Tổ chức lễ hội Xuân Ất Mùi 2015: Nâng tầm trách nhiệm quản lý
Trước mùa hội mới, vấn đề đặt ra là nâng tầm năng lực quản lý, tổ chức lễ hội, bảo đảm cho mùa lễ - hội Xuân Ất Mùi 2015 diễn ra an toàn, văn minh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh của nhân dân và du khách.
 |
Lễ hội Xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Nhật Nam |
Những hạn chế cần phải khắc phục
Trước mùa lễ hội năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo giới thiệu công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Ất Mùi 2015. Trong buổi họp ấy, diễn ra vào ngày 13-2, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giới thiệu nội dung một loạt văn bản mang tính chỉ đạo công tác tổ chức, quản lý lễ hội của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội. Tinh thần cơ bản là tăng cường công tác quản lý, nâng cao năng lực tổ chức lễ hội nhằm giữ gìn nét đẹp truyền thống, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, lọai trừ hủ tục và xu hướng thương mại hóa. Sự quan tâm, yêu cầu, giải pháp ở tầm vĩ mô đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội là rõ ràng, như bao năm qua đã vậy.
Nhìn lại công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong năm 2014, thấy rõ sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và ngành văn hóa là vô cùng cần thiết, vừa mở ra định hướng đúng đắn đối với việc tổ chức hoạt động này, vừa khơi gợi giải pháp tổng thể mà theo đó, điều quan trọng là phát huy tinh thần trách nhiệm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và trách nhiệm công dân trong việc quản lý, tổ chức, tham gia lễ hội. Nói vậy là bởi, theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngoài kết quả đáng khích lệ như phát huy vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo các giá trị văn hóa của nhân dân, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, mùa lễ hội xuân Giáp Ngọ 2014 vẫn bộc lộ hạn chế nhất định. Có bốn điểm yếu cơ bản: Cơ sở dịch vụ chưa đáp ứng được so với nhu cầu, dẫn đến tình trạng quá tải ở hầu hết các điểm di tích, danh thắng, nơi tổ chức lễ hội; việc đốt vàng mã, đặt tiền lễ không đúng quy định diễn ra phổ biến, vệ sinh môi trường có sự hạn chế, ảnh hưởng xấu tới cảnh quan nơi thờ tự; hiện tượng thương mại hóa lễ hội vẫn còn; việc cung tiến và tiếp nhận đồ thờ tự không đúng quy định vẫn diễn ra ở một số di tích.
Với những điểm hạn chế nói trên, về cơ bản có thể nhận định rằng, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2014 chưa tạo được bước chuyển căn bản, cần thiết. Những điểm hạn chế mà cơ quan quản lý văn hóa nêu ra, đa số thuộc hàng tối quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tổ chức lễ hội an toàn, văn minh, rõ tính giáo dục truyền thống. Sự hạn chế mang tính cơ bản đó đã được nêu trong Chỉ thị số 41-CT-TƯ ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư: "Việc tổ chức lễ hội còn thiếu sáng tạo và hấp dẫn, gây quá tải… Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội có nhiều bất cập. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội chưa tốt. Tình trạng đốt nhiều vàng mã, đặt tiền lễ không đúng quy định còn phổ biến; vệ sinh môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng không tốt tới mỹ quan nơi thờ tự, xâm hại di tích, công trình tín ngưỡng. Việc tổ chức lễ hội có biểu hiện phô trương với nhiều nghi thức rườm rà, tốn kém; có xu hướng thương mại hóa và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế. Việc mời khách và một số lãnh đạo, quản lý tham dự lễ hội chưa thực hiện tốt theo các quy định đã ban hành".
 |
Khách thập phương dâng hương tại đền Sóc ngày đầu xuân. Ảnh: Bảo Lâm |
Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm
Triển khai từ trên, định hướng tổ chức và quản lý lễ hội Xuân Ất Mùi 2015 được các cấp ngành, địa phương quán triệt. Nơi này ra thông báo, nơi kia tuyên truyền mục đích ý nghĩa tổ chức lễ hội, những việc đã làm. Ở Hà Nội, huyện Mỹ Đức ra quy họach quán xá phục vụ Lễ hội Chùa Hương 2015, mở lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở dịch vụ; đền Sóc chăm sóc cảnh quan, bố cáo ý nghĩa xuân hội đầu tiên kể từ ngày được vinh danh Di tích quốc gia đặc biệt. Nhìn ra tỉnh, thành phố khác, Lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) có thêm nhiều điểm phát lộc, BQL tuyên bố thời gian phát ấn sớm hơn thường lệ, từ 6h ngày rằm tháng Giêng. Hội Lim (Bắc Ninh) tiếp tục ra lời "tuyên chiến" với "quan họ đài". Huyện Vụ Bản (Nam Đinh) ban hành "Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy"… Ngay từ đầu Xuân Ất Mùi, ngành văn hóa các địa phương chia nhau kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Ngành Y tế Hà Nội kiểm tra công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm tại khu vực chùa Hương. Với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phương án kiểm tra, giám sát việc tổ chức các lễ hội lớn đã được thông qua, ra quân từ mùng 7 tháng Giêng và ứng trực thường xuyên trong những ngày Tết Ất Mùi… Về cơ bản, như nhiều năm trước, các ngành, địa phương có tổ chức lễ hội quan trọng đã "đi trước một bước", kế hoạch đủ đầy, tất cả hướng đến một mùa hội xuân yên ả.
