Nhà xuất bản Hà Nội nhận giải Ba tại Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII
Tham dự Lễ trao giải có đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan báo chí, xuất bản, đại diện một số cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam.
Tham dự Lễ trao giải, bà Phạm Thùy Dương - Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội đại diện Nhà xuất bản Hà Nội vinh dự được trao giải Ba đối với ấn phẩm: “Văn hiến Thăng Long - Bằng chứng khảo cổ học”.

Cuốn “Văn hiến Thăng Long - Bằng chứng khảo cổ học (Thăng Long civilazation - Archaeological evidence)” -
cuốn sách đạt giải Ba - giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại.

Bà Phạm Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội lên nhận giải Ba
cho cuốn "Văn hiến Thăng Long - Bằng chứng khảo cổ học".

Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội cùng giải thưởng tại Lễ trao giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại.

Các đơn vị nhận giải Ba chụp ảnh lưu niệm tại lễ trao giải.
“Văn hiến Thăng Long - Bằng chứng khảo cổ học (Thăng Long civilazation - Archaeological evidence)” là cuốn sách PGS.TS. Tống Trung Tín và các cộng sự biên soạn, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản nhân dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Thông qua các di tích, di vật khảo cổ học tiêu biểu đã được khảo cổ học Việt Nam phát hiện và nghiên cứu trong nhiều năm qua, cuốn sách mong muốn giúp bạn đọc trong và ngoài nước có hình dung tổng thể về nền văn hiến Thăng Long - Hà Nội từ cội nguồn đến ngày nay.
Cách đây hơn 1000 năm, đức Hoàng đế Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long (Hà Nội), mở ra một trang sử mới cho Thăng Long và đất nước và cũng đồng thời xác lập nên một nền văn hiến mang tên Văn hiến Thăng Long. Nói đến Văn hiến Thăng Long tức là nói đến nền văn hiến từ khi Kinh đô được vương triều Lý thành lập năm 1010, xuyên suốt qua giai đoạn lịch sử đến ngày nay, không ngừng được bồi đắp, hội tụ, kết tinh thành những giá trị vật chất và tinh thần đặc sắc, tiêu biểu cho đất và người Thăng Long - Hà Nội, cũng đồng thời đại diện cho dân tộc Việt Nam.
Trải qua những biến đổi, thăng trầm của thời cuộc, dấu tích di sản văn hiến Thăng Long - Hà Nội được lưu giữ lại không còn trọn vẹn. Nguồn tư liệu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội gồm tư liệu chữ viết, tư liệu vật thể và phi vật thể bị mai một đáng kể, nhất là tư liệu về các thời kỳ lịch sử xa xưa. Vì vậy, để hiểu về lịch sử, văn hiến Thăng Long - Hà Nội phải có cách tiếp cận liên ngành, đa ngành, mà một trong số đó là hướng tiếp cận khảo cổ học, khai thác từ những “nguồn tư liệu” được lưu giữ, bảo tồn trong lòng đất. “Văn hiến Thăng Long - Bằng chứng khảo cổ học (Thăng Long civilazation - Archaeological evidence)” là cuốn sách nghiên cứu về văn hiến Thăng Long - Hà Nội từ chính cách tiếp cận khảo cổ học này.
Cuốn sách có dung lượng 572 trang khổ 27x30cm, được thiết kế trình bày trang trọng, hiện đại. Kết cấu sách gồm 12 chương trình bày về văn hiến Thăng Long chia theo các giai đoạn lịch sử: từ 179 TCN - 905 SCN; thời kỳ Tiền Thăng Long (905 - 1009); thời Lý (1010 - 1225); thời Trần (1226 - 1400); thời Lê sơ (1428 - 1527); thời Mạc (1527 - 1592); thời Lê Trung Hưng (1592 - 1788); thời Tây Sơn (1788 - 1802); thời Nguyễn (1802 - 1945). Mỗi giai đoạn có kết cấu hai phần: bài giới thiệu tổng quát và phần hình ảnh di tích, di vật khảo cổ học tương ứng của giai đoạn lịch sử đó. Hệ thống các di tích, di vật này là kết quả của quá trình nghiên cứu, tìm tòi bền bỉ của giới khảo cổ học Việt Nam trong ngót nửa thế kỷ qua, là những di sản đặc biệt có giá trị. Toàn bộ hình ảnh di tích, di vật được in màu sắc nét, nhằm chuyển tải, phản ánh một cách chân thực và sinh động những dấu ấn lịch sử, văn hóa, văn hiến của Thăng Long - Hà Nội bằng những “thông điệp từ trong lòng đất”.
Không chỉ là đóng góp có giá trị về mặt nghiên cứu, với cuốn sách này, tập thể tác giả biên soạn, Nhà xuất bản Hà Nội mong muốn lan tỏa đến độc giả tình yêu với di sản văn hóa Hà Nội nói riêng, đất nước nói chung, từ đó thêm trân quý, chung sức chung lòng để bảo vệ và phát huy giá trị những di tích và di vật ngàn xưa của ông cha để lại.
Hoàng Linh