Hôn nhân gia đình trong xã hội tư bản
Marx và Engels đã tập trung vào việc phân tích hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa tư bản từ sự tồn tại của nó, những đóng góp, những mâu thuẫ không thể khắc phục trong đó vấn đề hôn nhân gia đình đã nổi lên với tư cách là một hiện tượng xã hội điển hình, chưa đựng các mâu thuẫn giai cấp sâu sắc. Lần đầu tiên Marx đề cập đến vấn đề hôn nhân và gia đình vào năm 1842 qua bài báo “Bản dự luật về ly hôn”. Ở bài báo này, Marx đã chỉ ra mối quan hệ giữa hôn nhân, gia đình và xã hội. Theo Marx, hôn nhân là cơ sở của gia đình, là vấn đề nghiêm túc, là vấn đề đạo đức vì vậy không thể tùy tiện. Marx phê phán quan điểm thịnh hành trong xã hội Đức lúc đó, coi hạnh phúc cá nhân là mục đích của cuộc sống, ý chí tuỳ tiện của vợ chồng được chú ý, còn ý chí của hôn nhân và thực chất đạo đức của hôn nhân thì chưa được chú ý tới. Vì vậy nhà lập pháp phải tôn trọng hôn nhân, thừa nhận bản chất đạo đức sâu xa của nó. Marx đã khẳng định : Nếu như hôn nhân không phải là cơ sở của gia đình thì nó cũng không phải là đối tượng của công việc lập pháp.
Theo Marx và Engels, sự ra đời của CNTB là một bước tiến bộ vượt bậc của nhân loại, so với các chế độ xã hội trước đó, nhưng trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình xét về bản chất vẫn không có gì thay đổi. Về mặt hình thức, nhà nước tư sản duy trì chế độ hôn nhân một vợ một chồng trên cơ sở pháp lý, còn trong thực tế xã hội vẫn đầy rẫy sự phóng túng của đàn ông trong quan hệ tình dục. ( Marx, Engels, Lênin, 1959 )
Trong chế độ gia trưởng và chế độ TBCN, người đàn ông có quyền lấy nhiều vợ, có quyền ly dị và có quyền ngoại tình. Luật pháp đã tạo điều kiện cho đàn ông thoả sức ăn chơi truỵ lạc.
Theo Engels gia đình tư sản hiện đại mà các chuyên gia tán dương như là một hình thức gia đình lý tưởng, như là hiện thân cao nhất của đạo đức, nhưng trên thực tế cơ sở của gia đình loại ấy là cuộc hôn nhân có tính toán về lợi ích kinh tế về địa vị xã hội, thực chất là một bản giao kèo. Trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, 1848, Marx và Engels đã chỉ rõ “Gia đình tư sản hiện nay dựa trên cơ sở nào? Dựa trên tư bản, trên lợi nhuận cá nhân. Gia đình dưới hình thái hoàn toàn phát triển của nó, chỉ tồn tại đối với giai cấp tư sản mà thôi, nhưng nó lại kèm theo sự bắt buộc phải thủ tiêu mọi gia đình đó với người vô sản và kèm theo nạn mại dâm công khai” (Marx, Engels, 1980 ). Dựa vào địa vị quyền lực, giai cấp tư sản đã làm băng hoại đạo đức xã hội, làm tan nát gia đình. Các ngài tư sản chưa thoả mãn là có sẵn vợ và con gái giai cấp vô sản để dùng, đó là chưa kể chế độ mại dâm công khai” các ngài còn lấy việc “Cắm sừng lẫn nhau là thú vui đặc biệt”. Tình trạng này đã làm bại hoại đạo đức xã hội làm truỵ lạc những người phụ nữ không may rơi vào cảnh đó và làm băng hoại nhân cách toàn thể giới đàn ông. (Marx, Engels, 1980 )
Đi sâu vào phân tích tình trạng hôn nhân trong các nước tư bản, Marx và Engels còn khái quát : “Ơ các nước Thiên chúa giáo, hôn nhân vẫn theo lối áp đặt, nghĩa là cha mẹ tìm cho đứa con trai tư sản của mình một người vợ thích hợp và hậu quả tự nhiên tiềm ẩn bộc lộ là đàn ông thịnh hành tạp hôn đàn bà thịnh hành tệ ngoại tình. Trong các nước theo đạo Tin Lành, con trai của nhà tư sản ít nhiều có sự tự do lựa chọn hơn trong việc chọn vợ trong cùng giai cấp của mình. Cả hai trường hợp nêu trên “hôn nhân vẫn là hôn nhân có tính chất giai cấp” (C.Marx, Engels, Lênin, 1959 )
Theo K.Marx thì không thể có một kiểu gia đình “chung chung” cho mọi xã hội. Dưới CNTB, “Giai cấp tư sản đã đưa vào gia đình cái tính chất gia đình tư sản, gia đình mà các dây liên hệ đều là sự phiền muộn và tiền bạc nó cũng gồm cả sự tan rã kiểu tư sản của gia đình, trong khi đó thì chính gia đình vẫn tiếp tục tồn tại”( C.Marx, Engels, Lênin, 1959 ). Trong xã hội tư sản, gia đình không tan rã, tiêu tan mà “cái bị tiêu tan chính là mối liên hệ nội bộ của gia đình và những tình cảm thiêng liêng vốn có của gia đình, “Nhưng yếu tố hợp thành những khái niệm gia đình như : sự vâng lời, tính hiếu thảo, lòng thuỷ chung giữa vợ chồng v.v… những cơ thể thật của gia đình, nhưng điều kiện tài sản, thái độ hẹp hòi đối với các gia đình khác, tình trạng bắt buộc phải sống chung, nhưng điều kiện mới do việc có con cái tạo ra, sự hình thành ra tư bản … mặc dù luôn luôn bị xáo trộn nhưng vẫn cứ tồn tại, vì sự tồn tại của gia đình do gắn chặt với phương thức sản suất nên đã trở thành tất yếu ngoài ý chí của xã hội tư sản” ( C.Marx, Engels, Lênin, 1959 ).
Sự bất bình đẳng nam nữ trong gia đình dưới CNTB do chính nền sản suất tư bản và các quan hệ tài sản do xã hội ấy tạo ra. Vì vậy muốn xoá bỏ gia đình tư sản , muốn giải phóng phụ nữ, đem lại quyền bình đẳng nam nữ, quyền tự do kết hôn dựa trên tình yêu theo Engels phải “Xoá bỏ nền sản suất TBCN và các quan hệ tài sản do nền sản suất ấy tạo ra, gạt bỏ tất cả những lý do kinh tế” ra khỏi quan hệ hôn nhân và phải xây dựng xã hội mới, xã hội XHCN một xã hội không còn áp bức bóc lột. ( Đặng Thị Linh, 2010)
Lê Ngân