Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 03/12/2019 02:56
Những điều trong tộc ước cách nay 300 năm vẫn vẹn nguyên giá trị

Theo sách Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tộc ước gia quy do PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn chủ biên xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến thì vào năm 1720, họ Vũ Công xã Hải Bối, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, đã soạn tộc ước với 20 điều, quy định về việc tế tự và giỗ chạp, các lệ mừng thọ, đăng khoa, hiếu hỉ, trợ cấp, cùng các quy định về tài sản chung của dòng họ... được chép trong Hải Bối Vũ Công tộc phả, hiện lưu trữ tại Kho Thư tịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Với những điều được lập ra trong tộc ước của họ Vũ Công cách nay hơn 300 năm vẫn còn nguyên giá trị.

Với một dòng họ việc giỗ chạp, tế lễ là điều hết sức quan trọng, trong tộc ước của họ Vũ Công đã dành 4 điều đầu để quy định về việc này: Hàng năm, vào ngày giỗ chạp, trước đó ba ngày, trưởng họ đánh trống ở từ đường. Mọi người lớn nhỏ trong họ đều tập trung tại từ đường bàn việc tế tự. Ngày hôm đó, nhà trưởng phải lo trầu cau đầy đủ (điều thứ nhất); Hàng năm, vào ngày giỗ chạp, mọi người lớn nhỏ trong họ, mỗi người nộp tiền 30 văn. Trước hai ngày, giao cho người trị sự mua sắm lễ vật (điều thứ hai); Hàng năm, vào các ngày mồng 1, mồng 2, mồng 3 Tết đầu xuân, mọi người trong họ chỉnh tề áo mũ đến từ đường làm lễ đón năm mới, không ai được vắng mặt. Còn như lễ vật thì đã có trưởng họ mua sắm, họ không cần lo liệu (điều thứ ba); và điều thứ tư có ghi: Hàng năm, vào các ngày Thanh minh, Đông chí, trưởng họ biện đủ trầu trà, rồi gióng trống. Tất cả mọi người lớn nhỏ trong họ cùng đến từ đường bái yết, sau đó đi các nơi làm lễ Tảo mộ Tổ tiên. Còn như đồ lễ thì có người trị sự chuẩn bị.

Cùng với những quy định về giỗ chạp, tế lễ là việc việc “bầu người trị sự thì chiếu theo thứ tự các chi phái trước sau, mỗi năm mỗi chi bầu một người lo việc tế tự, hết lượt lại quay trở về ban đầu” được ghi trong điều thứ năm. Để gây quỹ cũng như nộp các khoản duy trì hoạt động, dòng họ Vũ Công ra quy định: Hàng năm, vào các ngày tuần tiết giỗ chạp, người trị sự đi thu được bao nhiêu tiền thì chiếu theo số tiền ấy mà sắm lễ, quý ở chỗ lòng thành và sự thanh khiết, không được sơ sài qua quýt. Số tiền sắm lễ phải ghi chép rõ ràng, đợi sau khi lễ xong thì cả họ cùng đối chiếu tính toán. Nếu thiếu thì lại bổ sung, dư thì đưa vào quỹ chung (điều ước thứ sáu); Tất cả số tiền quỹ của họ, dù nhiều dù ít đều giao cho trưởng họ nắm giữ để chi dùng vào việc đèn nhang (điều ước thứ bảy). Trong điều ước thứ tám có ghi: Trong họ, người nào sinh được con trai, tròn một tuổi thì biện đủ 10 miếng trầu, 01 bình rượu, 24 văn tiền, làm lễ bái yết vào họ. Số tiền này đưa vào quỹ chung. Người nào sinh con gái cũng vậy, nhưng được miễn nộp tiền.

