Giá trị di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội
Qua cuốn sách, người đọc sẽ có được một cái nhìn bao quát nhất về các di sản vật thể tại vùng đất Thăng Long trong nhiều giai đoạn khác nhau. Những di tích khảo cổ mang dấu ấn lịch sử đại diện cho thời kì hưng thịnh của một số triều đại như thành Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long… Những địa danh này được xem như nhân chứng cho một thời kì phát triển của đất nước, không chỉ là sự đổi mới và phát triển trong suy nghĩ của người dân Thăng Long, mà còn mang dấu ấn của việc tiếp thu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa (mái ngói, các hoa văn trang trí, chạm khắc tinh xảo…).
Sự giao lưu văn hóa của cư dân Thăng Long với nền văn minh lân cận diễn ra từ rất sớm thể hiện ở việc xuất hiện những đồ vật được làm bằng gốm của rất nhiều triều đại như là gốm thời Lý, gốm thời Trần, gốm thời Lê… Nhờ có sự giao thoa ấy, cư dân Việt sáng tạo ra một dòng gốm riêng không chỉ phục vụ tiêu dùng cho tầng lớp thượng lưu đặc biệt là hoàng cung mà còn theo con đường giao thương ra thị trường thế giới. Ngoài ra các di tích kiến trúc, di tích động vật, sông hồ, mộ táng phản ánh rất rõ mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên và cho thấy mối giao lưu kinh tế - văn hóa chặt chẽ giữa nước ta với thế giới bên ngoài.
Bên cạnh đó là hàng loạt các di tích kiến trúc – nghệ thuật bao gồm quần thể kiến trúc đình, chùa, các đền, miếu trải đều khắp vùng đất Thăng Long – Hà Nội. Phải kể đến như là chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, đền Sóc Sơn… và hàng loạt các đình làng trên địa bàn Thăng Long – Hà Nội mà ngày nay vẫn được duy trì. Những di tích kiến trúc nghệ thuật là nơi ghi nhớ những dấu ấn của thời gian trải qua chiều dài lịch sử, với những nét đặc trưng riêng biệt của từng giai đoạn khác nhau trong quá khứ. Tại đây, các quần thể đình, chùa… được xem là nơi thờ tự các vị thần, các vị vua hay thờ các tổ sư nghề (thần bảo hộ)… Qua hàng ngàn năm lịch sử, nơi làng quê, các mái đình, chùa, miếu mạo đã thành thiêng liêng, thân thuộc với cư dân Việt. Trên lát cắt đương đại, các quần thể đình chùa có được diện mạo mới hòa nhập với sự phát triển của xã hội ngày nay. Nhưng không vì thế mà nó mất đi cái tinh hoa vốn có của nó thông qua các hoa văn, họa tiết và các vật dụng lâu đời được trưng bày trong các mái đình, ngôi chùa như tượng phật, lư hương, đỉnh đồng… Tất cả những yếu tố ấy góp phần tái hiện lại tư duy, mong muốn trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng của người dân Thăng Long xưa.
Ngoài ra, còn có các di tích cách mạng - kháng chiến là bộ phận cấu thành hệ thống các di tích văn hóa, đồng thời là bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội. Các di tích cách mạng tại Đông Đô là một bức tranh thu nhỏ của cuộc chiến đấu chống quân xâm lược (thực dân Pháp, đế quốc Mĩ) từ những sự kiện lịch sử quan trọng (pháo đài Láng, chợ Đồng Xuân…) cho tới những nơi ghi dấu chiến tích lịch sử và tố cáo tội ác quân địch (nhà tù Hỏa Lò, nhà tù Thanh Liệt, nhà Tiền…). Giá trị các di tích cách mạng Thăng Long – Hà Nội là sự phản ánh chân thực trang sử của dân tộc Việt Nam, người dân Thăng Long trong thời đại Hồ Chí Minh, nhằm tạo dựng sự đa dạng phong phú của di sản văn hóa vật thể đất Đông Đô.
Cuốn sách “Bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể Thăng Long – Hà Nội” cho thấy sự đa dạng của di sản văn hóa vật thể. Dù là những di sản văn hóa vật thể gắn với những vương triều đến các di sản văn hóa gắn bó với cộng đồng cư dân làng xã, thì tất cả đều hàm chứa những giá trị văn hóa lịch sử và khoa học sâu lắng, đậm đà, đều ánh lên niềm tự hào trong tâm khảm mỗi người con thủ đô./.
Đỗ Anh