Cha con Lương Văn Can trong những trang hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội
Theo sách Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội có viết: Lương Văn Can (1854 - 1927) tên tự là Ôn Như, hiệu là Sơn Lão. Quê xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Năm 20 tuổi, ông thi đỗ Cử nhân Nho học khoa Giáp Tuất (1874) tại Trường thi hương Hà Nội. Ông không làm quan, chuyển ra dạy học tại phố Hàng Đào (Hà Nội). Năm 1907, ông cùng một số nho sĩ tiến bộ lập Trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, khởi xướng phong trào Duy Tân ở Bắc Kỳ. Khi phong trào Đông Kinh nghĩa thục bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp, ông bị bắt và đi đày biệt xứ 7 năm (1914 -1921) ở Nam Vang (Phnom-penh, Campuchia). Năm 1921, mãn hạn lưu đày, ông trở về Hà Nội, mở trường Ôn Như tiếp tục dạy học và chuyên tâm soạn sách cho đến khi mất. Ba người con trai của ông là Lương Trúc Đàm, Lương Ngọc Quyến và Lương Nghị Khanh đều hy sinh vì công cuộc giải phóng đất nước. Tác phẩm của ông bao gồm: Quốc sự phạm lịch sử, Hán tự tuyệt kính, Ấm học tùng đàm, Gia huấn, Hán tự quốc âm, Hạch đàm loại ngữ, Châu thư loại ngữ... Tên ông được đặt cho một đường phố ở Hà Nội.
Trước ngày qua đời, Lương Văn Can thống thiết dặn lại hậu thế trong di chúc của ông “Hết thảy đồng bào xin nhớ lấy sáu chữ, ai ai cũng có một lòng ấy, đời đời cũng giữ một sự ấy… Đại Việt ta có thể mở mặt ở trên địa cầu được chăng. Sáu chữ là gì? Là: Bảo quốc hồn, tuyết quốc sỉ (giữ tinh hoa của nước, rửa nhục nước). Sáu chữ ấy thật là một cái hộ phù cứu nước rất linh, rất mạnh, không gì hơn nữa”. Chính với tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc ấy mà Lương Văn Can đã giáo dưỡng cho các con sớm đi theo truyền thống gia đình, đem ánh sáng văn hóa thế giới và quốc hồn của dân tộc vào công cuộc canh tân, dâng hiến tuổi thanh xuân và cả gia sản cho sự nghiệp cứu nước.
Tiếp nối tinh thần yêu nước của cha, người con trai trưởng của Lương Văn Can là Lương Trúc Đàm (1879 - 1908) cũng là nhà chí sĩ yêu nước thời cận đại. Ông tên húy là Liệu, tên hiệu là Trúc Đàm. Năm 1903, ông thi đỗ Cử nhân Nho học. Với lòng nhiệt tình yêu nước, ông cùng với cha và hai em tích cực hoạt động trong phong trào Duy Tân. Ông thường đi diễn thuyết cổ động Tân học, mở mang dân trí, giác ngộ đồng bào ý thức cách mạng để cứu nước, đổi mới để tự cường. Tác phẩm của ông có bộ sách Nam quốc địa dư.
Là một trong những thanh niên Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản du học trong phong trào Đông Du do Phan Bội Châu phát động đó là Lương Ngọc Quyến (1885 - 1917), con trai của Lương Văn Can. Cũng theo sách Hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Ông còn có tên là Lương Lập Nham. Xuất thân trong gia đình Nho học yêu nước, Lương Ngọc Quyến sớm tham gia cách mạng và có tính tiên phong trong phong trào du học. Năm 1912, sau khi học quân sự ở Nhật Bản và Trung Quốc, ông tham gia tổ chức Việt Nam Quang phục hội do Phan Bội Châu thành lập, phụ trách các vấn đề quân sự. Năm 1915, ông bị cảnh sát Anh ở Hương Cảng (Trung Quốc) bắt giữ, giao cho thực dân Pháp đưa về Việt Nam, kết án tù khổ sai chung thân, giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn Tây (Hà Nội), Phú Thọ, Thái Nguyên. Trong khi bị giam giữ ở nhà lao Thái Nguyên, ông tích cực hoạt động tuyên truyền cách mạng, vận động binh lính người Việt trong quân đội Pháp, cùng Đội Cấn tập hợp lực lượng, tiến hành cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên chống Pháp (8/1917). Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, ông hy sinh cùng các nghĩa quân. Tên ông được đặt cho một đường phố ở Hà Nội.
Xuất thân trong gia đình truyền thống Nho học yêu nước, Lương Nghị Khanh (TK XIX - XX) sớm cùng anh trai là Lương Ngọc Quyến xuất dương sang Nhật Bản theo phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng. Khi đế quốc Nhật Bản câu kết với thực dân Pháp trục xuất các nhà yêu nước Việt Nam, ông về Hương Cảng (Hồng Kông, Trung Quốc), tiếp tục hoạt động yêu nước cho đến khi mất.
Thăng Long – Hà Nội trong dặm dài lịch sử gắn với những danh nhân yêu nước, ý chí kiên cường trong đấu tranh của các chí sĩ, nhưng ý chí và tinh thần giữ vững quốc hồn dân tộc để học tập, tiếp thu văn hóa thế giới, xây dựng đất nước giàu mạnh của Lương Văn Can và các chí sĩ đầu thế kỷ XX, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị trong công cuộc hội nhập.
Ngọc Ánh