Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 03/12/2019 02:56
Quy mô dân số Hà Nội dưới góc nhìn địa lý

Sự biến đổi mạnh mẽ về quy mô dân số nói chung và với Hà Nội nói riêng, nguyên do được đưa ra theo các nhà địa lý trong sách Địa lý Hà Nội, GS.TS. Nguyễn Viết Thịnh chủ biên xuất bản trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến là bởi sự thay đổi địa giới hành chính đã diễn ra nhiều lần; do gia tăng tự nhiên của dân số; và di cư cũng là nguyên nhân tạo nên những thay đổi to lớn về quy mô dân số.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12, Hà Nội là thành phố đông dân thứ hai cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh.

Theo tìm hiểu và nghiên cứu của các nhà địa lý, vào cuối thế kỷ XIX, Hà Nội là thành phố chỉ có vài chục nghìn dân, đến năm 1918, dân số mới là 70 nghìn người. Với vị thế là thủ phủ của Liên bang Đông dương (từ 1902), Hà Nội được xây dựng hiện đại, có nhiều chức năng. Cùng với quá trình phát triển công nghiệp thuộc địa trong thập niên 20 – 30 của thế kỷ XX, dân số đông dần, đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai, dân số là 200 nghìn người. Năm 1942, với việc sáp nhập một phần huyện Thanh Trì (lúc đó thuộc tỉnh Hà Đông) vào Hà Nội để thành lập “Đại lí đặc biệt Hà Nội”, dân số Hà Nội tăng lên 300 nghìn người. Năm 1961, dân số Hà Nội lại gia tăng thêm gần 270 nghìn người, về cơ bản là do thành phố mở rộng về cả bốn phía để thành lập 4 huyện ngoại thành là Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm và Thanh Trì. Cuối năm 1978, Hà Nội được mở rộng theo Nghị quyết Quốc hội khóa 6, kỳ họp thứ 4 (29/12/1978), trong đó phê chuẩn việc sáp nhập một số huyện, thị xã, xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình và tỉnh Vĩnh Phú vào thành phố Hà Nội. Với lần mở rộng này, Hà Nội có diện tích tự nhiên tăng từ 586km2 lên 2.131km2. Sau khi điều chỉnh địa giới các quận, huyện, Hà Nội từ chỗ có 4 khu phố (nay là quận) nội thành và 4 huyện ngoại thành, tăng lên thành 4 quận nội thành và 12 huyện, thị ngoại thành. Kết quả của lần mở rộng địa giới này là dân số tăng thêm hơn 1 triệu người. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội ngày 12/8/1991 về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hà Nội thu hẹp lại, với việc trả huyện Mê Linh về tỉnh Vĩnh Phúc, 5 huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất về tỉnh Hà Tây. Sau khi điều chỉnh địa giới, Hà Nội có diện tích tự nhiên 922 km2. Hà Nội khi đó có 4 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành. Riêng việc này làm dân số Hà Nội giảm gần 900 nghìn người.

Việc mở rộng hay thu hẹp địa giới Thủ đô đều xuất phát từ thực tiễn để phù hợp với sự phát triển và quản lý đương thời. Trước sự phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt, để Thủ đô có không gian cũng như tiềm lực mạnh mẽ hơn nữa cho hội nhập và phát triển chung của đất nước, năm 2008, Hà Nội có cuộc mở rộng địa giới lớn nhất trong lịch sử hiện đại, hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây (gồm 2 thành phố và 12 huyện), huyện Mê Linh và 4 xã của huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình về Hà Nội. Sau khi mở rộng, diện tích tự nhiên của Hà Nội là 3324,5 km2. Hà Nội trước khi mở rộng có 9 quận và 5 huyện ngoại thành. Sau khi mở rộng và tổ chức lại các đơn vị hành chính, năm 2009 Hà Nội có 10 quận, 1 thị xã và 18 huyện. Từ tháng 1/2014, huyện Từ Liêm được tách ra để thành lập hai quận mới và quận Bắc Từ Liêm và quận Nam Từ Liêm. Như vậy, từ năm 2014, Hà Nội có 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện.

Kết quả từ việc mở rộng địa giới có quy mô lớn nhất trong lịch sử trải dài hơn nghìn năm lịch sử của kinh đô Thăng Long xưa, thủ đô Hà Nội nay là dân số tăng thêm xấp xỉ 3 triệu người. Từ những số liệu thống kê, dân số Hà Nội vào thời điểm 1/4/2009 là 6.452 nghìn người. Căn cứ trên tác động của các nhân tố kinh tế - xã hội làm thay đổi các mức sinh, mức tử và cả dựa trên các giả thiết về di cư trong tương lai, Tổng cục Thống kê đã đưa ra các phương án dự báo dân số Hà Nội cho từng năm từ 2009 đến 2034, theo các phương án thấp, trung bình, cao và không đổi. Theo dự báo ở phương án trung bình, thì trong thời gian 10 năm (2009-2019), dân số Hà Nội tăng thêm hơn 1 triệu người, và sau đó tăng trưởng chậm dần. Thực tế cho thấy xu hướng này sẽ diễn ra, nhưng do tác động mạnh hơn của nhập cư vào Hà Nội, nên quy mô dân số sẽ tăng nhanh hơn so với dự báo.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số, năm 2014, dân số Hà Nội là gần 7,3 triệu người. Trước sự phát triển mạnh mẽ của Hà Nội sau mở rộng địa giới với nhiều tiền lực được phát huy đã thu hút dân cư ngoại tỉnh của vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng như khắp các tỉnh thành cả nước về Thủ đô làm việc và sinh sống. Hơn nữa, số lượng các trường đại học trên địa bàn Hà Nội với khối lượng sinh viên lớn, sau khi tốt nghiệp cũng ở lại Thủ đô tìm việc làm đã góp phần thay đổi quy mô dân số của Hà Nội. Từ góc nhìn địa lý, các nhà nghiên cứu đã tập trung phác họa những thay đổi lớn về quy mô dân số của Hà Nội qua những lần thay đổi địa giới hành chính Thủ đô.

Hồng Ly

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)