Thơ chữ Hán - Một trong những thành tựu của Phan gia
Những tập thơ này gồm 2 phần, 6 tập thơ được các tác gia của dòng họ Phan Huy làm trong nước, đề vịnh, trữ tình, tự sự, giống như truyền thống thơ chữ Hán trong văn học từ trước. Riêng 5 tập được làm trong những chuyến đi sứ là những tập thơ đêm đến nhiều điều đáng lưu ý về cả quan niệm và hình thức. Ngoài những bài thơ theo mạch truyền thống là giao tiếp, trữ tình, suy cảm, các tác giả đã nối tiếp Phan Huy Ích đi theo hướng kỷ sự. Trên đường đi sứ, các tác giả Huy Thực, Huy Chú, Huy Vịnh, đều chú trọng quan sát và hững thú ghi lại những điều tai nghe mắt thấy, những tìm tòi khám phá ở tất cả những nơi sứ đoàn đi qua, nghỉ lại. Nếu Tinh sà kỷ hành chú trọng ghi chép tỉ mỉ các cuộc tiếp tân, đón đưa và những ứng xử chính trị của nhà Thanh, tâm trạng hồ hởi của sứ đoàn trước những sự kiện, sự tích gắn liền với từng miền đất.
Trong các tập Hoa trình ngâm vịnh, Hoa thiều tục ngâm, Hoa thiều ngâm lục và Nhân trình tùy bút có rất nhiều ghi chép có thể coi là những khảo cứu khoa học. Bức bích họa “Binh mã Hoàng Sào” trên núi Hoa Sơn ở vị trí như thế nào, trong bích họa có những hình tượng gì, người ta đã truyền ngoa ra sao và những điều đó đem đến những cảm giác gì cho sứ giả… Cũng vậy Động Đình, Ly Giang, Quế Giang, Ghềnh Ngũ Hiểm, Linh Cừ, Lầu Hoàng Hạc, Lầu Nhạc Dương… cùng với nó là những câu chuyện, kể cả những số phận nhân vậtđều được ghi chép thành lời dẫn kỹ càng, nhiều đoạn có chú trọng đến tính chất văn chương. Đặc biệt đã có đến 40 bài ghi rõ những nơi nào là địa vực cũ của nước Việt Nam cổ, Ngô Châu, Khâm Châu…, đến cả khi vào thăm đền thờ Mã Viện, tác gỉa lại cũng nghĩ đến Hai Bà Trưng. Quả thật họ đúng là những chính khách đi sứ, ai cũng tâm niệm không làm nhục mệnh vua, luôn ý thức về dân tộc, đất nước, nhưng với các nhà thơ Phan Huy thì ý nghĩ ấy được ngược lên rất xa, đến tận thời “nước Việt cổ”, đến Nam Việt Vương, Triệu Đà. Hệ thống trong các tập thơ đi sứ tuân thủ rất sát thời gian và không gian hành trình. Không những vậy, với đặc trưng này, ngày nay, nếu theo bản đồ hành trình đi sứ của các sứ giả Phan gia, kết hợp với những ghi chép trong Lịch triều hiến chương loại chí chúng ta có thể hình dung lại lãnh thổ nước Việt qua các thời kỳ lịch sử. Tiếp thu tính chất thơ kỷ sự từ Ngô Thì Sĩ nhưng chính thơ đi sứ của Phan gia đã hoàn chỉnh một loại kiểu mới trong thơ chữ Hán của Dòng họ: Thơ kỷ sự.
Nếu phần thơ kỷ sự, ký kiến nặng về khảo cứu, nhiều khi khô khan, ít dấu ấn cá nhân, thì phần những bài thơ dành cho riêng mình, những lúc tĩnh lặng nhìn vào nội tâm, thơ Phan gia lại đạt được độ tinh tế và sâu lắng. Ở Phan gia, phần thơ trữ tình, viết về quê hương, gia đình, tình cảm rất đằm thắm, trung hậu, ngôn ngữ thơ rất giản dị chân thực và giàu tính mỹ cảm. Những bài thơ giãi tỏ tình cảm thương nhớ vợ con của Phan Huy Ích, những xót xa trong ngày giỗ cha, giỗ mẹ ở nơi đất khách xa hàng ngàn dặm, không có nơi để đặt chút lễ mọn tỏ lòng kính nhớ, tình cảm anh em thân thiết quan tâm đến nhau khi xa cách của Huy Thực, Huy Chú, Huy Vịnh đều có những bài có thể xếp vào loại thơ hay, gây được sự cảm thông ở người đọc.
Một nét độc đáo nữa trong văn thơ Phan gia là chùm tác phẩm về nhà ngoại. Trong văn học thời phong kiến Việt nam cũng khó tìm thấy mối thâm tình sâu sắc đằm thắm và lâu bền như Phan gia đối với nhà ngoại. Từ Phan Huy Ích đến Phan Huy vịnh, mỗi khi có dịp đến Lạng sơn ai cũng đều đến động Nhị Thanh nơi có chân dung Ngô Thì Sĩ để yết bái. Phan Huy Ích có nhiều bài thơ về cha vợ. Ông và anh vợ Ngô Thì Nhậm có một tập thơ xướng họa về đề tài mùa thu cùng một vần, số lượng đến 100 bài, và cũng theo ông thì việc này nối tiếp câu chuyện tốt đẹp giữa hai dòng họ.
Trong phần thơ đề vịnh, những bài hoài cổ, cảm khái trước thân phận, dù là danh nhân, thường cũng là những vần thơ giàu sự cảm thông, sâu sắc tình người. Ngoài ra phần thơ về quê hương và đề vịnh phong cảnh, tuy Phan gia không đóng góp thêm gì mới về bút pháp nhưng lại có được nhiều vần thơ giản dị mà để lại nhiều dư vị xa xôi khó quên trong người đọc như bài Quán khách trung thu, Hành Châu vũ dạ văn chung, Tiêu Tương bát cảnh…
Đọc hết thơ chữ Hán của Phan gia chắc chắn còn tìm được nhiều bài sáng giá, đáng ghi nhận là có nhiều đóng góp cho kho tàng thơ giàu giá trị văn chương của Việt Nam.
Duy Trần