Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 11/12/2019 03:31
Những nét cơ bản về sự thay đổi quy hoạch Thăng Long – Hà Nội đầu thời Pháp thuộc

Có lẽ để hiểu hơn về Hà Nội ngày nay, cũng như để định hướng xây dựng một Hà Nội mới trong tương lai, người ta không thể không tìm hiểu về những “lớp lang” quy hoạch trong quá khứ của Hà Nội. Những lớp lang này được “khai mở và bóc tách” trong nhiều ấn phẩm của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến như “Hà Nội - Tiểu sử một đô thị”, “Hà Nội qua tư liệu lưu trữ (1873-1954)”

Trước thời Pháp thuộc, quy hoạch Thăng Long – Hà Nội truyền thống khá đơn giản. Thực ra đó chỉ là sự sắp xếp bố trí đô thị mang tính tự nhiên, tự phát. Một tòa thành nương vào các dòng sông và các con kênh, bên cạnh là các phố phường buôn bán gần các bến cảnh, xen vào đó là các thôn, phường, trại và các làng ven đô. Cấu trúc thành Thăng Long này được hình thànhvà duy trì và phát triển đỉnh cao qua các thời kỳ phong kiến Lý - Trần - Lê sơ.

Đến khi thực dân Pháp chính thức đặt ách bảo hộ lên Bắc Kỳ, Hà Nội đã có một quá trình chuyển biến dưới sự chỉ đạo và điều hành của người Pháp. Quá trình “bị ép” trở thành thành phố tư bản, quy hoạch đô thị Hà Nội đã thay đổi rõ nét dưới dạng xen kẽ giữa cái cũ và cái mới. Ngay từ khi đặt ách đô hộ lên Bắc Kỳ, thực dân Pháp đã đặt ra vấn đề quy hoạch Hà Nội. Ngày 27/1/1886, Hội đồng Bảo hộ Bắc Kỳ, cơ quan đại diện cho quyền lực của Chính quyền thuộc địa Pháp tại Bắc và Trung Kỳ đã được thành lập. Chính tại phiên họp đầu tiên vào ngày 2/5/1886, dưới sự chủ tọa của Paul Bert, Tổng Trú sứ Trung-Bắc Kỳ đầu tiên, Hội đồng Bảo hộ đã quyết định thành lập tại Hà Nội một Ủy ban Thành phố để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng là “làm cho Hà Nội trở thành một thành phố châu Âu”.

Với mục đích trên, người Pháp bắt đầu quy hoạch bằng việc xác định địa giới thành phố Hà Nội. Chính quyền thuộc địa đã phân Thành phố ra làm hai khu vực chính: khu vực dành cho người Âu và người bản xứ. Theo đó, Tòa  thành cũ bị phá, ¾ diện tích bị lấy làm đường phố. Khu phố cổ Việt – Hoa vẫn giữ được bóng dáng cũ nhưng kiến trúc nhà và đường sá phần nào thau đổi. Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm được chỉnh trang trở thành vùng đệm giữa khu phố cổ phía bắc và khu phố mới phía đông nam. Khu phố mới này sau còn được gọi là “khu phố Tây”. Tiếp sau đó một khu phố Tây mới tiếp tục được thành lập ở phía tây bắc thành phố, kéo dài đến tận hồ Tây. Từ năm 1902 trở đi nhiều khu dân cư được mở rộng về hướng nam và hướng tây với sự thành lập các “khu phố mới người bản xứ”, trong đó có nhiều kiểu kiến trúc mới được hình thành.

Đến những năm 1920, người Pháp tập trung vào việc quy hoạch các công trình xây dựng. Điểm đáng chú ý trong giai đoạn này là quy hoạch và xây dựng phát triển theo xu hướng mới. Bên cạnh nhu cầu về sử dụng, người Pháp còn quan tâm nhiều đến thẩm mỹ kiến trúc của mỗi ngôi nhà. Toàn quyền Đông Dương đã sử dụng các kiến trúc sư giỏi từ Pháp và các thuộc địa khác để thiết kế các công trình lớn tại Hà Nội và một số thành phố khác.  Năm 1924, bản quy hoạch đô thị được  thiết lập tạo cơ sở cho việc quản lý đô . Mọi công trình xây dựng phải tuân Thủ đồ án quy hoạch và phải có sự phối hợp để tạo ra những không gian đô thị cân đối với bố cục chặt chẽ, có tính tượng trưng, nhấn mạnh trọng điểm. Nhìn trên bản đồ có thể thấy rõ: ngoài việc chỉnh trang khu “36 phố phường”, Thành phố mở ra những khu xây dựng mới theo “quy hoạch ô bàn cờ”, tạo thành những đại lộ, những ô phố khang trang mà nay ta còn thấy rõ ở những “khu phố Tây”.

Cùng với việc quy hoạch và mở rộng các khu phố mới về các hướng, chính quyền bảo hộ cũng chú ý đến việc chỉnh trang cải tạo đường sá, nhà cửa. Trước đó, đa phần đường sá là đường đất, lầy lội khi trời mưa, bụi bặm khi trời nắng và không có vỉa hè. Từ năm 1883, công sứ Pháp lệnh cho các cảnh sát trưởng bắt tù nhân đi đào rãnh thoát nước, san bằng mặt đường, lát vỉa hè và rải gạch đá dưới lòng đường. Gạch ngói được lấy từ việc phá hủy những ngoi nhà bị quân Cờ Đen đốt cháy dở. Đồng thời, công sứ Bonnal cũng bắt nhà dân phải lùi mái hiên để lại lối đi cho thoáng rộng, dỡ bỏ và cấm làm nhà tranh trong một số tuyến phố chính của Hà Nội vì lo sợ hỏa hoạn (phố Tràng Tiền, Lê Thánh Tông, Nhà chung, Trần Hưng Đạo ngày nay...). Từ tháng 3 năm 1892, thống sứ của chính quyền bảo hộ đã ban hành nghị định về việc xếp hạng nhà ở và xếp loại các đường phố để tính thuế thổ trạch, kiếm nguồn thu để sửa sang đường sá, chỉnh trang đô thị...

Nhìn chung, chính quyền Bảo hộ đã dần làm cho diện mạo đô thị Hà Nội có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Không thể phủ nhận những sáng tạo, tiến bộ, hiện đại trong quy hoạch đô thị của người Pháp. Nhìn nhận một cách khách quan đó là những bài học quý giá về quy hoạch đô thị, không gian công cộng... mà ngày nay chúng ta cần phải khôi phục, tiếp thu và áp dụng để xây dựng một Hà Nội xanh – sạch – đẹp – hiện đại – văn minh.

Minh Hoài

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)