Giá trị thông tin về địa giới hành chính từ nguồn tư liệu địa bạ
Trong mỗi đơn vị địa bạ đề cho chúng ta biết bốn mặt đông - tây - nam - bắc của làng giáp giới với những làng xã nào, cùng tổng hoặc khác tổng, khác huyện… Việc mô tả giáp giới rất chi tiết với những vật chuẩn được chỉ định cụ thể, như cột gỗ, cột đá, đường đi (đường thiên lý hay đường nhỏ), sông ngòi (sông lớn hay sông nhỏ…), các gốc cây cổ thụ hay những gò đống ven đường. Qua những ghi chép cụ thể về giáp giới trong các địa bả cho chúng ta những mô tả rất rõ về một không gian lãnh thổ làng xã được phân biệt hết sức rạch ròi. Có những trường hợp khi ranh giới hai làng là một sông nhỏ hay đường nhỏ mà không xác định sông đó, đường đó thuộc làng nào thì ranh giới được quy định là giữa sông, giữa đường, theo đó nửa sông, nửa đường này là của làng này, nửa sông, nửa đường kia là của làng kia. Tất nhiên, đây có thể chỉ là hình thức. Nhưng nó sẽ không còn là hình thức trong trường hợp xảy ra tranh chấp, khi đó có lẽ người ta không thể bơi quá sang nửa bên kia của một dòng sông. Ví dụ thông tin giáp giới của thôn Thượng xã Đường Xuyên, huyện Phú Xuyên được thể hiện trong tư liệu địa bạ như sau: “Đông giáp địa phận thôn Thái bản xã, giáp giáp Ba Lai xã Tôn Chất bản huyện, lấy từ ao xứ Chú Thoái thôn ấy tiếp đến ao của Vũ Bá Bào, lại lấy nửa ao thẳng đến phía đông tường thần từ, ngã ba Lương các giáp, thôn ấy làm giới. Tây giáp địa phận thôn Cổ Trai bản xã, cùng lấy trụ gỗ lim làm giới; lại giáp sông nhỏ đối ngạn các xã Bài Lễ, Bài Nhiễm huyện Duy Tiên, lấy nửa sông làm giới. Nam giáp sông, đối ngạn xã Bạch Sam huyện Duy Tiên, lấy nửa sông làm giới; lại giáp thôn Thái bản xã và giáp Ba Lai xã Tôn Chất bản huyện, lấy đường nhỏ bản thôn làm giới.Bắc giáp địa phận thôn Cầu Đông bản xã, lấy đường nhỏ bản thôn và triền dốc làm giới; lại giáp thôn Cổ Trai bản xã, cùng lấy trụ gỗ lim làm giới”(Tư liệu văn hiến Thăng Long, Hà Nội: Địa bạ huyện Phú Xuyên, tập 1, trang 532)
Có thể nói, địa bạ là nguồn tài liệu có giá trị nghiên cứu trên nhiều phương diện . Qua các tư liệu này, thế hệ ngày nay có thể thấy lại hình ảnh làng quê mình hai trăm năm về trước với giáp giới đông tây nam bắc, một con đường, một dòng sông mà nay đã có nhiều thay đổi, tên mỗi xóm ngõ hay từng cánh đồng và hàng trăm tên tuổi gợi nhớ về một quá khứ xa xăm.
Dương Anh