Phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” qua tác phẩm Nghìn năm sân khấu Thăng Long
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi giới thiệu những nghiên cứu, tìm hiểu của tác giả Trần Việt Ngữ về sự phát triển, hoạt động của nghệ thuật sân khấu truyền thống trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”: Sau khi Hà Nội được giải phóng năm 1954, đến năm 1959, cả 19 tỉnh thành khắp miền Bắc, trước sau vài ba tháng, đều thành lập Đội Văn công đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của bà con địa bàn. Sở văn hoá Thông tin Hà Nội cũng tuyển chọn hơn ba chục nam nữ thanh niên năng khiếu ở các xí nghiệp, trường học, khối phố, thành lập Đoàn Văn công Hà Nội, gồm Đội Chèo, Đội Kịch, cùng với Đội Ca Múa đã có mấy năm trước; song thời kỳ đầu vừa học chuyên môn vừa tập thực hành, nên anh chị em chia nhau đóng sam tất cả. Sở cũng cho phép Đội Chèo trong Đoàn Lạc Việt tách ra thành Đoàn Chèo Kim Lan làm ăn tập thể và Đoàn Chuông vàng chiêu sinh mở lớp tại chỗ đào tạo diễn viên trẻ kế cận.
Các đoàn nghệ thuật của Trung ương trưởng thành nhanh chóng, đã giúp đỡ chân tình và hiệu quả cho cả phong trào và các đơn vị của Hà Nội; như các Đoàn Kịch Trung ương, Đoàn Cải lương Nam bộ, Đoàn Cải lương Trung ương (từ Đoàn Ca kịch Liên khu IV chuyển thành); Đoàn Múa rối Trung ương, Đoàn Xiếc Nhân dân Trung ương, Đoàn Tuồng Liên khu V, từ năm 1959 (thành lập thêm Đoàn Tuồng Bắc) thì mang tên mới là Đoàn Tuồng Nam, Đoàn Dân ca kịch Liên khu V sau đổi thành Đoàn dân ca kịch Bài chòi, rồi Đoàn Ca kịch Huế – Trị Thiên. Bên quân đội, có Đoàn Ca múa Quân đội Nhân dân, Đoàn Kịch Quân đội Nhân dân, Đoàn Chèo Tổng cục Chính trị.
Cũng năm 1959, Bộ Văn hoá Thông tin cho thành lập Trường Ca kịch dân tộc đào tạo diễn viên các bộ môn Chèo, Tuồng, Cải lương, do các Lão nghệ nhân tài năng dầy kinh nghiệm các nơi về hướng dẫn, chiêu sinh các em có năng khiếu học trong 2 năm hoặc 4 năm. Và Ban Nghiên cứu Sân khấu thuộc Vụ Nghệ thuật cũng tách ra thành Ban Nghiên cứu Chèo, Ban Nghiên cứu Tuồng, Ban Nghiên cứu Cải lương.
Với sự ra đời của các cơ quan quản lý, có định hướng phát triển rõ ràng vậy nên trong những năm sau giải phóng, các đơn vị nghệ thuật Hà Nội hoạt động tốt, không những bảo đảm được đời sống vật chất tinh thần cho anh chị em nghệ sĩ mà còn tạo điều kiện thuận lợi giúp mọi người nâng cao nhận thức và kỹ năng nghề nghiệp. Như ở Hội diễn sân khấu toàn quốc 1958, Hà Nội mới đưa tham gia 4 tiết mục cũ chỉnh lý bước đầu; thì đến Hội diễn sân khấu toàn quốc 1962, Hà Nội đã tham gia 4 tiết mục đều mới viết, vừa dựng, được giới sân khấu chuyên nghiệp cho là nghệ thuật không mấy thua sút các đơn vị Trung ương.
Từ số trẻ vừa đào tạo đã trưởng thành, cũng để đáp ứng đòi hỏi của đông đảo khán giả Thủ đô sau hơn 2 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, Sở Văn hoá Thông tin cho tách Đoàn Văn công Hà Nội thành mấy Đoàn chuyên, là Đoàn Ca múa Hà Nội, Đoàn Kịch nói Hà Nội; tiếp đó, nhằm chuẩn bị tốt cho kỷ niệm 10 năm giải phóng Thủ đô, Sở lại sát nhập Đội Chèo trong Đoàn Văn công Hà Nội với Đoàn Chèo Kim Lan thành Đoàn Chèo Hà Nội, đơn vị nghệ thuật của Nhà nước. Tháng 7/1964, theo đề nghị của Sở, Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định thành lập Nhà hát Cải lương Hà Nội, bao gồm 3 đoàn Chuông vàng, Kim Phụng và Đoàn Thanh niên. Cũng giữa năm 1964, Bộ Văn hoá quyết định thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam cùng với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Lại chuyển Đoàn Chèo Tổng cục Chính trị về làm Đoàn 2 của Nhà hát Chèo Việt Nam và tách hơn 20 cán bộ diễn viên tăng cường cho Đoàn Chèo Hà Nội.
Bước sang thời chiến, Thành ủy Hà Nội ra Quyết định 83, yêu cầu các đơn vị sân khấu kết hợp giữa phân tán và tập trung, giữa dàn dựng tiết mục ngắn với xây dựng vở dài quy mô, khai thác các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống sản xuất chiến đấu, làm sao trong 2 năm, hình tượng con người mới chiếm ưu thế trên sân khấu Thủ đô. Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí mỗi khi xây dựng tiết mục mới, mua sắm cho thiết bị làm nghề và diễn viên được hưởng mọi quyền lợi tinh thần vật chất như viên chức nhà nước; phía đơn vị phải tự lo lương ăn, phụ cấp nghề nghiệp và chi phí hành chính; giảm bớt chỉ số buổi diễn hàng năm, dành thời giờ học tập và dựng vở, đảm bảo sức khoẻ cho anh chị em.
Tháng 10/1969, theo đề nghị của Sở Văn hoá, Uỷ ban thành phố quyết định thành lập Đoàn nghệ thuật Múa rối Kim Đồng, thường gọi là Đoàn Múa rối Hà Nội. Các đoàn sân khấu Hà Nội phấn khởi trước tình hình mới, ra sức học rèn nghiệp vụ kỹ năng, sửa sang rạp hát, chỉnh đốn tiết mục cũ, dàn dựng khẩn trương vở mới phục vụ bà con địa bàn, sẵn sàng đón thời cơ.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cho đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975, nhiều tác phẩm sân khấu ra đời mang dáng vóc sử thi, ca ngợi chiến công, ca ngợi các anh hùng, liệt nữ, lên án kẻ thù, cổ vũ cuộc chiến đấu là những vở diễn có mặt trên nhiều trận địa để lại ấn tượng sâu sắc trong người xem.
Thu Thủy