Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 11/12/2019 02:55
Trần Thánh Tông – vị vua mở đầu xu thế trọng dụng Nho sĩ, đào tạo hiền tài cho đất nước

Vương triều Trần được coi là thời đại hưng thịnh và vẻ vang trong lịch sử Việt Nam với những thành tựu phát triển về mọi mặt, nhất là văn hoá tinh thần và tư tưởng. Trong thời kỳ này, Phật giáo đóng vai trò là quốc giáo trong đời sống xã hội, có ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh, văn hoá của dân tộc. Tuy nhiên, các vị vua nhà Trần đã bắt đầu chú ý đến hệ tư tưởng Nho giáo và vị vai trò của Nho giáo trong việc xây dựng hệ thống bộ máy nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Vị vua khai mở nhà Trần – Trần Thái Tông đã có những hành động bước đầu đặt nền móng cho giáo dục khoa cử Nho học. Tuy nhiên, phải đến thời vua Trần Thánh Tông thì giáo dục khoa cử Nho học mới thực sự có một vị thế quan trọng trong xã hội phong kiến thời Trần. Chính vua Trần Thánh Tông được coi là vị vua mở đầu cho xu thế trọng dụng nho sĩ gắn với đào tạo nhân tài phục vụ triều đình và đất nước. Qua tìm hiểu cuốn sách Vương triều Trần (1226-1400) do PGS.TS Vũ Văn Quân cùng cộng sự biên soạn, chúng ta sẽ thấy rõ hơn vai trò của vua Trần Thánh Tông đối với sự phát triển giáo dục khoa cử Nho học.

 Từ thời Lý –Trần, Nho giáo với tư cách học thuyết chính trị – đạo đức cũng đã dần khẳng định ưu thế của mình trong việc tổ chức bộ máy nhà nước, quản lý xã hội và có ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong xã hội phong kiến. Thời Lý, năm 1070, Lý Thánh Tông cho xây dựng nhà Văn Miếu ở kinh thành Thăng Long, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, tứ phối 72 người hiền của đạo Nho. Năm 1076 vua Lý Nhân Tông lập ra Quốc Tử Giám. Cùng với việc mở trường học nhà Lý quan tâm tới việc tổ chức thi cử để lựa chọn nhân tài. Khoa thi đầu tiên được nhà Lý tổ chức vào tháng 2 năm 1075, niên hiệu Thái Ninh thời vua Lý Nhân Tông, gọi là thi Minh kinh bác học. Việc mở khoa thi Nho giáo đầu tiên đánh dấu mốc về việc nhà Lý chính thức tuyển người theo Nho giáo làm quan bên cạnh tầng lớp quan lại thiên về kiến thức Phật giáo trước đó. Đến thời Trần, sau khi lên ngôi được 6 năm, đến năm 1232, vua Trần Thái Tông cho tổ chức nhiều khoa thi với nhiều hình thức như: Thái học sinh, thi Lại viên, thi Tam giáo. Dưới thời vua Trần Thái Tông mặc dù Phật giáo được coi là hệ tư tưởng chính thống ảnh hưởng lên nhiều mặt của xã hội, và bản thân vua Trần Thái Tông là người tôn sùng đạo Phật và là người sáng  lập ra phái Thiền Trúc Lâm, song Nho giáo đã bắt đầu được chú trọng và phát triển. Chính ông đã thừa nhận: đặt mực thước cho hậu thế và khuôn mẫu cho tương lai là phải nhờ vào đạo của Tiên Thánh (đao Khổng). Vì vậy dưới thời ông trị vì học đạo Nho và các kỳ thi Nho học được chú trọng tổ chức.

Tuy nhiên, phải đến thời vua Trần Thánh Tông trị vì thì việc thi  cử và tuyển chọn quan lại bằng Nho học mới quy củ. Sau khi lê ngôi, năm 1261 vua Trần Thánh Tông tổ chức thi viên lại bằng các môn viết và tính. Tháng 3 năm 1266 cho mở khoa thi chọn học  rò lấy Kinh Trạng nguyên, Trại Trạng nguyên, Thái học sinh. Cũng chính Trần Thánh Tông là ông vua đầu tiên chú trọng đến việc sử dụng Nho sinh học giỏi văn học vào giữ các chức vụ trong triều đình “Mùa hạ, tháng 4 năm 1267, chọn dùng Nho sinh hay chữ sung vào quán, các sảnh, viện. Bấy giờ Đặng Kế làm Hàn lâm viện học sĩ, Đỗ Quốc Tá làm Trung thư sảnh Trung thư lệnh, đều là Nho sĩ văn học. Theo chế độ cũ, không phải là nội nhân (hoạn quan) thì không được làm hành khiển, chưa bao giờ dùng Nho sĩ văn học. Bắt đầu từ đây, Nho sĩ văn học mới được giữ quyền bính” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, trang 36). Tiếp đó, tháng 10 ăm 1273, nhà vua xuống chiếu tìm người hiền lương thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, người biết giảng Tứ thư, Ngũ kinh sung vào hầu vua đọc sách. Đến tháng 12 năm 1274 vua lại chọn những người Nho học có đức hạnh trong cả nước vào hầu Đông cung.

Có thể nói mặc dù chưa trở thành ý thức hệ chính thống của nhà nước trung ương nhưng trước yêu cầu của thực tế trị vì và quản lý đất nước theo mô hình nhà nước quân chủ trung ương tập quyền quý tộc dòng họ, nền giáo dục – khoa cử Nho học với tư tưởng bảo vệ những liên kết gia đình, dòng họ, bảo vệ mối quan hệ vua – tôi, quân – thần, cha – con, và khẳng định sự chính danh trong các mối quan hệ xã hội, cùng những luân lý đạo đức, chính trị đã dần khẳng định được ưu thế của mình trong tổ bộ máy nhà nước, quản lý xã hội, do vậy đã từng bước đáp ứng được nhu cầu và mục đích của triều đình nhà Trần trong cai trị đất nước. Có thể nói đến đời vua Trần Thánh Tông thì giáo dục Nho giáo đã giữ vị trí chủ đạo trong nền giáo dục đất nước và được mở rộng từ trung ương đến địa phương. Cũng dưới thời vua Trần Thánh Tông, tầng lớp Nho sĩ ngày càng đông đảo và giữ vai trò quan trọng trong các công việc chính trị của đất nước, đồng thời phấn đấu cho lý tưởng Nho giáo. Từ đây, hệ tư tưởng Nho giáo đã dần ăn sâu bắt rễ trong đời sống chính trị xã hội thời Trần và ngày càng phát triển và đỉnh cao nhất ở thời Lê Sơ sau này.

Minh Hoàng

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)