Ông tổ nghề dát vàng quỳ ở Kiêu Kỵ
Nguyễn Quý Trị đỗ tiến sĩ đời Cảnh Hưng (1740 – 1786). Năm Quí Mùi, khi đang giữ chức Tả Thị Lang, Hàn lâm viện trực học sĩ, ông đi sứ sang Trung Quốc. Trong chuyến đi này, ông thấy người Trung Quốc có nghề đập dát vàng bạc (để sơn thếp vàng câu đối, hoành phi, tượng…). Ông đã học được nghề quỳ vàng, mang về nước, truyền thụ cho dân làng mình.
Tương truyền rằng vào ngày 17 tháng 8 cụ đi đâu không ai biết, từ đó hằng năm, cứ đến ngày này dân làng Kiêu Kỵ làm lễ kỷ niệm rất trọng thể, để tỏ tấm lòng biết ơn cụ đời đời. Ngày 16 - 17 tháng Tám (âm lịch) có tổ chức hát chèo và tế lễ. Ngày 11 - 12 tháng Giêng làm lễ động thổ để khai tràng, tế lễ. Những gia đình theo nghề Tổ sửa lễ xôi gà đến tràng tế, cầu mong Tổ phù hộ cho sản xuất phát triển, dân làng thịnh vượng. Việc tế Tổ nghề vàng quỳ có 4 chạ: chạ Đông, chạ Nam, chạ Đoài và chạ Bắc. Ngày 11 tháng Giêng hằng năm là tế khai tràng; ngày 16 tháng Tám: tế Cáo kỵ; ngày 17 tháng Tám: tế lạy (vào đúng ngày giỗ Tổ nghề Nguyễn Quý Trị) tại đình làng, nơi thờ Tổ nghề.
Nghề dát vàng quỳ Kiêu Kỵ trải qua trên hai trăm năm đến nay vẫn phát triển mạnh mẽ. Từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ thủ công làng Kiêu Kỵ những đồ thờ tự như hoành phi, câu đối, tranh gỗ… trở nên lộng lẫy sáng chói bởi được sơn son thếp vàng.
Quốc Khánh