Ninh Kiều (vùng Ninh Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một vị trí trọng yếu và hiểm trở nằm trên con đường từ Đông Quan (Hà Nội) vào Thiên Quan (Ninh Bình), Thanh Hóa. Đó là “đường núi” hay “thượng đạo”, một con đường giao thông quan trọng và có ý nghĩa quân sự to lớn từ các lộ phía nam ra kinh đô, được gọi là “đường lai kinh” (đường đến kinh đô). Ninh Kiều lại nằm bên bờ sông Ninh (sông Đáy) và dưới chân núi Ninh Sơn. Nghĩa quân Lam Sơn do Lý Triện, Trịnh Khả, Đỗ Bí chỉ huy đã lựa chọn địa hình hiểm yếu ở Ninh Kiều để bố trí trận địa mai phục.
Ngày 12 tháng 8 năm Bính Ngọ (13-09-1426), Phạm Văn Xảo chỉ huy một bộ phận nghĩa quân tiến đánh phía tây thành Đông Quan rồi giả vờ thua, nhử địch đuổi theo để dẫn chúng vào trận địa mai phục ở Ninh Kiều.
Viên tướng chỉ huy quân Minh ở Đông Quan là Trần Trí nhận thấy lực lượng nghĩa quân ta ít ỏi, lại từ xa đến còn mệt mỏi nên mở cửa thành, dẫn quân ra đuổi đánh. Nghĩa quân vừa đánh vừa rút chạy về phía Ninh Kiều. Chờ khi quân giặc lọt vào trận địa mai phục, nghĩa quân từ các mặt liền xông ra chặn đánh. Trong trận này, nghĩa quân Lam Sơn toàn thắng, tiêu diệt hơn 2.000 quân địch. Trần Trí phải dẫn tàn quân Minh rút chạy về Đông Quan.
Đây là một chiến thắng lớn đầu tiên của nghĩa quân Lam Sơn kể từ khi mở cuộc tấn công ra Bắc. Sau chiến thắng này, nghĩa quân chiếm giữ Ninh Kiều, đóng doanh trại ở phía tây Ninh Giang. Từ đó, vùng Ninh Kiều trở thành một căn cứ lợi hại của nghĩa quân, trực tiếp uy hiếp cửa ngõ tây nam thành Đông Quan.
Lê Sơn