Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 12/12/2013 06:13
Một vương triều đi qua… và những gì còn ở lại

“Một vương triều đi qua… và những gì còn ở lại”. Đó là tiêu đề mà PGS. Trần Nghĩa đã đặt cho bài viết đầu cuốn sách Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội do ông làm chủ biên và Nhà xuất bản Hà Nội đã ấn hành nhân Đại lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.

   Câu hỏi này chính là mục đích mà nhóm biên soạn đặt ra khi nghiên cứu những dấu ấn của triều đại Tây Sơn trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Để có được câu trả lời, bản thân tác giả và cộng sự đã gặp không ít khó khăn khi “lục lọi” trong số ít ỏi những dấu tích xưa còn lại. Bởi lẽ vương triều Tây Sơn tồn tại trong thời gian quá ngắn (1788-1802), lại bị các thế lực thù địch sau này ra sức bôi nhọ, xóa lấp dấu tích. Những khó khăn đó càng thôi thúc nhóm biên soạn tìm tòi, nghiên cứu với mong muốn giới thiệu với độc giả một lát cắt lịch sử trong chiều dài nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội mà ở đó chất anh hùng, hào hoa, thanh lịch của mảnh đất và con người Thăng Long đã hội tụ và tỏa sáng.
 
   Cuốn sách Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội giới thiệu các di văn ra đời trên đất Thăng Long dưới hai thời vua Quang Trung và Quang Toản. Các văn bản được tuyển chọn có cả nguyên văn chữ Hán, chữ Nôm, phần phiên âm và dịch nghĩa để bạn đọc tiện theo dõi và tra cứu khi cần thiết. Cuốn sách là một “tuyển tập” với những gì cốt yếu nhất, quan trọng nhất về di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long - Hà Nội.
 
   Với dung lượng gần 900 trang, cuốn sách gồm 3 phần. Ở phần thứ nhất (Văn kiện triều đình) gồm 1 bài dụ, 6 bài chiếu và 19 đạo sắc phong do Nguyễn Huệ (Quang Trung) và Nguyễn Quang Toản (Cảnh Thịnh, Bảo Hưng) ban bố từ năm 1788 đến năm 1802 về một số chính sách quan trọng trong các lĩnh vực nông nghiệp, dân số, giáo dục, quân binh… Đáng chú ý nhất là vấn đề dùng người. Độc giả sẽ được thấy ở đây một ông vua “phong kiến” nhưng có nhiều tư tưởng “đổi mới”, đi trước thời đại. Xuất thân từ nông dân, ông hiểu tầm quan trọng của sức dân, bởi vậy khi lên ngôi ông muốn “cứu” được đời, “yên” được dân thì không còn cách nào khác là “cùng dân đổi mới”, “cùng thiên hạ đổi mới” (Ủy Sùng Nhượng Công giám dụ). Tuy nhiên, đối với ông “đổi mới” không có nghĩa là cắt đứt truyền thống, lãng quên sự đóng góp của những quận thần trung hiếu, những người có công trong quá khứ, vì vậy suốt triều đại Tây Sơn việc gia phong mỹ tự cho các vị thần, các nhân sĩ có công vẫn được tiến hành đều đặn. Việc làm đó không đơn thuần là “tri ân” mà còn là sự khích lệ đối với những người đang cùng ông xây dựng vương triều Tây Sơn. Đây cũng là điều mà ở thời đại nào cũng cần giữ gìn và phát huy.
 
   Cùng với mảng di văn thể hiện tư tưởng, tiếng nói của vương triều Tây Sơn, tác giả và nhóm biên soạn cũng đã giới thiệu đến độc giả những tác phẩm của các văn nhân, nhân sĩ thời kỳ này, tiêu biểu là các tác giả Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Nguyễn Huy Lượng, Phạm Thái… Mảng di văn này sẽ cho độc giả biết đến những suy nghĩ và tiếng nói khác nhau của các “trí thức Bắc Hà” trước cùng một hoàn cảnh. Việc ra có hay không ra cộng tác với triều đình Tây Sơn là một lựa chọn đầy khó khăn đối với các cựu thần nhà Lê. Trước Chiếu cầu hiền của vua Quang Trung không ít nhân sĩ “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”. Những tâm sự và tư tưởng của họ đã được gửi gắm vào trong các tác phẩm văn học như Tây Sơn hành án của Trần Danh Án, Chiến tụng Tây hồ của Phạm Thái; Mậu Thân xuân chính khí bút của Phan Huy Ích, Đáp Ninh Song An thư của Ngô Thì Nhậm… Không những thế chúng ta còn thấy được những minh họa sắc nét về Thăng Long “đất thiêng người trội”, những thay da đổi thịt của Thăng Long thời Tây Sơn qua La thành cổ tích vịnh của Trần Bá Lãm và Phú tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng. Đây không chỉ là những tư liệu lịch sử quý báu mà còn là những di sản văn chương quan trọng có ý nghĩa văn hóa tinh thần lớn lao.
 
   Chiếm dung lượng lớn nhất trong cuốn sách là mảng di văn nơi phường xã. Đây là những tư liệu điền dã do Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Ban Quản lý di tích lịch sử và danh thắng Hà Nội sưu tầm được trên địa bàn Hà Nội trong mấy chục năm gần đây. Các di văn phần này được chia thành 4 nhóm: bia, chuông, khánh, cột hương. Ở mỗi nhóm các đơn vị văn bản được sắp xếp theo trình tự thời gian để người đọc tiện theo dõi. Qua mảng di văn này chúng ta có thấy được tình trạng các bia, chuông, khánh… bị hủy hoại, tàn phá trước và sau thời Tây Sơn. Đồng thời hiểu được lý do tại sao thời Tây Sơn trên đất Thăng Long lại ra đời nhiều bia, chuông khánh như vậy. Điều đáng nói là qua đây chúng ta thấy được một “góc” tín ngưỡng, tâm linh của người Thăng Long xưa. Đồng thời thấy được những phương thức hữu hiệu để sửa sang và bảo vệ các di tích và danh thắng của đất nước nói chung của Thăng Long – Hà Nội nói riêng. Công việc khó khăn và tốn kém này không thể làm được nếu không dựa vào dân. Triết lý đó đã được người xưa đúc kết từ thực tiễn cuộc sống, để chúng ta hôm nay đặc biệt là những người làm công tác quản lý, bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phải suy ngẫm.
 
   Ngoài ba nội dung chính, cuốn sách còn có phần phụ lục là thư mục giới thiệu tóm lược về tình hình cũng như nội dung một số văn bia, văn chuông vì một số lý do không tuyển vào sách để bạn đọc có thể tra cứu khi cần.
Cuối cùng, không thể phủ nhận rằng cuốn sách Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long – Hà Nội đã góp phần làm sống lại nhiều giá trị đã bị mai một của một vương triều trong lịch sử nước ta. Đồng thời cho chúng ta có được “cái nhìn sáng rõ” hơn về người anh hùng áo vải với những tư tưởng cải cách có phần “táo bạo” khi ông giữ vị trí cao nhất trong triều Tây Sơn. Đó là những gì còn ở lại… của một vương triều đã đi qua. Có thể xem cuốn sách như một bông hoa khác lạ góp thêm hương sắc cho Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)