Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 03/12/2019 02:56
Hoạt động sân khấu nghệ thuật Thăng Long – Hà Nội sau cách mạng tháng Tám 1945 đến giải phóng Thủ đô 1954

Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước mở ra kỷ nguyên mới của độc lập, tự do. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập bá cáo với thế giới việc thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, lấy Hà Nội làm Thủ đô. Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn sau khi giành độc lập, tự do, Hồ Chủ tịch hô hào mọi tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, thi đua tăng gia sản xuất, kiến thiết đất nước, xây dựng đời sống mới… Trong công cuộc đại kiến thiết, xây dựng đất nước ấy nhiều nghệ nhân các bộ môn sân khấu cùng với nhân dân Hà Nội hăng hái tham gia mọi công tác cách mạng. Theo sách Nghìn năm sân khấu Thăng Long của Trần Việt Ngữ in trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đó là sự nở rộ của các đoàn nghệ thuật cùng các vở diễn trên sân khấu với nhiều loại hình biểu diễn.   

Thủ đô Hà Nội nằm trong khó khăn chung của cả nước vừa thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, người dân sống trong túng đói về vật chất, nhưng không vì thế mà thiếu đói về mặt tinh thần. Đó là sự hăng hái tham gia hoạt động biểu diễn của các nghệ nhân cùng nhiều rạp hát hoạt động trở lại. Theo sách Nghìn năm sân khấu Thăng Long dẫn: các rạp Hiệp Thành, Tố Như, Nhật Tân, Hàng Da lại khai trương trở lại bán vé phục vụ bà con ham chuộng cải lương bằng những vở Khi rừng mới sang thu, Hận Loa thành, Tình người chiến sĩ, Gửi người biên ải… Gánh Chèo Quảng Tâm cũng mở cửa rạp Kim Mã diễn những vở cổ Trương Viên, Trinh Nguyên… Gánh Chèo – Tuồng – Cải lương Đan Thanh cũng bán vé tại rạp Lạc Thành (Bạch Mai) diễn Say mà tỉnh, Kêu giời rằng oan,...

Bên cạnh phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa nghệ thuật của người dân Thủ đô, qua những vở diễn còn là hoạt động cách mạng. Các tác giả đã biên kịch, sáng tác những vở diễn phù hợp với bối cảnh lịch sử. Trên sân khấu Nhà hát Lớn, Đội kịch Tháng Tám công diễn vở 19/8, rồi các vở Tô Hiệu, Vượt ngục, Cà sa giết giặc và đặc biệt Khởi nghĩa Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng. Qua những vở diễn trên sân khấu góp phần sống dậy không khí cách mạng của nhân dân Thủ đô giành chính quyền, đồng thời nêu cao tinh thần ý chí quật cường của các chiến sĩ cách mạng như Tô Hiệu…

Chuẩn bị cho cuộc chiến đấu không tránh khỏi, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội vận động nhân dân Hà Nội tản cư triệt để. Các đoàn sân khấu cũng như các nghệ sĩ biểu diễn cũng nằm trong diện tản cư. Trừ số thanh niên tham gia tự vệ ở lại chống giữ thành phố, còn phần lớn các nghệ sĩ cùng gia đình khăn gói kéo nhau lưu diễn về các vùng hậu phương khu III, khu IV…

Đầu năm 1948, một số ca sĩ và diễn viên cải lương về Hà Nội, tổ chức diễn vài buổi rồi nghỉ vì lệnh giới nghiêm. Cuối năm 1949, đầu năm 1950, nhiều diễn viên cải lương, cả diễn viên tuồng chèo hồi cư về Hà Nội. Cùng thời gian này một số đoàn sân khấu nghệ thuật ra mắt như: đoàn Kim Chung diễn trên sân khấu Hàng Bạc (tức Cải lương hý viện cũ); đoàn Ái Liên tại rạp Hiệp Thành (tức Xán Nhiên đài cũ), sau chuyển xuống phố Huế, nhường rạp cho đoàn Lạc Việt diễn cả tuồng và chèo; đoàn Ứng Lập – Kim Phụng diễn tại rạp Quảng Lạc.

Trước sự nở rộ và hoạt động mạnh mẽ của các đoàn văn hóa nghệ thuật, thực dân Pháp vội lập Nha Thông Tin (Bắc Việt) trong có Phòng Kiểm duyệt, canh chừng các mặt sách báo nghệ thuật cũng như các vở diễn sân khấu. Năm 1951, có thêm đoàn Kim Ngọc diễn cải lương ở rạp Hàng Quạt, nay mang biển hiệu Thái bình dương và đoàn Huỳnh Thái – Bích Hợp diễn cải lương cả Tuồng, khi ở rạp Hiệp Thành, khi sang rạp Hàng Bạc.

Cũng theo sách Nghìn năm sân khấu Thăng Long, tác giả Trần Việt Ngữ dẫn giải tại Hà Nội, những năm 1951, 1952, 1953, mấy đoàn cải lương làm ăn rất phát đạt, với đông đảo khán giả là tiểu thương và người lao động, hàng đêm đến xem kín rạp, nhất là những vở La-mã-diễm-huyền học lại từ phim Ca-vũ-nhạc Mỹ mới đưa sang. Giá vé khá cao từ 30 đến 50đ (tiền Đông Dương) với lương đào kép cao nhất từ 10 đến 12.000đ, thấp nhất cũng 800 đến 1.000đ (trong khi giá vàng 300đ/chỉ).

Trước nhu cầu và thị hiếu của khán giả đòi hỏi ngày một cao, đoàn Lạc Việt làm ăn khó khăn nhiều. Bởi đoàn Lạc Việt vẫn những tiết mục chèo tuồng ngày trước diễn lại, chỉ số khán giả có tuổi đến thưởng thức. Trong bối cảnh này, đầu năm 1952, Hội Chấn hưng ca vũ kịch cổ điển Việt Nam ra đời, do Nhà văn Tam Lang và các ông bà Chấn Hưng, Lợi Quyền, Văn Thuật… chủ trì, đứng ra đỡ đầu đoàn Lạc Việt nâng cao tiết mục cũ, dàn dựng mấy vở khai thác lịch sử mới viết. Nhờ vậy, đoàn kéo khán giả trở lại rạp, các vở diễn lại tiếp tục sáng đèn, đời sống của các diễn viên được cải thiện.

Qua những tài liệu nghiên cứu, tìm hiểu tác giả Trần Việt Ngữ đã phác họa lát cắt của nghệ thuật sân khấu Thăng Long – Hà Nội trong những năm Thủ đô bị tạm chiếm với sự nở rộ của nhiều đoàn nghệ thuật sân khấu kịch, lương, tuồng, chèo, cải lương ra đời. Các vở diễn không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu giải trí của quần chúng nhân dân mà còn có ý nghĩa tuyên truyền đấu tranh cách mạng và các nghệ sĩ trên sân khấu như những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng góp công sức cho Thủ đô ngày giải phóng. 

Việt Anh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)