Vài nét về tư liệu địa bạ huyện Phú Xuyên
Huyện Phú Xuyên hiện nay thuộc thành phố Hà Nội. Trải qua các giai đoạn lịch sử, địa giới hành chính của huyện này có nhiều biến đổi. Huyện Phú Xuyên ở thời điểm đầu thế kỷ XIX nay thuộc đất các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa thành phố Hà Nội và huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Các đơn vị hành chính của huyện Phú Xuyên khi đó bao gồm các xã, thôn của các tổng Biện Thủy (tức tổng Tri Thủy đầu thế kỷ XX), Đường Hoàng Trung (tức tổng Hoàng Trung đầu thế kỷ XX), Đường Xuyên (tức tổng Thường Xuyên đầu thế kỷ XX), Già Cầu, Hòa Mỹ (tức tổng Tri Chỉ đầu thế kỷ XX), Khai Thái, Lương Xá, Mỹ Lâm, Thịnh Đức (tổngThịnh Đức Hạ và Thịnh Đức Thượng đầu thế kỷ XX). Thuộc huyện Ứng Hòa là xã Giới Đức, tổng Thịnh Đức (nay thuộc xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa). Thuộc địa phận huyện Duy Tiên là các xã, thônthuộchai tổng tổng Chuyên Nghiệp và tổng Mộc Phàm (tức tổng Mộc Hoàn đầu thế kỷ XX). Phần lớn các xã hiện nay được hình thành trên cơ sở nhiều làng xã trước Cách mạng tháng Tám.
Trên cơ sở xác lập hệ thống các đơn vị hành chính cơ sở, các tác giả đã tập trung khai thác nguồn tư liệu địa bạ của các đơn vị hành chính cơ sở. Nguồn tư liệu địa bạ huyện Phú Xuyên tập trung ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội), thuộc Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước. Tại đây, địa bạ Phú Xuyên có các ký hiệu liên tục từ 4734 đến 4818. Riêng các xã Hà Thao (gồm hai thôn Nội, Ngoại) tổng Già Cầu có 2 bản (ký hiệu 4779 và 4780, cùng niên đại Gia Long 4), xã Giới Đức (tổng Thịnh Đức) có 3 bản (2 bản niên đại Gia Long 4, ký hiệu 4760 và 4761; 1 bản Minh Mệnh 13, ký hiệu 4762). Tổng số địa bạ toàn huyện là 82cuốn, thuộc 84 đơn vị hành chính cơ sở, bằng 97,62%. Vì thế, có thể nói, không chỉ gần như toàn bộ các đơn vị xã, thôn ở Phú Xuyên theo thống kê đều có địa bạ, mà địa bạ ở tất cả các tổng thuộc huyện Phú Xuyên đều cho biết thêm các thôn thuộc xã ở thời điểm lập địa bạ. Có những xã địa bạ cung cấp số thôn lên tới 4-5 đơn vị.
Tổng số trang địa bạ huyện Phú Xuyên là 1.453 tờ (2.906 trang), bình quân mỗi đơn vị địa bạ có 17,71 tờ (35,43 trang). So với một số địa phương (huyện khác) dung lượng bình quân một địa bạ ở Phú Xuyên không cao. Trong khi đó, qua sơ bộ kiểm tra, ở Phú Xuyên các loại ruộng đất công (trong đó có công điền) chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp, nghĩa là phần lớn đất đai đã thuộc sở hữu tư nhân. Điều này cho phép đoán định quy mô sở hữu tư nhân ở Phú Xuyên không quá manh mún (không quá nhiều thửa ruộng, diện tích mỗi thửa không quá nhỏ, bình quân ruộng đất một chủ không quá thấVề niên đại: Cũng giống như địa bạ toàn Bắc Kỳ (trừ hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận) địa bạ Phú Xuyên chủ yếu được lập vào năm Gia Long 4 (1805). Ngoại trừ 1 trong 3 đơn vị xã Giới Đức (tổng Thịnh Đức) có một đơn vị lập năm Minh Mệnh 13, còn hai đơn vị còn lại lập năm Gia Long.
Nhìn chung, những giá trị nghiên cứu thể hiện ở từng loại thông tin, hết sức có ý nghĩa khi tìm hiểu về từng đơn vị làng xã hay rộng ra trên quy mô từng huyện, từng tỉnh hay cả một khu vực rộng lớn hơn. Đó là các thông tin về về đơn vị hành chính các cấp (xã, thôn, trại, sở/ tổng/huyện/trấn-xứ) địa giới, tổng diện tích các loại ruộng đất, các loại đất đai (công điền công thổ, tư điền tư thổ, thần từ Phật tự điền/thổ, công châu thổ hay đất bãi các loại, thổ trạch viên trì, tha ma mộ địa, gò đống…), ruộng đất công của các làng xã khác tọa lạc tại địa phận bản xã… Từ những loại thông tin trên, hàng loạt các giá trị nghiên cứu được xuất lộ, tuỳ thuộc góc độ - lĩnh vực nghiên cứu cụ thể. Dưới góc độ lịch sử hành chính, địa bạ cùng với các nguồn thông tin khác cho phép xác lập một danh mục đơn vị hành chính cơ sở đầy đủ, chính xác. Số liệu về tổng diện tích cho biết quy mô làng xã. Số liệu về công điền công thổ, tư điền tư thổ cho biết mức độ quá trình tư hữu hoá. Số liệu về ruộng đất tư với từng chủ sở hữu cho biết mức độ phân hoá và tập trung ruộng đất - cũng tức là sự phân hoá xã hội. Số liệu thần từ Phật tự cho phép đánh giá tình hình tín ngưỡng - tôn giáo. Số liệu ruộng đất của đội ngũ chức sắc cho phép đánh giá về thế lực kinh tế của bộ phận quản lý làng xã. Hệ thống địa danh là nguồn tư liệu quan trọng của ngành địa danh học lịch sử…
Minh Anh