Văn hiến Thăng Long với những tầng sâu trầm tích di chỉ khảo cổ học
Qua kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ học cũng như đối sánh từ các di chỉ được khai quật thì thấy rằng những ngôi mộ có quan tài hình thuyền độc mộc ở Châu Can có một số điểm giống với mộ Việt Khê (Hải Phòng), mộ La Đôi và Nghĩa Vũ (Hải Dương). Áo quan đựng thi hài đều làm bằng thân cây khoét rỗng. Ở các phần nắp và thân áo quan đều có đục lỗ nhỏ để xâu dây, cột chặt nắp và thân áo quan vào một khối. Hơn nữa di vật chôn theo của khu mộ Châu Can cũng có diểm tương đồng với một số hiện vật ở Việt Khê như rìu hình dáng giống như dao lạng da của thợ giày ngày nay, muôi vỏ quả bầu Châu Can có hình dáng giống hệt muôi đồng ở Việt Khê… Điều đó cho thấy khu mộ Châu Can và mộ Việt Khê, La Đôi, Nghĩa Vũ có mối quan hệ nhất định.
Trong khuôn khổ của những trang tư liệu văn hiến việc đi sâu phân tích, đối sánh di chỉ khảo cổ học là điều không thể như sách chuyên sâu khảo cổ học, tuy nhiên, nhóm biên soạn đã dành dung lượng nhất định để nêu khám phá thú vị về áo quan hình thuyền độc mộc ở Châu Can bởi sự tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước của người Việt cổ xưa. Cùng với đó từ các tư liệu cũng cho thấy mộ Châu Can có nhiều điểm khác với các mộ kia. Quan tài mộ Châu Can là những thân cây khoét rỗng lòng, chừa lại khoảng hơn 10cm làm vách đầu và vách đuôi. Còn quan tài mộ Việt Khê, phần lớn vách đầu và vách đuôi được làm bằng một tấm ván hình bầu dục, đóng khít với lòng áo quan. Trong năm quan tài mộ Việt Khê, các nhà khảo cổ chỉ thấy có một quan tài vách đuôi được chừa lại trong quá trình khoét lòng. Điều này phải chăng kỹ thuật ghép ván làm vách đầu và đuôi quan tài ở Việt Khê đã phản ánh trình độ kỹ thuật cao hơn và có thể xuất hiện muộn hơn. Có thể cách lắp ván này là tiền thân của kỹ thuật ghép ván làm áo quan cũng như làm quách sau này. Còn mộ La Đôi bên cạnh những quan tài hình thuyền, đã có quách gỗ, một số quan tài hình thuyền được đặt trong quách gỗ. Đến mộ Ngọc Lặc (Hải Dương) thì tất cả quan tài được đặt trong quách gỗ và quan tài lại ghép bằng những tấm ván chứ không phải thân cây khoét rỗng.
Từ những trang tư liệu văn hiến phần viết về phần di chỉ khảo cổ học của xã Châu Can, huyện Phú Xuyên thì điều quan trọng là ở khu mộ Châu Can, không hề tìm thấy một hiện vật “ngoại lai” nào, cũng không có một yếu tố nào gọi là ảnh hưởng của văn hoá Hán. Trong khi đó mộ Việt Khê tìm thấy rất nhiều hiện vật du nhập từ ngoài vào và có cả những hiện vật tiếp thu ảnh hưởng của văn hoá Nam Trung Quốc như dao gọt và qua đồng kiểu Chiến Quốc… là những hiện vật phổ biến ở Nam Trung Quốc. Hơn nữa ở Việt Nam không tìm thấy một đồ gốm nào, đồ gốm ở đây đã được thay thế bằng những nồi đồng, thố đồng, bình đồng… Rõ ràng đồ gốm ở Việt Khê trở thành một vật tầm thường, không còn giá trị như đồ đồng. Trái lại, ở mộ Châu Can, trong các quan tài, ngoài giáo đồng, rìu đồng không tìm thấy dụng cụ đồng nào khác. Đồ gốm còn đang là hiện vật quý, được để trên một khay gỗ mộc mạc, đơn sơ, chiếc vòng tai cũng khá thô thiển.
Trong bộ sưu tập di vật tùy táng Châu Can, các nhà khảo cổ thấy nồi gốm có kiểu nồi miệng loe ngắn, bụng phình hình cầu và đáy lồi. Giáo và rìu đồng trong mộ Châu Can lại càng giống giáo và rìu đồng của Đường Cồ, Thiệu Dương. Đó là loại rìu lưỡi xéo, hình dáng giống dao xén của thợ giày ngày nay, loại giáo hình búp đa hay kiểu lá mía, tiết diện hình thoi dẹt, họng tra cán hình tròn hoặc bầu dục, có sống nổi ở giữa, lưỡi mỏng sắc về hai bên. Đặc biệt là ở phần rộng nhất của lưỡi, chỗ gần đốc, có hai lỗ thủng hình chữ nhật ở hai bên sống nổi? Loại này rất phổ biến ở địa điểm khảo cổ học Thiệu Dương.
Từ sự đối sánh về hiện vật cũng như sự tương tự về táng tục của mộ Châu Can với di chỉ khảo cổ học Thiệu Dương và Đường Cồ đã là một chứng cứ chắc chắn để các nhà khảo cổ khẳng định rằng, niên đại của khu mộ Châu Can không thể sớm hơn niên đại địa điểm khảo cổ học Thiệu Dương và Đường Cồ. Về cách thức mai táng, mộ Châu Can thi hài người chết đều chôn nằm ngửa, tay chân duỗi thẳng. Ở Châu Can nồi gốm để trên cái khay, đặt trên xương ống chân người chết, còn ở Thiệu Dương, hiện vật đặt trên đầu, bụng, chân, có khi ở háng. Cách thức mai táng có phần nào nói lên mối liên hệ thống nhất về phong tục tín ngưỡng của cư dân trong văn hoá thống nhất. Như vậy, theo các nhà khảo cổ niên đại của mộ cổ quan tài hình thuyền Châu Can trong khoảng thế kỷ 4-3 trước Công nguyên.
Điều thú vị từ khám phá khảo cổ học mộ Chau Can đó là đồ tuỳ táng trong các mộ không chênh lệch nhau là mấy. Cấu trúc quan tài cũng như cách thức mai táng giống nhau, đều nằm quay về một hướng, độ sâu tương tự, nằm xếp hàng ngang trong lớp đất sét đen. Từ đó các nhà khảo cổ khẳng định rằng các ngôi mộ này đều có cùng một niên đại. Có thể có sự sớm muộn về thời gian như cái chôn trước, cái chôn sau, nhưng sự chênh lệch đó là không đáng kể. Sự giống nhau về cấu trúc quan tài cũng như hiện vật chôn theo của những ngôi mộ là những gợi ý cho các nhà khảo cổ nghĩ rằng thân phận những người chết trong mộ, không có sự cách biệt về thứ bậc trong xã hội và họ là những cư dân bình đẳng.
Từ những di chỉ nằm sâu trong lòng đất các nhà khảo cổ học có thể phác họa đời sống kinh tế, văn hóa cũng như tập tục của người đương thời xa xưa. Với sự độc đáo từ mộ cổ có quan tài thuyền độc mộc ở Châu Can đã mở ra nhiều chuyên khảo nghiên cứu liên quan khác và việc ghi chép lại sự kiện này vào những trang tư liệu văn hiến Thăng Long cũng thêm phần quan trọng.
Mai Thu