Cho đến ngày mùng Ba Tết Ất Mùi 2015, tại Hà Nội, thông tin cho thấy việc đón xuân mới, đặc biệt là trong những giờ khắc trước và sau Giao thừa, diễn ra suôn sẻ. Chùa chiền hương khói vừa phải, màn pháo hoa ở Mỹ Đình kết thúc êm ả trong dòng người - xe nêm kín quảng trường nhưng được lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng đâu vào đấy. "Phố ông đồ" Văn Miếu đông khách từ sớm nhưng chưa có cảnh ùn tắc, tranh giành… Tuy nhiên, như thường thấy, công tác quản lý và tổ chức hội xuân không đơn giản trong những ngày sắp tới, khi mà hàng vạn người cùng lúc đổ về chùa Hương, Cổ Loa, đền Sóc, chùa Bái Đính, đồi Lim… Câu hỏi đặt ra là cần làm gì để những lễ hội lớn diễn ra an toàn, văn minh, làm gì để những kế hoạch đã được sọan ra tỏ rõ hiệu quả trong thực tế?
Trước Tết Ất Mùi, trả lời báo giới, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nói rằng: "Hiện nay, chế tài quản lý, tổ chức lễ hội đã tương đối đầy đủ nên chúng ta có cơ sở để đánh giá một cách khách quan là đia phương nào làm tốt, địa phương nào làm chưa tốt. Tinh thần chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Chính phủ có đi vào đời sống hay không phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm của chính quyền địa phương có tổ chức lễ hội". Đó là nhận định đúng, cho thấy giải pháp tăng cường trách nhiệm quản lý, tổ chức lễ hội tại địa phương cũng như ý thức tham gia lễ hội của nhân dân và du khách mang tính quan trọng hàng đầu. Muốn tăng cường trách nhiệm thì cần phân nhiệm cụ thể cho chính quyền địa phương, cấp nào tổ chức lễ hội thì chịu trách nhiệm khi việc diễn ra ngoài tầm kiểm soát, không thể đùn đẩy cho ai. Nói vậy là bởi trước đây, thường thấy các bên liên quan "vẽ" đủ lý do để bao biện cho sự lộn xộn. Nào là hội thì phải đông, nhiều người thì quản lý không xuể, ắt xảy chuyện. Đã là hội thì phải vui, không ầm ào loa đài, quán xá thì ai thèm đến nữa. Nào là kinh phí tổ chức không đủ, tạo kẽ hở cho những kẻ buôn thần bán thánh trục lợi…
Nhìn vào bản chất lễ hội và thực tế diễn ra trong thời gian qua, thấy rõ nguyên nhân cơ bản của sự lộn xộn không ngoài hai điểm: Một, là trách nhiệm, năng lực quản lý, tổ chức lễ hội còn hạn chế. Hai, là hiểu biết và ý thức trách nhiệm khi tham gia lễ hội của nhiều du khách còn kém. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề thì ngoài phân nhiệm cho các cấp liên quan, xử lý hành vi vi phạm một cách kiên quyết, cần "cải cách" công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Tăng cường tuyên truyền không có nghĩa thường xuyên yêu cầu người hành lễ phải thế này, phải thế kia, mà cần tăng cường thông tin nhằm giúp họ hiểu đúng về lễ hội, về di tích, điểm thờ tự, thế nào là ứng xử văn minh. Chưa làm tốt việc này nên mới có chuyện dân buôn ùn ùn đổ về "xin xỏ" Bà Chúa Kho vốn được vua giao cai quản quân lương, không dễ gì đem của công ra cho vay mượn. Hay với lễ khai ấn đền Trần cũng vậy, điều gì xảy ra nếu người người biết rõ lễ này vốn là phong tục tao nhã, ấn chỉ được khai, không phải của cho và chẳng liên quan gì đến sự mua quan bán tước?
(Theo Đức Huy/ Hanoimoi.com.vn)