Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 28/11/2019 09:17
Nguyễn Bá Lân – một con người “văn võ song toàn” của miền đất địa linh nhân kiệt Cổ Đô

Trên mảnh đất xứ Đoài – làng Cổ Đô không chỉ nổi danh “làng họa sĩ”, miền đất địa linh nhân kiệt, quê hương của Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh mà Cổ Đô còn có Nguyễn Bá Lân, Tiến sĩ, Lục bộ Thượng thư với văn võ kiêm toàn. Con người, sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Bá Lân được viết nhiều trong sử sách, nhưng có lẽ sâu sắc hơn cả là qua những trang sách của Danh nhân Thăng Long – Hà Nội; Làng cổ Hà Nội xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Nguyễn Bá Lân sinh giờ Tuất, ngày 27 tháng Giêng năm Canh Thìn (1700). Cha ông là Nguyễn Công Hoàn – một trong “Tràng An tứ hổ”, lừng lẫy làng văn mặc lúc bấy giờ. Nguyễn Bá Lân vốn quê gốc ở xã Hoài Bão, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc. Gia phả dòng họ Nguyễn Bá Lân, do chính Nguyễn Bá Lân và con trai ông là Nguyễn Bá Uông viết, chép rằng: Tổ tiên ông gặp buổi binh đao loạn lạc, đến lánh binh ở Cổ Đô, sống bằng nghề dạy học; vì mến cảnh mến người mà nhập tịch ở đây.

Với tài năng, đức độ của người cha đã ảnh hưởng sâu sắc, mạnh mẽ đến Nguyễn Bá Lân từ thuở ấu thơ. Nguyễn Bá Lân được cha dạy dỗ từ nhỏ và không theo học thầy nào khác, nhà bác học Phan Huy Chú (1782 - 1840) đã chép “ông chỉ học ở nhà”. Biết con mình là người thông minh và có tài, nên cụ Nguyễn Công Hoàn hết lòng dạy dỗ, đồng thời nêu gương cho con về lòng hiếu học, cụ dạy con bằng phương pháp vừa dân chủ vừa nghiêm khắc. Sách “Lịch đại danh hiền phổ” đã ghi nhiều giai thoại khá lý thú về chuyện học hành của hai cha con. Một hôm hai cha con cùng bơi thuyền đi chơi sông Đà, cụ Hoàn ra một bài phú và cụ nêu điều kiện, nếu thuyền tới bến mà ai chưa làm xong thì phải bị ném xuống sông. Khi đến bến, ông Lân đã làm xong trước, còn cụ Hoàn mới xong một nửa, ông Lân không dám đẩy bố xuống sông nhưng cụ Hoàn đã tự nhảy xuống, thấy vậy ông Lân cũng phải nhảy xuống cùng với bố bơi vào bờ. Bài phú của Nguyễn Bá Lân được đánh giá là một bài phú hay và được gọi là “Nhất độ giang thành chương phú” (tức bài phú làm xong trên một chuyến đò).

Một lần khác, hai cha con cùng đi thuyền trên sông Đà trông thấy một chiếc chầy cháy dở trôi trên sông. Cụ Hoàn liền ra một vế đối “Chầy cháy trôi sông, lão ngư ông tưởng cá”. Ông Lân đối ngay “Hôm mai vượt biển, người tinh tú trông sao”. Cụ Hoàn thấy vế đối của con rất chuẩn, ẩn một chí khí khác thường, từ đó cụ Hoàn càng tin con mình sẽ thành tài.

Tuy cụ Hoàn không gửi con học thêm thầy nào, nhưng cụ vẫn coi trọng “tầm sư học đạo”. Cụ đã đưa con đến gặp các bậc kỳ tài gần xa, tạo điều kiện cho con được cùng xướng họa đàm đạo, trao đổi, học hỏi thêm. Những cuộc gặp gỡ đó đã giúp Nguyễn Bá Lân bổ sung kiến thức, phát triển tài năng, sáng tạo và giáo dục cho ông đức tính khiêm tốn, gần gũi quý trọng mọi người...; đặc biệt là giúp cho Nguyễn Bá Lân thấy được bể học là vô cùng rộng lớn, muốn thành tài phải có chí, phải khổ công. Chính vì vậy khi nói về sự thành đạt của Nguyễn Bá Lân, tác giả của “Đại Nam nhất thống chí” nhận xét “học thức của Nguyễn Bá Lân là nhờ ở gia đình”.

