Nhà thờ Lớn Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX
Để có thể đi tìm cho câu hỏi công trình nhà thờ này được xây dựng có phải là củng cố uy thế của người Pháp cũng như sự thống trị của thực dân phương Tây hay không thì trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ có nhiều quan điểm được đưa ra. Với cụ Nguyễn Văn Uẩn cho rằng: “Sử sách của Pháp ca tụng sự khôn ngoan và con mắt tinh đời của cố đạo Puginuer, người đứng ra xây dựng ngôi Nhà thờ Lớn ở bờ Hồ Gươm, Puginier đã cố tình chọn khu đất cao có địa thế tốt mặc dù trên đó đã có chùa và nền tháp Báo Thiên, y tìm cách vận động chính quyền Hà Nội để chiếm cho bằng được chỗ đó.
Người Pháp khôn ngoan khi sợ đụng độ về tôn giáo bởi trên nền của Nhà thờ vốn là chùa Sùng Khánh Báo Thiên nổi tiếng với Tháp Báo Thiên được xem là một trong bốn công trình lớn của nước Nam "An Nam tứ đại khí". Chính vì vậy: “Năm 1884 Puginier bàn với công sứ Hà Nội là Bonnal về việc đó. Vì nhiều lý do chính trị, Bonnal không dám trực tiếp dính líu vào mặc dù y có toàn quyền quyết định, chúng sợ nhất là việc chiếm đất nhà chùa cho Nhà Chung sẽ gây dư luận công phẫn của người Việt Nam, đổ thêm dầu vào ngọn lửa chống Pháp của nhân dân; y giao cho tuần phủ Nguyễn Hữu Độ làm. Tên đầy tớ trung thành của Pháp đó bày mưu sâu chước quỷ: y cho kỳ hào thôn Báo Thiên tự - đa số dân làng này là giáo dân ở nơi khác đến ở - làm tờ khai là chùa đổ nát, để vậy dễ gây tai nạn nguy hiểm và xin phá đi. Chỗ đất bỏ không thành vô chủ, vì chiếu theo luật chủ cũ là con cháu người đã khởi công xây dựng chùa, mà chùa xây dựng từ đời Lý thì nay làm thế nào mà tìm ra được người dòng dõi đó? Đất vô chủ thì nhà nước có thể cấp cho người khác, thế là đúng luật. Độ chấp nhận đơn xin đất của Puginier để xây Nhà thờ lên đó (theo Bonnal: Souvenirs).
Để có tiền xây một ngôi nhà thờ đồ sộ, Puginier mở nhiều đợt xổ số và nhiều cuộc lạc quyên lớn. Cuộc xổ số năm 1884 thu được mười vạn đồng và cuộc xổ số năm 1886 được sáu vạn đồng. Công việc xây dựng làm trong bốn năm và ngôi Nhà thờ Lớn thánh Jôdép được khánh thành ngày 23 tháng 12 năm 1887 để kịp làm lễ nô-en”.
Không đi sâu vào hoạt động của Nhà thờ Lớn những năm đầu thế kỷ XX, nhưng từ cách nhìn nhận của cụ Uẩn về việc người Pháp xây dựng nhà thờ này để thấy bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ cũng như cách thức mà người Pháp quyên tiền xây dựng.
Nhà thờ Lớn Hà Nội hiện nay khởi thủy có tên là Nhà thờ Thánh Giuse (Sanint Joseph), đây là ngôi thánh đường lớn nhất ở Hà Nội được tôn phong là “Nhà thờ chính tòa kính thánh Giuse”. Mặc dù có tên gọi chính thức nhưng có lẽ bởi quy mô của nhà thờ mà nhân dân quen gọi thành tên Nhà thờ Lớn. Nhà thờ ban đầu chỉ xây tạm bằng gỗ để phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng cho giáo dân. Trước bối cảnh đó, Nhà thờ sau 4 năm xây dựng được khánh thành vào lễ Giáng sinh năm Đinh Hợi (1887). Nhà thờ Lớn Hà Nội được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, làm heo mẫu của nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ ban đầu là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá. Nhà thờ không chỉ lớn về quy mô mà còn đẹp về kiến trúc nghệ thuật.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Nhà thờ Lớn được xem là “nhân chứng” chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của Hà Nội trong suốt 3 thế kỷ qua. Nhà thờ lớn Hà Nội là Nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Hà Nội, là một trong những trung tâm của các hoạt động Công giáo tại Hà Nội và các vùng phụ cận. Mặc dù có nhiều công trình hiện đại mọc lên nhưng Nhà thờ Lớn vẫn là một công trình kiến trúc tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng người dân Hà Nội và du khách gần xa.
Mai Thu