Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 11/12/2019 02:55
Đôi nét về sự phồn hoa của Thăng Long xưa qua các ấn phẩm của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến

Trải qua nhiều biến động của lịch sử, Thăng Long vẫn luôn được coi là đô thị phồn thịnh nhất của Đại Việt thể hiện trên nhiều phương diện, nhưng đặc tả nhất vẫn là hai mặt kinh tế và văn hóa. Qua các cuốn sách thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến như Vương triều Lý (1009-1225), Vương triều Trần (1226-1400), Vương triều Lê (1228-1527), Châu bản triều Nguyễn về Hà Nội chúng ta sẽ phần nào cảm nhận được điều này.

Về lĩnh vực kinh tế: Thăng Long nổi tiếng với hệ thống làng nghề, phố nghề thủ công truyền thống với đội ngũ thợ có tay nghề cao, kỹ xảo tinh tế. Những phố đó tập trung thành một khu vực nay gọi là 36 phố phường. Hoạt động thương mại và sản xuất hàng thủ công là chủ yếu do những cư dân trong phường đảm nhiệm. Họ là những thợ thủ công giỏi của các vùng lân cận đến sinh sống, làm nghề, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu của các tầng lớp quan lại và nhân dân kinh thành. Các phường có tổ chức hành chính riêng để quản lý dân cư và buôn bán. Các khu phố đó  đã đi vào  ca dao như một minh chứng cho sự phồn hoa của kinh thành Thăng Long: Rủ nhau chơi khắp Long Thành / Ba mươi sau phố rành rành chẳng sai / Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai / Hàng Buồm ,Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay / Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày / Hàng Lờ ,Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn / Phố Mới, Phúc Kiến , Hàng Than / Hàng Mã, Hàn Mắn, Hàng Ngang, Hàng Đồng / Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông / Hàng Buồm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè / Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre / Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà / Quanh đi đếïn phố Hàng Da / Trải xem phừơng phố thật là cũng xinh / Phồn hoa thứ nhất Long Thành / Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ  /Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ / Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền. 

Ngoài hệ thống phố phường nghề nổi tiếng, Thăng Long còn có hệ thống chợ rất phát triển làm đầu mối kinh tế giữa các đô thị nhỏ ở miền Bắc. Theo đó, thuyền buôn của các tỉnh lân cận có thể theo đường sông Hồng, đi vào các cửa sông Tô, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, sông Thiên Phù. Các chợ lớn theo đó cũng được hình thành ở các cửa ô – nơi giao lưu của các con sông như Ô Cầu Giấy, Ô Bưởi... Trong đó khu vực buôn  bán sầm uất nhất là phía đông Hoàng thành – Cửa Đông. Nơi đây gần bến Đông Bộ Đầu, cửa Hà Khẩu là nơi thuyền bè các nơi cập bến để trao đổi hàng hóa với khu vực  nội thành. Thời Lý – Trần, triều đình quy định khu cụ thể khu vực buôn bán thuộc hai bên tả - hữu của Hoàng thành. Các khu chợ hoạt động tất cả các ngày trong tuần, tuy nhiên người dân những khu vực lân cận chỉ buôn bán vào những ngày chợ phiên.

Không những phồn hoa về kinh tế là sự phồn hoa về văn hóa, giáo dục. Với vị thế là thủ đô, Thăng Long là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của cả nước, đặc biệt là những lễ hội văn hóa cung đình. Các triều đại phong kiến đều chú trọng những lễ hội cung đình như sinh nhật hoàng gia, lễ cầu mưa, lễ hội mùa xuân, lễ hội tứ trấn thần... Những dịp lễ hội cũng chính là những dịp sinh hoạt văn hóa để người dân được tiếp xúc với những giá trị văn hóa, lối sống cung đình; đồng thời là dịp để triều đình truyền đạt những giá trị văn hóa lớn của quốc gia, dân tộc. Hàng năm, triều đình cũng tổ chức các lễ hội cung đình như hội đèn Quảng Chiếu để nhân dân được thưởng thức các giá trị văn hóa nghệ thuật cung đình. Từ trong các lễ hội, các môn nghệ thuật biểu diễn được hình thành như múa, ca hát, múa lân, múa rồng...Tất cả những điều đó làm cho sinh hoạt văn hóa lễ hội Thăng Long ngày càng phong phú, sinh động... Bên cạnh các sinh hoạt văn hóa, lễ hội, Thăng Long là nơi tập trung các hoạt động giáo dục khoa cử của các triều đại phong kiến. Thời Lý, với việc hình thành Quốc Tử Giám – trường đại học đầu  tiên của nước ta, cùng với đó là việc tổ chức khoa thi Minh Kinh bác học đầu tiên năm 1075, Thăng Long đã  chính thức trở thành trung tâm giáo dục khoa cử lớn nhất của cả nước. Mỗi khi đến các kỳ thi tuyển chọn hiền tài, Thăng Long lại là nơi hội tụ của các kẻ sĩ khắp cả nước. Những người đỗ đạt được tham gia vào bộ quan lại của các triều đình. Cũng từ thăng Long danh tiếng của “kẻ sĩ Bắc Hà” được lưu danh trong  lịch sử...

Kể  từ mùa thu năm Canh Tuất cách đây hơn 10 thế kỷ, khi vua Lý Công Uẩn chọn mảnh đất Thăng Long (Rồng Bay lên) làm kinh đô, dù phải trải qua bao biến cố lớn lao, những năm tháng chìm ngập trong khói lửa các cuộc chiến tranh giữ nước, nhưng Hà Nội vẫn luôn là trái tim của cả nước. Những dấu tích của kinh thành Thăng Long xưa và tầm vóc phát triển mạnh mẽ  của  thủ đô Hà Nội ngày nay là niềm tự hào của người dân cả nước. “Ăn bắc mặc Kinh”, “chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”... đã thể hiện trọn vẹn những  giá trị văn hóa đặc sắc của kinh thành  Thăng Long. Sự phồn hoa của kinh thành Thăng Long trong lịch sử đã thể hiện vị thế của kinh thành trong suốt các triều đại lịch sử phong kiến Đại Việt.

Minh Tuệ

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)