Nhờ được sự tận tâm và phương pháp giáo dục khoa học của cha, Nguyễn Bá Lân học càng ngày càng giỏi và năm 1731, ông đỗ Tiến sĩ, lúc đó tròn 30 tuổi, cái tuổi “Tam thập nhi lập”. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông bước vào hoạt động quan trường đến hết cuộc đời. Trong thời gian hơn 50 năm ấy, ông đã có tới 17 lần được thăng quan tiến chức với các chức sắc ngày càng cao, công việc ngày càng khó khăn nặng nề. Năm 1732, ông giữ chức Tư Huấn, năm 1734 lần lượt giữ các chức Hàn lâm Viện kiểm thảo, giám sát đạo Sơn Nam, Đề hình giám sát (Ngự sử); năm 1737 giữ chức Đốc đồng xứ Sơn Tây; năm 1740 giữ chức Tòng Tham tụng. Tiếp đó, ông được cử đi làm Lưu thủ Hưng Hóa, Đốc trấn Cao Bằng, rồi lại về làm việc tại nội các triều đình giữ nhiều chức tước quan trọng như: năm 1756 giữ chức Bồi tụng kiêm chức Tế tửu Quốc Tử Giám, 1767 làm Thượng thư bộ Lễ, rồi làm Thượng thư bộ Hộ, gần cuối đời ông được phong Thượng thư bộ Công... Thật hiếm có một ông quan trong triều nào lại có đủ kiến thức và lòng tin để đảm nhận cai quản nhiều bộ như Nguyễn Bá Lân.

Cuộc đời hơn nửa thế kỷ làm quan của Nguyễn Bá Lân có bao gian truân sóng gió, bởi thời ông làm quan đất nước phân tranh “đàng Trong và đàng Ngoài”. Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, Nguyễn Bá Lân vẫn giữ được đạo đức, tư cách một viên quan đại thần thanh liêm, cương trực, thẳng thắn làm tròn những nhiệm vụ được giao phó, dám đấu tranh giữ gìn kỷ cương phép nước.

Nguyễn Bá Lân không chỉ “văn giỏi, võ tài”, mà còn giỏi về luật pháp, giữ gìn kỷ cương phép nước, ông còn là một nhà khoa học uyên bác. Năm 1743, ông được giữ chức Hàn lâm Thị độc, gia phong tước Bá, năm 1756 thăng chức Tế tửu Quốc Tử Giám (chức đứng đầu Quốc Tử Giám), rồi chức Hàn lâm Viện Thừa chỉ, chăm lo việc đào tạo tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Năm Cảnh Hưng 23 (1762), Nguyễn Bá Lân và Lê Quý Đôn cùng được giao làm học sĩ để duyệt ký sách vở, chọn người có tài về văn học.

Cùng với sự nghiệp làm quan, nhờ được thừa hưởng tài văn chương của cha, Nguyễn Bá Lân cũng tỏ ra là người có năng khiếu thơ văn từ nhỏ. Ông cũng là người có lòng cống hiến cho sự nghiệp văn học nước nhà. Sách “Đại Nam nhất thống chí” (sđd, NXB. Khoa học xã hội, 1971) của Quốc sử quán triều Nguyễn khẳng định “Nguyễn Bá Lân người xã Cổ Đô, huyện Tiên Phong, cha tên là Hoàn, nổi tiếng về văn học, học thức của Nguyễn Bá Lân là nhờ gia đình, ông đỗ Hội Nguyên - Tiến sĩ đời Vĩnh Khánh, làm quan thanh liêm, cẩn thận, ra trấn Cao Bằng vỗ về nhân dân dẹp yên giặc cướp tỏ rõ công lao; vào triều tham dự chính sự thì giữ đúng pháp luật, không hề a dua, thăng đến Thượng thư bộ Hộ, hàm Thiếu bảo, thượng thọ 86 tuổi, khi chết được truy tặng “Thái tể, tước Quận công”.

Thùy Trang

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)