Bệnh viện Việt Đức nay với tên gọi Phủ Doãn xưa
Qua những trang tư liệu được ghi lại thì bệnh viện Phủ Doãn có nguồn tích từ một bà sơ tên Félicité Vacheron quyên tiền lập một nhà thương làm phúc ở phố Phủ Doãn. Nhà thương lúc đầu là mấy nhà vách bằng vữa lợp ngói, dần dần được xây tường gạch và có nhà gác hai tầng. Ban đầu, đa số bệnh nhân là người tàn tật và người nghèo không có tiền. Nhà thương không có y sĩ riêng, chỉ có mấy y sĩ trong quân đội Pháp trông coi giúp. Từ cơ sở này, chính quyền Pháp đã xây dựng, lập nhà thương Phủ Doãn.
Về mặt quy mô, hoạt động của Bệnh viện Phủ Doãn thời bấy giờ được cụ Nguyễn Văn Uẩn ghi lại: “Diện tích chiếm toàn bộ khu đất xưa kia là lỵ sở phủ Phụng Thiên, tức là dinh của quan Phủ Doãn. Đến thế kỷ XIX nơi đó không còn phủ và trở thành chỗ đất bỏ trống xen lẫn vườn ruộng. Năm 1887 và 1888 phát sinh bệnh dịch tả ở Hà Nội, trên đất Trường thi Hương có một bệnh xá nhà binh Pháp lập ra để chữa bệnh binh. Một bà phước là Félicie Vacheron làm việc trong quân y đội quân viễn chinh, có cho dựng một ngôi nhà gỗ nhỏ ở trong vườn Phủ Doãn cạnh đó để phát thuốc làm phúc cho người nghèo. Đó chỉ là một hình thức truyền đạo nằm trong những hoạt động xã hội có tính chất nhân đạo.
Phòng phát thuốc của bà phước Vacheron, tên tu hành là Soeur Antoine, được hoan nghênh và hàng ngày có đông người đến xin khám bệnh và xin thuốc. Nó được mở rộng thành một ngôi nhà gạch ba gian, vật liệu xin của nhà thương Đồn Thủy, và trở thành một bệnh xá nhờ được mấy bác sĩ quân y viện trong thành phố và Đồn Thủy khám giúp; bà phước Antoine có thêm hai bà phước người Việt giúp săn sóc bệnh nhân.
Nhà thương Phủ Doãn hoạt động từ năm 1888 đến năm 1904 thì bị nhà nước sung công do chính sách “thế tục hóa” (laicisation) các trường học và bệnh viện của Nhà Thờ công giáo của Chính phủ Đệ tam cộng hoà Pháp. Bệnh xá của bà phước Antoine được đổi tên là bệnh viện Bảo hộ (do ngân sách Bảo hộ Bắc Kỳ chịu kinh phí); nó được xây dựng mở rộng thêm, có nhân viên y tế nhà nước làm việc, bà Antoine ở lại phục vụ cho đến năm 1911, rồi mới xuống Hàng Bột mở một nhà nuôi những người tàn tật (Asile des Incurables).
Từ sau khi trở thành bệnh viện công, bệnh viện Phủ Doãn (nhân dân chỉ quen gọi là nhà thương Phủ Doãn) còn là bệnh viện thực hành của Trường y Hà Nội, và dần dần nó có đủ các khoa nội và ngoại, và do nhu cầu, cứ được xây dựng thêm mãi ở bên trong kín hết cả khu đất. Năm 1921 nó mới chỉ có năm, sáu ngôi nhà một tầng xây trên tầng hầm cao mét rưỡi cho thông thoáng. Ngôi nhà chính hai tầng ở giữa xây tiếp là nhà mổ; mấy ngôi nhà sát mặt đường Richaud (Quán Sứ) là kho dược. Ngôi nhà hai tầng có rào sắt cổng ra phố Hàng Bông là chỗ ở riêng của bác sĩ giám đốc viện.
Bệnh viện Phủ Doãn có hai chế độ: trả tiền và làm phúc. Đến thời kỳ có nhiều bệnh viện tư thì dân Hà Nội khá giả ít người vào nằm ở Phủ Doãn, họ đến bệnh viện tư sạch sẽ và phục vụ chu đáo hơn ở đây. Bệnh nhân Phủ Doãn phần đông là mắc bệnh nặng ở các tỉnh đưa về, hoặc dân nghèo vào chữa bệnh nhờ vào chế độ làm phúc.
Vốn chỉ là một nhà thương làm phúc trên phố Phủ Doãn, sau đó thành điểm khám chữa bệnh với tên gọi Bệnh viện Bảo hộ đến năm 1930 thì có tên gọi là Bệnh viện Yersin (sau 1954 nhân vì có nước Cộng hòa dân chủ Đức giúp trang bị lại bệnh viện sau chiến tranh, nên được đổi gọi là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức).
Cũng theo sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX có ghi trong sân bệnh viện, gần cổng chính bên phố Tràng Thi không biết đã từ bao năm, có một cây si cổ thụ, dưới gốc si có một ngôi miếu nhỏ xây gạch lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Ở một nơi đầy cảnh bệnh tật đau đớn chết chóc, ban đêm cú kêu rợn người, trong tối như đầy bóng ma quỷ, ngôi miếu cũ âm u là chỗ khấn vái cầu xin và hy vọng của bệnh nhân và gia đình họ. Cũng tại bệnh viện này vào đêm Noel năm 1932, đã xảy ra vụ vượt ngục của nhóm chính trị phạm Nguyễn Tạo, bảy người, giả vờ mắc các thứ bệnh nặng để được đưa từ Hỏa Lò sang đây chữa thuốc, họ đã cưa chấn song sắt của phòng điều trị phạm nhân và thoát ra ngoài.
Từ những ghi chép của cụ Nguyễn Văn Uẩn đã phác họa hình ảnh của Bệnh viện Việt Đức ngày nay xưa có tên gọi Phủ Doãn. Bệnh viện Việt - Đức ngày nay tọa lạc trên khuôn viên cũ của Nhà thương bản xứ hơn 100 năm trước có diện tích mặt bằng khoảng 30.000 mét vuông giữa trung tâm thủ đô Hà Nội với 3 mặt giáp đường Tràng Thi, Phủ Doãn, Quán Sứ và là tuyến cao nhất của ngành Ngoại khoa miền Bắc, Việt Nam.
Nhã Uyên