Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 11/12/2019 02:55
Ảnh hưởng của thời tiết lên mùa màng và giá cả lương thực của Hà Nội qua Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội

Châu bản triều Nguyễn là nguồn tư liệu hoàng gia quý  hiếm may mắn được bảo lưu đến  nay. Ở Việt Nam, ngoài các triều đại nhà Nguyễn hiện chưa tìm được  loại hình tư liệu nào được coi là  châu bản của các vương  triều khác. Châu bản triều Nguyễn không chỉ là những dấu tích chứng thực cho hoạt động của bộ máy chính quyền mà còn phản ánh nhiều vấn đề cả vĩ mô và vi mô của xã  hội quân chủ Việt Nam nói chung. Trong sự phong phú về vấn đề trong Châu bản liên quan đến hàng loạt khía cạnh phức tạp khác nhau, không chỉ ở phương diện lễ nghi, hành  chính, tư pháp, ngoại giao... mà còn là những vấn đề rất đời thường, gần gũi với đời sống của nhân dân dân như: giá gạo,mùa màng, thời tiết, dịch bệnh... Cùng tìm hiểu sự biến động của giá cả lương thực của Hà Nội trong cuốn sách Châu bản  triều Nguyễn về Hà Nội – cuốn sách thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến  vừa được ra mắt độc giả tháng 10/2019.

 Thế kỷ XIX, dù Hà Nội không còn là kinh đô của nước Việt Nam nhưng vẫn chiếm giữ  một vị thế quan trọng trong nền hành chính xã hội. Triều đình nhà Nguyễn dù lúc này đang  phải bận tâm với nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại xong vẫn dành cho Hà Nội một sự quan tâm đặc biệt. Những vấn đề an ninh, chính trị, xã hội, đời sống người dân được các quan lại Hà Nội báo cáo đầy đủ lên triều đình,và cũng nhanh chóng nhận được sự hồi đáp của các vị vua triều Nguyễn. Trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động ấy, những vấn đề nhỏ bé, vụn vặt cũng được quan tâm. Trong đó, sự biến động của giá cả các loại lương thực được cập nhật và báo cáo thường xuyên lên triều đình. Qua những báo cáo cụ thể chi tiết chúng ta thấy được tình hình thời tiết, mùa màng có tác động trực tiếp lên sự biến động của giá gạo tại Hà Nội. Cụ thể như năm Minh Mệnh 8 (1827), quan lại Bắc Thành báo cáo rằng “tình hình giá gạo tương đương với kỳ trước,... lúa ruộng vụ mùa tại phủ Hoài Đức hiện đang thu hoạch, hoàn toàn được mùa, thời tiết có phần thuận lợi...” (Châu bản triều Minh Mệnh, tập 26,tờ 258 – trang 49). Cũng trong năm đó, tại trấn Sơn Tây, “giá gạo thô ở các trấn lỵ, sở từ ngày mồng một đến ngày rằm tháng này, mỗi phương trị giá trên dưới 1 quan 3 mạch 30 văn. So với kỳ trước giá mỗi phương 1  quan 4 mạch ,như vậy giảm được 30 văn. Những ngày qua mưa thuận gió hòa, lúa mạ ruộng chiêm đang gieo cấy. Việc nhà nông có phần thuận lợi...” (Châu bản  triều Minh Mệnh, 27, tờ 33 và tờ 55, tờ 92, 136-140 – trang  50, 51). Từ những báo cáo đó còn cho thấy những thông tin về thời tiết, mùa vụ tại các địa phương thuộc Hà Nội năm 1827 khá thuận lợi, việc gieo trồng của nhà nông ổn định dẫn đến giá gạo trong các chợ không biến động nhiều. Tuy nhiên, những báo cáo của quan lại Bắc Thành và các trấn phủ lân cận năm Minh Mệnh 11 (1830)  lại cho thấy sự thất thường của thời  tiết, thiên tai lũ lụt làm ảnh hưởng  nghiêm trọng đến mùa màng của Hà Nội. Châu bản triều Minh Mệnh, tập 40,  tờ 188-189, Bắc Thành đã tâu rằng: “Ngày mồng 10 tháng này nhận được tư văn của Bộ Lễ về việc phụng Thượng dụ đem tình hình mưa nắng tâu lên. Thần lập tức xem xét tại trấn và quan phủ Hoài Đức khai rõ tình hình mưa nắng và các ruộng lúa đã căn cứ thực tế tâu lên và chuyển sức cho quan các trấn thuộc thành tuân theo thực hiện. Lại xét thành của thần và phủ Hoài Đức từ ngày mồng 1 tháng này đến nay, hoặc trời âm u, hoặc có mưa nhỏ, đầu giờ Sửu đến cuối giờ Mão tháng này có mưa rào nhiều nơi...”. Do tình hình thời tiết thất thường dẫn đến ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa tại phủ Hoài Đức chỉ đạt tám phần mười (Châu bản triều Minh Mệnh, tập 42, tờ 73). Do năng suất suy giảm nên giá cả lương thực chủ yếu là lúa gạo tăng nhẹ, tại phủ Hoài Đức thời điểm này trong hạt, giá gạo thô ngoài chợ từ ngày mồng 1 đến ngày 12 tháng này mỗi phương giá 2 quan 30 văn, so với giá kỳ trước mỗi phương tăng 1 mạch. (Châu bản triều Minh Mệnh, tập 42, tờ 63). Tình hình ở Trấn Sơn Nam cũng không ngoại lệ, năng suất lúa chỉ đạt tám đến chín phần mười: “Vụ chiêm năm nay đã tới kỳ thu hoạch, trừ xã Đàn Giản của huyện Thanh Trì và các xã Lợi Dương, Văn Khê, Úc Lí, Hoa Tài, Tam Hoa, Động Cứu của huyện Thanh Oai cùng với 9 thôn xã trước bị mưa to gió lớn mùa màng tổn thất, phụng khám xét riêng, các xã trong huyện, phủ còn lại thu hoạch ước được trên dưới 9 phần mười”, do vậy giá cả lúa gạo trong dân tăng lên: “Từ ngày 1 đến ngày 5 tháng này, giá mỗi phương gạo thô tại chợ là 2 quan 1 mạch 30 văn. Ngày mồng 9 giá lại tăng cao tới 2 quan 8 mạch 30 văn, so với tháng trước tăng đến 7 mạch 30 văn. Lương thực trong dân đang gặp khó khăn, một số gia đình đang dần gặp đói” (Châu bản triều Minh Mệnh, tập 43, tờ 23-24.)

Qua một số Châu bản cụ thể chúng ta có thể hình dung được sự tác động của thời tiết lên mùa  màng và giá cả lương thực là khá rõ nét.  Qua đây cho thấy tình hình sản xuất nông nghiệp ở Bắc Thành chủ yếu là trồng lúa gạo, mà lại phụ thuộc rất vào tự nhiên. Gặp  thời tiết mưa thuận gió hòa thì năng suất lúa cao, giá cả ổn định, nhưng những năm thời tiết bất lợi, mua lũ thiên tai thì sản xuất lúa gạo gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu đói trong dân thường xuyên xảy ra. Điều này cho thấy tính chất sản xuất nông nghiệp manh múi, nhỏ lẻ, tự cấp tự túc của Bắc Thành dưới triều Nguyễn.

Thiên Bảo

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)