn là đầu mối giao thông quan trọng nhất của đất nước về đường bộ, đường sắt và đường hàng không, vẫn là trung tâm của các hành lang kinh tế quốc gia và quốc tế quan trọng nhất, vẫn là trung tâm lớn nhất của cả nước về văn hóa, giáo dục và đào tạo. Vượt lên tất cả, Hà Nội vẫn như Thăng Long xưa, là trung tâm chính trị và là trái tim của cả nước.

Dương Minh 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)