Với những người đỗ đạt của dòng họ, điều ước thứ mười hai: Trong họ có người nào đỗ đạt hoặc được phong tặng, thì vào ngày báo tin, trưởng họ theo lệ sắm sửa lễ mừng. Người đỗ cao (thì mừng 01 bức trướng gấm thêu màu đỏ cùng trà, pháo, trị giá tiền 12 quan); người đỗ vừa (thì mừng 01 đôi câu đối đỏ cùng trà, pháo, trị giá tiền 06 quan); người đỗ thấp (thì mừng 01 đôi câu đối đỏ cùng trà, pháo, trị giá tiền 02 quan). Trưởng họ đến chúc mừng để tỏ lòng kính trọng. Còn nếu ngày nào đó, người đó có lời mời thì cả họ tập trung tại nhà trưởng rồi cùng đến uống rượu. Cùng vấn đề này, điều ước thứ 14 của dòng họ Vũ cũng có ghi: Trong họ người nào thi đỗ các hạng nho sinh, khóa sinh, phủ sinh, tường sinh, hiệu sinh, sinh đồ, cùng biền sinh, võ sinh, thì trưởng họ theo lệ trích 01 quan tiền quỹ, tự đến mừng thưởng để khích lệ người sau cố gắng.

Về việc mừng thọ, điều ước thứ mười ba có ghi: Trong họ có người nào mừng thọ mà mời cả họ thì trưởng họ cũng theo lệ sắm sửa lễ mừng (lớn nhỏ nhiều ít cũng như lệ mừng đăng khoa). Đến ngày, mọi người trong họ tập trung tại nhà trưởng rồi cùng đi mừng. Còn như người đó muốn sửa lễ bái yết từ đường (nhiều ít tuỳ tâm), thì trước ba ngày phải có lời với trưởng họ để tiện bao sái từ đường. Đến ngày thì đến từ đường bái yết, nhưng phải nộp 05 mạch tiền cổ để lo việc đèn nhang.

Ngoài những quy định trong việc giỗ chạp, tế lễ, khao vọng, mừng thọ hay khuyến học thì việc chăm sóc, tương trợ những người ốm đau, neo đơn trong dòng tộc luôn là việc được cả họ quan tâm. Trong điều ước thứ 16 và 19 của họ Vũ Công có ghi: Trong họ người nào không may qua đời, trừ những người thuộc diện phải trở tang, bất luận là chi gần phái xa, phàm là thân thích đồng tông, thì vào ngày đưa tang, ai cũng phải áo khăn màu trắng, tập trung ở nhà đám để viếng đưa, đưa tiễn đến khi mồ yên mả đẹp mới được trở về. Đến ngày Tam nhật, người trị sự sắm sửa lễ phúng (lớn nhỏ có bậc, khinh trọng có khác). Hôm đó, cả họ tập trung tại nhà người trị sự rồi cùng đi viếng để tỏ rõ tình thân trong họ. Phàm trong họ có người nào không may đau ốm mà không có nơi nương tựa thì trưởng họ phải thu xếp một gian nhà nhỏ yên tĩnh sạch sẽ để đón người đó về nghỉ ngơi an dưỡng, săn sóc chu đáo cho được khỏe mạnh. Nếu người đó chẳng may qua đời thì họ phải chôn cất chu toàn, giỗ chạp thỏa đáng. Còn như chi phí thuốc thang khăn áo thì trong họ đã có riêng khoản điền lợi chi trả, không được bỏ mặc thờ ơ.

Nhằm giữ vững được nền nếp của tổ tông với những điều ước được quy định để mọi người trong dòng tộc thực hiện thì tộc ước cũng có quy định các hình thức phạt đối với những ai không thực hiện tộc ước gây mâu thuẫn, tổn hại lẫn nhau, tội nhẹ thì phạt 20 miếng trầu, 01 bình rượu, trước tạ lễ Tổ tiên, sau tạ tội với họ, tội nặng thì phải nộp 03 mạch 36 văn tiền phạt làm lệ.

Với những vấn đề về thưởng, phạt cũng như quy định mà dòng họ Vũ Công của xã Hải Bối đưa ra dẫu cách nay 300 năm nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị. Bởi tính tương trợ, sẻ chia của người trong họ tộc cũng như những quy định thể hiện sự phát triển, thanh thế của một dòng họ. 

Quốc Khánh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)