Khái niệm về Tộc ước, gia quy trong tâm thức người Việt
Chủ biên và các tác nêu lý do dùng thuật ngữ tộc ước, gia quy để chỉ các văn bản mang tính luật tục của các dòng họ, các gia đình và chọn chúng làm đối tượng nghiên cứu? Các văn bản Hán Nôm có liên quan tới đời sống các dòng họ thông thường có gia phả, gia huấn, và gia ước, tộc quy. Rất nhiều các văn bản ghi chép hành trạng về một số vị tiên tổ của họ, các bài văn tế, danh sách ruộng và các tài sản chung... phần nhiều phụ chép trong các văn bản gia phả. Gia phả của các dòng họ thường mang những nội dung tổng hợp, chép rất nhiều nội dung ngoài việc ghi chép phổ điệp, thế thứ. Gia huấn của các dòng họ thường là ghi những lời giáo huấn của các bậc cha anh có uy vọng, có trình độ học vấn, văn hóa cao soạn dạy cho người trong nhà. Gia huấn ở Việt Nam có tính khuyên răn, thể hiện mong muốn con cháu thực hiện mà hầu như không có quy định bắt buộc và các hình thức quy định thi hành. Ở Trung Quốc, tình hình có khác. Một số lời giáo huấn của tổ tiên, nhất là những người đặc biệt có uy vọng của dòng họ nào đó, ngoài ý nghĩa khuyên nhủ, răn giới ra, nó thực sự có tính bắt buộc. Một số gia huấn trở thành gia pháp và thành điều thiêng liêng của gia tộc, bắt buộc con cháu phải theo. Ở Việt Nam, chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát các bản gia huấn, nhưng hầu như không bản gia huấn nào được lưu hành theo cách thức và vai trò như vậy.
Hệ thống các văn bản ghi những quy ước trong các dòng họ thường mang những tên gọi như khoán cảo, điều ước, điều lệ, tộc bạ, tộc ước. Một số khác mang tên tộc quy, gia pháp, gia quy. Mới xem qua, tưởng như những tên gọi trên chỉ là một loại, nhưng kỳ thực nó có khác nhau.
Qua nghiên cứu các văn bản quy định hoạt động của các gia tộc Trung Quốc nhưng không thuộc loại gia lễ, chúng tôi thấy, người Trung Quốc ít dùng tên gọi như khoán ước, điều ước, điều lệ. Họ thường dùng những tên gọi như tổ huấn, gia pháp, tộc quy, gia quy, cấm lệ, cấm từ, di huấn, phàm lệ, quy phạm, tông phạm, quy tắc, tộc nghi... Các văn bản có tính luật tục của người Trung Quốc rất ít trường hợp là do toàn tộc bàn nghị thương thuyết xây dựng. Người Trung Quốc quan niệm, gia pháp là do cha anh, huynh trưởng đạt ra để bắt buộc con cháu phải theo, không có chuyện cha anh cùng thảo luận làm gia pháp với con cháu. Vì thế cho nên định lệ của tộc họ là của một người, hay một nhóm có uy vọng nhất trong tộc đặt ra, buộc mọi người phải thi hành, rất ít trong số chúng được thương thảo, vì thế rất ít thấy văn bản mang tên gọi tộc ước, điều lệ. Cũng có rất nhiều văn bản thuộc loại này ở Trung Quốc không chia theo các điều, mà là một bài thuyết giáo của tiên tổ trước lúc lâm chung yêu cầu con cháu thực hiện, không được thay đổi, mà sau chúng trở thành gia pháp.
Ở Việt Nam, các văn bản mang tính luật tục của dòng họ thường do số đông thương thảo, cả họ họp bàn xây dựng, nếu do một người soạn đặt ra, thì sau cũng phải được thông qua họ tộc mới có hiệu lực thi hành. Nhiều văn bản còn thể hiện tên tuổi của những người đã tham gia lập ước, danh sách những người ký kết thông qua tộc ước, gia quy. Loại văn bản do một hay một vài người có uy vọng lập ra yêu cầu con cháu phải thực hiện theo không nhiều. Vì thế cái tên điều lệ, gia ước, tộc ước, tục lệ là sự thể hiện đặc điểm phổ biến nhất của loại văn bản mang tính luật tục loại này của Việt Nam, tính công xã của tông tộc thể hiện cao hơn. Trong số những tên gọi trên, hầu như không có tên nào thật áp đảo, vì vậy chúng tôi tạm quy ước một tên gọi chung, mà theo chúng tôi tên gọi đó có tính khái quát về nội dung, thể hiện tính khuynh hướng, đặc điểm của loại hình văn bản luật tục, đó là Tộc ước. Chúng tôi tạm thời định nghĩa về tộc ước như sau: Tộc ước là loại hình văn bản có tính chất luật tục được tập thể thành viên các dòng họ xây dựng, cam kết thực hiện, bảo lưu và có tác dụng chế ước điều tiết hành vi và quan hệ của các thành viên trong nội bộ gia tộc. Tuy nhiên, nếu chỉ gọi là Tộc ước, thì lại cũng chưa thể hiện được khía cạnh loại văn bản ghi chép những điều mà các bậc trưởng thượng quy định ra, bắt buộc con cháu noi theo có tính gia pháp, hoặc loại vừa có tính chất thỏa thuận lập ước, vừa có tính chất bắt buộc theo di huấn hoặc mệnh lệnh bắt buộc Vì vậy, chúng tôi chọn một tên gọi kép Tộc ước, Gia quy liên dụng để hy vọng bao quát rộng hơn các văn bản thuộc nhóm loại luật tục của các dòng tộc và gia đình.
Loại văn bản tộc ước, gia quy này có những điểm giao thoa với các loại hình văn bản như gia lễ, gia huấn, gia phả và cả hương ước, xã lệ. Những nội dung quy định về tế lễ và nghi tiết thì nó gần gia lễ. Những nội dung về nguồn gốc tổ tiên thì gần gia phả, những điều răn dạy con cháu thì gần gia huấn và nhiều nội dung sinh hoạt trong đời sống gần với hương ước. Tuy nhiên, loại hình này có đặc điểm khác biệt hẳn so với các loại khác kể trên ở chỗ nó có quá trình xây dựng (lập ước) do tập thể các thành viên hoặc nhóm thành viên đại diện lập ra. Nó phân chia điều mục rõ ràng và nhằm tới nội dung điều chỉnh, chế tài mang tính bắt buộc, có thưởng phạt rõ ràng, nó có cơ chế vận hành và giám sát thi hành, nó có nguyên tắc phê duyệt và ban hành, quy chế điều chỉnh có nhiều yếu tố chế tài và khá chặt chẽ có tính chất luật tục.
Với những khái niệm được nêu là cơ sở mở ra cho những trang tư liệu, nội dung về tộc ước, gia quy Thăng Long – Hà Nội.
Ly Đàm