Hôn nhân gia đình trong chế độ XHCN
Về hôn nhân gia đình trong chế độ XHCN, Engels dự báo “Một thế hệ đàn ông không bao giờ phải dùng tiền hoặc dùng những phương tiện quyền lực xã hội khác để mua sự hiến thân của một người đàn bà và một thế hệ đàn bà không bao giờ phải hiến thân cho đàn ông vì một lý do nào khác ngoài tình yêu chân chính hoặc phải từ chối không dám hiến mình cho người mình yêu vì sự hậu quả kinh tế của sự hiến thân”(C.Marx, Engels, 1984 ). Những con người mới đó sẽ kiên quyết đoạn tuyệt với sự bẩn thỉu và dối trá của những quan hệ gia đình tư sản. Đó sẽ là gia đình mà hạnh phúc cá nhân gắn chặt với hạnh phúc gia đình.
Theo Engels, tình yêu là một phạm trù lớn, là cơ sở của hôn nhân và gia đình. Tình yêu là trạng thái say mê rất hiện thực nhưng không rơi vào tầm thường dung tục, nó khác về căn bản với tình dục đơn thuần. Tình yêu thực sự phải phù hợp với đạo đức, nồng nhiệt bền bỉ ở cả hai phía của lứa đôi. Tình yêu lành mạnh phải tiến tới hôn nhân. Engels còn cho rằng việc yêu nhau, lấy nhau, hình thành gia đình là nghĩa vụ chân chính, tình yêu là cơ sở của hôn nhân, và hôn nhân dựa trên tình yêu mới hợp đạo đức mới được duy trì bền vững và “Bản chất của tình yêu là không thể san sẻ”. Vì vậy, “Nếu tình yêu đã hoàn toàn bị phai nhạt hoặc bị một tình yêu say đắm mới át đi thì ly hôn sẽ là điều tốt cho cả đôi bên cũng như cho xã hội. Chỉ cần tránh cho người ta khỏi sa chân vô ích vào vũng bùn kiện tụng để ly hôn mà thôi” (C.Marx, Engels, 1984) .
Engels còn cho rằng để xây dựng gia đình mới, một hình thức hôn nhân mới phải xây dựng cơ sở kinh tế mới đó là chế độ công hữu các tư liệu sản suất và sự phát triển nền công nghiệp lớn bởi vì “Công nghiệp lớn cũng tạo luôn cả cái cơ sở kinh tế mới cho một hình thức gia đình cao hơn, một quan hệ nan nữ cao hơn” (C.Marx, Engels, 1983 ). Mặt khác, phải đưa phụ nữ tham gia lao động sản suất trong nền công nghiệp lớn, đó là cơ sở để có bình đẳng thực sự trong gia đình. “Đại công nghiệp đã giật được người đàn bà ra khỏi nhà, đem họ ra thị trường lao động và vào công xưởng và thường biến họ thành trụ cột của gia đình thì trong gia đình người vô sản, những tàn tích cuối cùng của quyền thống trị của người đàn ông đã mất mọi cơ sở” (C.Marx, Engels, 1984)
Vậy, trong xã hội tương lai vấn đề hôn nhân và gia đình sẽ như thế nào? Engels đã dự báo về tình yêu, hôn nhân và gia đình trong xã hội tương lai. “Lần đầu tiên chúng ta có được tình yêu cá thể hiện đại giữa trai và gái chưa từng thấy trên thế giới. Tình yêu ấy là sự tự nguyện của người đàn ông với người đàn bà. Đó chính là điều kiện cho sự bình đẳng nam - nữ trong mối quan hệ xã hội này. Về mặt này “Người đàn bà đã ngang hàng với đàn ông”. Tình yêu nam nữ ấy phải được thử thách qua thời gian, nó “Tạo nên một sức mạnh và sự bền bỉ đến mức khiến cho hai bên không lấy được nhau phải xa nhau là một điều đau khổ lớn, nếu không phải là điều đau khổ lớn nhất” ( C.Marx, Engels, 1983 )
Việc chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn là kết quả của hành vi có ý thức của vợ, chồng, được nhà nước và xã hội thừa nhận. Đó là cuộc ly hôn hợp pháp. Nhà nước sẽ kiểm soát việc giải quyết ly hôn theo đúng những chuẩn mực và thủ tục pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi cho mỗi người, cho xã hội và bảo đảm các nguyên tắc của hôn nhân xã hội chủ nghĩa.
Lê Nin còn cho rằng, dù đã có luật giải phóng phụ nữ và thực hiện bình đẳng nam nữ nhưng phụ nữ vẫn chưa thoát khỏi tình trạng “Nô lệ trong gia đình”. Những công việc nội trợ linh tinh còn đè nặng lên lưng họ làm cho họ nghẹt thở, mụ mẫm, nhọc nhằn, ràng buộc họ vào bếp núc vào con cái, lãng phí sức lực của họ vào công việc cực kỳ kém năng suất và tủn mủn”(Các Marx, Engels, Lê Nin, 1959).
Lê Nin nhận thức sâu sắc rằng để xây dựng chế độ mới không thể không quan tâm đến gia đình, đặc biệt là quan tâm đến người phụ nữ bởi họ có vai trò to lớn trong gia đình, trong việc nuôi dạy con cái. Sau cách mạng Tháng Mười, Lê Nin yêu cầu các cơ quan, các cơ sở sản xuất phải lập ra nhà ăn, nhà trẻ để trẻ em được chăm sóc chu đáo và phụ nữ thoát khỏi gánh nặng gia đình.
Nhà nước Xô viết còn đưa ra chính sách: tất cả phụ nữ lao động có con nhỏ đều được dành thời gian cho con bú vào các khoảng không cách nhau quá 3 giờ, được nhận một số tiền phụ cấp và chỉ làm việc 6 giờ mỗi ngày, cấm dùng phụ nữ lao động ban đêm, phụ nữ lao động được nghỉ 8 tuần trước khi sinh và 8 tuần sau khi sinh mà vẫn được hưởng lương như thường lệ, không phải trả tiền chữa bệnh và tiền thuốc” (Lê Nin, 1981).
Rõ ràng các chính sách của chính quyền Xô viết đã thể hiện sự cải cách mà trong thời kỳ đó, các nước TBCN chưa làm được. Các chính sách này đã mang lại hạnh phúc và sự thay đổi to lớn cho các gia đình. Theo Lê Nin, phụ nữ phải tích cực học tập, tham gia hoạt động chính trị, xã hội, phải nâng cao trình độ về mọi mặt để nhanh chóng đuổi kịp nam giới để làm tốt hơn vai trò người vợ, người mẹ, người công dân. Cho đến nay, quan điểm của Lê Nin vẫn thể hiện tính đúng đắn trên vấn đề phụ nữ và gia đình.
Để thực sự mang lại hạnh phúc cho con người, Lê Nin còn chỉ ra và luận chứng một cách nhân đạo, khoa học về một khía cạnh vô cùng nhạy cảm của hôn nhân và gia đình trong chế độ mới, đó là quyền ly hôn của người phụ nữ ( Đặng Thị Linh, 2010).
Tuy nhiên trong xã hội hiện nay thì hôn nhân không bị được tự do hơn và việc ly hôn cũng không phải là vấn đề quá bị lên án phán như trước nữa. Nhưng do siuwj phát triển xã hội dự du nhập văn hóa nước ngoài cộng thêm cái tôi quá lớn dẫn đến hiện tượng ly hôn của các nước xã hội chủ nghĩa điển hình nước ta là rất lớn. Điều này cũng đáng báo động vì hôn nhân gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới ôn định và phồn vinh.
Lê Ngân