Thơ kỷ sự - Một trong những thành tựu của Phan gia
Phan Huy Ích là người mở đầu đi theo hướng làm thơ kỷ sự. Trên đường đi sứ, các tác giả Huy Thực, Huy Chú, Huy Vịnh, đều chú trọng quan sát và hững thú ghi lại những điều tai nghe mắt thấy, những tìm tòi khám phá ở tất cả những nơi sứ đoàn đi qua, nghỉ lại. Tinh sà kỷ hành chú trọng ghi chép tỉ mỉ các cuộc tiếp tân, đón đưa và những ứng xử chính trị của nhà Thanh, tâm trạng hồ hởi của sứ đoàn trước những sự kiện, sự tích gắn liền với từng miền đất. Trong các tập Hoa trình ngâm vịnh, Hoa thiều tục ngâm, Hoa thiều ngâm lục và Nhân trình tùy bút có rất nhiều ghi chép có thể coi là những khảo cứu khoa học. Bức bích họa “Binh mã Hoàng Sào” trên núi Hoa Sơn ở vị trí như thế nào, trong bích họa có những hình tượng gì, người ta đã truyền ngoa ra sao và những điều đó đem đến những cảm giác gì cho sứ giả… Cũng vậy Động Đình, Ly Giang, Quế Giang, Ghềnh Ngũ Hiểm, Linh Cừ, Lầu Hoàng Hạc, Lầu Nhạc Dương… cùng với nó là những câu chuyện, kể cả những số phận nhân vậtđều được ghi chép thành lời dẫn kỹ càng, nhiều đoạn có chú trọng đến tính chất văn chương. Đặc biệt đã có đến 40 bài ghi rõ những nơi nào là địa vực cũ của nước Việt Nam cổ, Ngô Châu, Khâm Châu…, đến cả khi vào thăm đền thờ Mã Viện, tác gỉa lại cũng nghĩ đến Hai Bà Trưng. Quả thật họ đúng là những chính khách đi sứ, ai cũng tâm niệm không làm nhục mệnh vua, luôn ý thức về dân tộc, đất nước, nhưng với các nhà thơ Phan Huy thì ý nghĩ ấy được ngược lên rất xa, đến tận thời “nước Việt cổ”, đến Nam Việt Vương, Triệu Đà. Hệ thống trong các tập thơ đi sứ tuân thủ rất sát thời gian và không gian hành trình. Không những vậy, với đặc trưng này, ngày nay, nếu theo bản đồ hành trình đi sứ của các sứ giả Phan gia, kết hợp với những ghi chép trong Lịch triều hiến chương loại chí chúng ta có thể hình dung lại lãnh thổ nước Việt qua các thời kỳ lịch sử. Tiếp thu tính chất thơ kỷ sự từ Ngô Thì Sĩ nhưng chính thơ đi sứ của Phan gia đã hoàn chỉnh một loại kiểu mới trong thơ chữ Hán của Dòng họ: Thơ kỷ sự.
Duy Trần