Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 19/12/2019 03:44
Kinh tế Đại Việt thời Mạc - Lê Trung hưng

Quốc gia Đại Việt thời Mạc - Lê Trung hưng đã chứng kiến những chuyển biến quan trọng  trên nhiều lĩnh vực trong đó lình vực kinh tế để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Cùng tìm hiểu vấn đề này trong cuốn sách Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc -Lê Trung Hưng do PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên.

Nét chuyển biến rõ nhất là trong nông nghiệp.  Như một xu thế của lịch sử, từ thế kỷ XV chế độ tư hữu đã phát triển manh mẽ dù có những chính sách và biện pháp của nhà nước phong kiến. Thời kỳ này chế độ quân điền thời Lê sơ đã dần dần mất tác dụng, diện tích ruộng cộng làng xã ngày càng thu hẹp, ruộng tư ngày càng gia tăng. Do đó nền kinh tế nông nghiệp tự túc bị sứt mẻ trước sự gia tăng của hiện tượng tích tụ ruộng đất cà nạn kiêm tính ruộng đất. Năm 1711 nhà nước Lê - Trịnh đã cử Nguyễn Quý Đức soạn thảo kế hoạch thi hành phép quân điền mời nhằm cứu vãn tình thế nhưng đã thất bại.

Ruộng tư ở Đàng Ngoài thời kỳ này có nhiều nguồn gốc khác nhau: ruộng của dân nghèo mang đi cầm cố mua bán, chấp chiếm, ruộng thế nghiệp của con cháu quan lại phong kiến.. Trước tình hình đó, nhà nước đã quy định về việc làm thủ tục, văn tự về ruộng đất, đánh thuế ruộng đất. Biện pháp này chính là sự mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của ruộng đất tư. Sự phát triển của ruộng đất tư làm cho sự chuyển biến về nông nghiệp, nông dân và nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ và ven kinh thành Thăng Long ngày càng rõ nét.

Sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng. Do đó, trong các làng xã nông thôn bắt đầu có sự chuyển dịch từ làm nông nghiệp sang sản xuất thủ công nghiệp, làng nghề. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi thì các làng nghề vùng Đồng bằng Bắc Bộ đã xuất hiện nhiều làng nghề nhưng đến thế kỷ XVI - XVII số lượng làng nghề đó đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, tập hợp thành nhiều cụm làng nghề ven kinh thành Thăng Long như ở Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây... Các cụm làng nghề đó như dệt lụa La Khê, La Cả, Là Nội (Sơn Nam); dệt gấm Phùng Xá (Sơn Tây), làng nghề sản xuất gốm ở Thổ Hà, Hương Canh, Phù Lãng (Kinh Bắc); đúc đồng Đại Bái (Kinh Bắc), Đào Xá (Hải Dương), nghề thêu Quất Động, sơn Hà Vĩ... Có thể thấy sự phát triển của sản xuất thủ công nghiệp thúc đẩy sự phát triển của sản xuất hàng hóa, trao đổi mua bán giữa các làng nghề, địa phương và vùng miền. Từ đây hệ thống chợ được hình thành và liên kết với nhau trong trao đổi hàng hóa. Các hàng hóa được buôn bán ở chợ rất phong phú và đa dạng, bao gồm lương thực, thực phẩm, hàng thủ công nghiệp, có cả những đặc sản của các vùng quê, làng nghề... Mạng lưới chợ có thể coi là một hệ thống vi thị trường của nền kinh tế hàng hóa nông thôn, một cơ chế tích tiêu hàng hóa linh hoạt của kinh tế làng xã. Bên cạnh mạng lưới chợ cũng bắt đầu xuất hiện những tuyến buôn  bán đường dài  liên vùng miền, chủ yếu bằng đường sông và đường biển.

Sự chuyển biến và phát triển của nông - công - thương nghiệp nông thôn tạo tiền đề cho sự hưng khởi của mạng lưới đô thị. Thăng Long - Kẻ Chợ đã chuyển từ đô thành sang đô thị . Cùng với Thăng Long - Kẻ Chợ, Phố Hiến cũng trở thành một đô thị lớn, một trạm giao thương tấp nập với các tàu buôn từ các tỉnh khác đến. Trong khi đó ở Đàng Trong, thương cảng Hội An cũng trở thành một trung tâm giao thương lớn của nhiều tàu thuyền buôn từ nước ngoài đến. Sự phát triển của hoạt động giao thương của Đàng Trong chứng tỏ chính sách ngoại thương thông thoáng, cởi mở hơn của chính quyền Đàng Trong.

Tóm lại, dưới những hình thức khác nhau, trong những thế kỷ XVI-XVII-XVIII và trên phạm vi toàn quốc, một nền kinh tế  hàng hóa - tiền tệ thị trường đã phát triển khá mạnh mẽ, dẫn đến một trào lưu hưng khởi đô thị.Nó mang yếu tố vượt ngoài khuôn  khổ của nền kinh tế phong kiến cổ điển dựa trên cơ sở công hữu ruộng đất và kinh tế làng xã tiểu nông.  Thăng Long – Kẻ Chợ đã trở thành một đô thị theo đúng nghĩa của nó với sự phát triển đồng bộ của các thành phần “thành” Thăng  Long và “thị” Kẻ Chợ, giữa thủ công nghiệp và thương nghiệp, giữa yếu tố nhà nước và dân gian. Cấu trúc kinh tế của Thăng Long – Kẻ Chợ do đó là một phức hợp bao gồm những xưởng thủ công nộ thị ven đô và mạng lưới chợ và hệ thống cảng, sông như sông Hồng, sông Đuống, sông Luộc... Chính vì thế Thăng Long  - Kẻ Chợ đã trở thành trung tâm kinh tế, giao thương giữa vùng lân cận và các vùng miền trong cả nước.Thăng Long-  Kẻ Chợ đã vượt lên thành một đô thi trung đại lớn nhất đất nước, một trung tâm kinh tế vùng quan trọng và bước đầu trở thành một thương cảng mang tính quốc tế và là trung tâm thương mại quan trọng bậc nhất của vương quốc Đàng Ngoài. Chính sách tương đối cởi mở của triều đình Lê – Trịnh cho phép người ngoại quốc được phép lập thương điếm lưu trú và kinh doanh, tạo điều kiện để quá trình giao lưu văn hoá, kỹ thuật, tôn giáo… được diễn ra một cách chủ động hơn.

Anh Tuấn

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)