Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 18/12/2019 09:03
Giới thiệu Lời dẫn Nhân vật chí và Bang giao chí trong Lịch triều hiến chương các loại chí của Phan Huy Chú

Bài viết này giới thiệu Lời tựa cuốn Nhân vật chí và Bang giao chí trong Lịch triều hiến chương các loại chí của Phan Huy Chú. Đây là trước tác nổi tiếng của ông đã tạo nên thành tựu nổi bật của Dòng văn Phan Huy. Trong bộ Tuyển tập Dòng văn Phan Huy nhánh Sài Sơn thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II có tuyển chọn tác phẩm Lịch triều hiến chương các loại chí của Phan Huy Chú.

 Dưới đây là nội dung Lời dẫn của hai cuốn này:

Lời dẫn NHÂN VẬT CHÍ:

Nước lấy người làm gốc. Trong đó nhan phẩm có cao thấp không giống nhau. Trên có vua, quan sửa sang chỉnh đốn việc nước, dưới có các sĩ phu; kẻ xuất người xử. Người hiền hay không có khác nhau, thì nước trị hay loạn do đó mà có khác. Cho nên bàn đến việc đời phải phân biệt nhân tài. Kẻ thuật cổ phải tường tỏ việc khảo gương đời trước. Sử ký chép đủ bản kỷ và liệt truyện. Sở dĩ sử của Ban (Cố) có chép chính bậc nhân vật là để tỏ rõ sự tích mà phân biệt người hơn kém khác nhau.

Nước Việt ta phong khí đã mở mang, khí tinh hoa đều hợp lại. Trong khoảng đó, vua hiền sáng kế tiếp nổi lên; danh khanh lương tá thường xuất hiện ra. Các danh tài tuấn kiệt đời đời đều có, hoặc có người được ghi công vào đỉnh vạc, hoặc có người lập công với lưỡi búa cờ mao, có người nổi tiếng ở làng văn, có người tỏ khí tiết trong lúc cùng, đều là những người có tài năng đáng chép, có công nghiệp danh vọng đáng khen mà trên dưới một nghìn năm xuất hiện lũ lượt. Vậy mà ngoài bản kỷ ra, liệt truyện còn thiếu sót, thì người khảo cổ biết theo đâu mà phân biệt được rõ. Tôi thường nghĩ dân sinh ra phải có người coi sóc chăn nuôi, thì vua chúa truyền nối phải xét đến hệ thống. Đời nào nổi lên cũng có người giúp đỡ thì nên ghi chép công lao của các bầy tôi văn võ. Và nữa, các người văn nho tài học và phẩm hạnh nổi tiếng, các trung thần bỏ mình giữ lấy tiết nghĩa trong khi hoạn nạn, đều có quan hệ đến vận mệnh của nước, quan hệ đến luân thường của người.

Nên phải chép cả đầu đuôi thì mới có thể khảo cứu so sánh các nhân vật xưa nay không thiếu sót. Nên tôi mới chọn lọc trong sử cũ ra, tìm kiếm các sách còn lại, theo sự tích, chia từng mục:

-          Dòng chính thống các đế vương

-          Người phò tá có công lao tài đức

-          Tướng có tiếng và tài giỏi

-          Nhà nho có đức nghiệp

-          Bề tôi tiết nghĩa

Gọi chung là Nhân vật chí để giúp cho sự khảo cứu.

Lời dẫn BANG GIAO CHÍ:

Trong việc trị nước, hòa hiếu với nước láng giềng là việc lớn, mà những khi ứng thù lại rất quan hệ, không thể xem thường, cho nên nghĩa tu hiếu chép ở kinh Xuân thu, đạo giao lân chép ở hiền truyện, chính là đem lòng tin thực mà kết giao, người có quyền trị nước phải nên cẩn thận.

Nước Việt ta có cả cõi đất phía nam mà thông thiếu với Trung Hoa, tuy nuôi dân dựng nước có quy mô riêng, nhưng ở trong thì xưng đế, mà đối ngoài thì xưng vương, vẫn chịu phong hiệu, xét lý thế thực phải như thế. Cho nên lễ sách phong, lễ cống sính, việc bang Nước Việt ta có cả cõi đất phía nam mà thông thiếu với Trung Hoa, tuy nuôi dân dựng nước có quy mô riêng, nhưng ở trong thì xưng đế, mà đối ngoài thì xưng vương, vẫn chịu phong hiệu, xét lý thế thực phải như thế. Cho nên lễ sách phong, lễ cống sính, việc bang giao các đời đều xem là quan trọng. Kỳ gian thể lệ có khinh có trọng, có giản có phiền, trước sau hoặc có khác nhau, không thể không biết cho rõ.

Từng xét, đời Đinh, đời Lê được sách phong chỉ gọi là quận vương, đến đời Lý mới phong là An Nam quốc vương. Đời Trần trước thì hạn ba năm một kỳ cống, đến đời Hậu Lê mới định lệ sáu năm cống cả hai kỳ, xem sự thể không giống nhau thấy thế nước mỗi lúc một khác. Bởi vì thanh danh đã rạng tỏ, phong khí ngày một mở mang, văn vật ngày một mới mẻ, nên thượng quốc phải coi trọng, phong cho danh hiệu vẻ vang, [khác nào như] được ngôi bắc thần đoái đến. Còn như khi sứ giả đi lại thì có lễ tiếp đãi, bờ cõi hai nước thì có văn thư biện bạch, đó đều là việc có quan hệ đến quốc thể và lân giao. Nếu không có tài trị nước thì sao thấy được phong hóa của Trung Hoa, cho nên những lễ nghi ứng đáp của các triều, cần nên xem rộng xét kỹ.

Nay tôi tìm khắp điển cũ, chép theo sách tàn, chia ra từng loại, từng điều để ghi đại lược:

Điển sách phong.

Lễ cống sính.

Nghi thức tiếp đãi.

Việc biên cương.

Gọi chung là Bang giao chí để làm tài liệu khảo cứu.

Tìm hiểu nội dung Lời dẫn của hai cuốn này ta càng thấy một trí tuệ lớn của Phan Huy Chú, một đóng góp lớn lao của ông đối với nền văn hóa khoa học nước nhà vào thời kỳ đó.

        Duy Trần

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)