Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 28/11/2019 09:17
Cổ Loa - vùng đất gắn với những truyền thuyết huyền bí

Cổ Loa, địa danh gắn với những truyền thuyết đầy huyền thoại về các nhân vật lịch sử Thục Phán, Cao Lỗ, Nồi Hầu, Ngô Quyền, những sự tích về xây thành, về nỏ thần,… Theo những tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội, nhưng viết kỹ và rõ hơn cả về vấn đề này là bộ sách Làng cổ Hà Nội do Tiến sĩ Lưu Minh Trị chủ biên xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.

 Những câu chuyện truyền miệng, truyền thuyết dường như gắn với mỗi người dân Cổ Loa từ tấm bé. Vậy nên, ai đó đến đây gặp bất kể người dân nào cũng được nghe họ kể lại say sưa những câu chuyện dân gian ấy và nhiều nhất, hấp dẫn nhất vẫn là các truyền thuyết sau:

Từ những trang tư liệu lịch sử và cả những câu chuyện truyền miệng, truyền thuyết được lưu lại kể về An Dương Vương lập nên nước Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử Việt Nam, sau nhà nước Văn Lang đầu tiên của các vua Hùng. Sau chiến thắng vĩ đại đánh thắng 50 vạn quân Tần, Thục Vương quyết định xây thành cổ Loa. Để tìm được mảnh đất xây thành, truyền thuyết định đô tại Cổ Loa kể rằng: Lúc đầu nhà vua có ý định đóng đô tại làng Tó (xã Uy Nỗ), nhưng con chó Lài quý của vua trong một đêm mưa gió đã xuống vùng đất Chạ Chủ làm ổ đẻ. Thấy đây là điềm lành nên vua đã quyết định chọn nơi con chó quý làm tổ để làm nơi đóng đô của mình.

Truyền thuyết lịch sử nay vẫn còn đó các địa danh: Gò Vua, Oai Nỗ, Kính Nỗ, chợ Tó gắn với câu chuyện này.

Nếu như truyền thuyết định đô của vua An Dương Vương tìm đất định đô mang nhiều điều kỳ lạ thì truyền thuyết đắp thành Loa lại đầy huyền bí. Khu đất chọn để đắp thành là một quả đồi đất rắn như đá. Đám đông người hì hục đào đất, khuân hết ngày nọ sang ngày kia, nhưng cứ xây cao lên qua đêm lại bị sụp xuống. Vua lấy làm tức giận, kêu than lập đàn khấn vái cầu cho việc xây thành được thuận lợi. Do hợp lòng trời, lòng người nên việc đắp thành ngoài sức dân còn là sự trợ giúp của Thiên đình, thông qua các tiên nữ hàng đêm xuống gánh đất đắp thành.

Câu chuyện đầy huyền bí ấy nay vẫn còn đó với các địa danh thực trên vùng đất Cổ Loa như Tiên Hội, Gò Tiên, đền Sái, Thất Diệu Sơn,... gắn liền với truyền thuyết đó.

Nói đến vùng đất Cổ Loa, gắn với câu chuyện xây Loa thành là truyền thuyết về thần Kim Quy (Rùa vàng): Là Thanh Giang Sứ (của thiên đình) được cử xuống phù giúp An Dương Vương xây thành, giữ thành và chống giặc. Các câu chuyện về giết “Bạch kê tinh”, về nỏ thần… đậm mầu thần thoại, huyền bí nhưng hấp dẫn mà mỗi đứa trẻ Cổ Loa từ khi tấm bé vẫn thường được nghe người lớn kể lại mỗi tối trước khi đi ngủ.

Cổ Loa, mảnh đất gắn với những câu chuyện truyền thuyết, nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là truyền thuyết về thiên tình sử “Trọng Thủy - Mỵ Châu” đầy bi thương. Nàng Mỵ Châu trong sáng do nhẹ dạ mắc mưu hiểm của cha con Triệu Đà nên chết oan, hóa đá. Câu chuyện như vừa thực vừa hư, khi nghe chuyện ta ngắm hồ Ngọc Tỉnh, giếng Trọng Thủy - Mỵ Châu để lắng đọng nhiều điều. Hơn một câu chuyện tình bi đát còn là bài học cảnh giác lịch sử cho muôn đời sau về giữ gìn bí mật quốc gia.

Xung quanh về câu chuyện truyền thuyết đầy huyền bí này, có nhiều ý kiến cho rằng truyện tình giữa Trọng Thủy và Mỵ Châu được ghi chép trong các bộ sử của nước ta trước đây là mang tính huyền thoại với mục đích lý giải cho sự thất bại của An Dương Vương trong cuộc kháng chiến chống Triệu năm 179TCN. Tuy nhiên, trên cơ sở khai thác và phân tích các nguồn tư liệu khác nhau, câu chuyện này đang được minh chứng không chỉ là câu chuyện truyền thuyết qua những di tích khảo cổ học. Nhưng dù các nhà khảo cổ học đi tìm những di chỉ để chứng minh sự kiện mất nước của vua An Dương Vương không hẳn vì mất cảnh giác làm mất nỏ thần dẫn đến mất nước thì truyền thuyết Trọng Thủy - Mỵ Châu vẫn còn đó tượng cụt đầu thờ trong am Mỵ Châu công chúa, giếng Ngọc Tỉnh nơi Trọng Thủy reo mình tự vẫn theo mối tình trong trắng thơ ngây của nàng công chúa Mỵ Châu.

Ngoài những câu chuyện truyền thuyết mang tính màu nhiệm, Cổ Loa còn có truyền thuyết về bà thứ phi họ Đỗ của Ngô Quyền: Bà Đỗ Thị Sa người làng Dục Tú (sát chân thành Cổ Loa) được vua Ngô chọn làm phi trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, định mệnh, đầy chất thơ. Khi đang kinh lý ngoại thành, nhà vua thấy một thôn nữ xinh đẹp, khỏe mạnh đang cắt cỏ bên sông Hoàng. Trong khoảng không gian mênh mông sông nước, chim chóc líu lo, hương lúa, hương ngô thơm mát, người buông lời thăm hỏi và đã được đáp lại rằng: 

Tay cầm bán nguyệt xênh xang,

Hàng ngàn ngọn cỏ lai hàng tay ta.

Cảm cái đẹp, cái tài, cái thơ mộng của cô thôn nữ, đức vua đã rước cô về cung và ban cho dân làng Dục Tú nhiều ưu đãi. Truyền thuyết về cô gái thôn quê vừa đẹp vừa thông minh được lưu truyền đến ngày nay với niềm tự hào không chỉ riêng với người dân làng Dục Tú mà còn với cả vùng đất Loa thành đầy huyền bí.

Những câu chuyện truyền miệng, truyền thuyết của Cổ Loa như thêm gợi cảm hứng tìm hiểu về lịch sử, về với cuội nguồn của dân tộc Việt thuở dựng nước và giữ nước nhưng vùng đất này còn được biết đến là những ngôi làng cổ vẫn còn giữ nếp rêu phong như những câu chuyện cổ tích.

 Thu Thủy

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)