Ông Tây chụp ảnh thời bao cấp
Những bức ảnh này được trưng bày tại Triển lãm Việt Nam những năm 80, diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội), khai mạc vào hôm nay (8.4).
Khám phá Hà Nội trên chiếc xe đạp Michel Blanchard (sinh năm 1949) trở thành tùy viên báo chí của Đại sứ quán Pháp tại Lào khi mới ngoài 20 tuổi. “Khi đến VN làm việc, tôi mới 31 tuổi, còn rất trẻ. Và điều đó có điểm tích cực là đã giúp người phóng viên như tôi có cái nhìn mới, không định kiến. Những việc tôi làm là kể sự thật về đất nước này”, Michel Blanchard nói. Cựu phóng viên AFP nhớ lần ông được diện kiến và đàm đạo cùng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người từng là tù binh trong thời kỳ Pháp chiếm đóng VN. “Mặc dù đã có những câu chuyện đau lòng xảy ra nhưng Thủ tướng vẫn yêu ngôn ngữ, con người, đất nước Pháp. Điều đó khiến tôi hiểu rằng những điều tốt đẹp cần được giữ lại và ghi nhớ”, Michel Blanchard chia sẻ.
Nhiệm vụ của phóng viên AFP như Michel Blanchard trong khoảng thời gian đó là phản ánh các vấn đề thời sự trong nước để những người sinh sống tại nước ngoài biết được những gì đang diễn ra tại VN. Bên cạnh đó là những bài báo cho thấy toàn cảnh đất nước, văn hóa, lối sống, con người.
Cùng với chiếc máy ảnh, Michel Blanchard đã đi dọc đất nước từ bắc vào nam trong thời kỳ trước khi VN mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Ông cũng giữ thói quen dạo chơi bằng xe đạp khắp những con phố để chụp ảnh phố phường Hà Nội. Những bức ảnh của ông đưa người xem trở lại VN những năm 1980, giai đoạn chuẩn bị cho sự chuyển đổi quan trọng của đất nước - thời kỳ mở cửa.
Đi tìm và tôn trọng sự thật
Ở thời điểm đó, Michel Blanchard là phóng viên thường trú nước ngoài duy nhất không thuộc cơ quan báo chí đến từ các nước XHCN và các cơ quan Đảng cộng sản tại VN trong những năm đầu thập niên 1980. Với Michel Blanchard, đó vừa là lợi thế vừa là khó khăn.
“Những người ở bên ngoài rất quan tâm đến những thông tin về VN mà không có nguồn tin đáng tin cậy. Những thông tin được chúng tôi đưa ra là độc quyền. Nhưng cũng vì chỉ một mình nên tôi không dễ dàng trong việc xây dựng lòng tin. Những nguồn tin của phóng viên các tòa báo có trụ sở tại Hồng Kông hay Bangkok (Thái Lan) đưa ra trái chiều. Trong khi hầu hết mọi người lại đều tin vào số đông”, ông nhớ lại.
Michel Blanchard kể có thời gian, xuất hiện những bài báo viết về việc Cơ quan tình báo trung ương CIA (Mỹ) tố cáo nhiều người lao động tại VN bị cưỡng ép sang Đông Âu. “Tôi không tin vào những thông tin này và tiến hành điều tra”, cựu phóng viên AFP nói. “Họ sang đó mua hàng hóa về bán, giúp cho gia đình kiếm được nhiều tiền, có cuộc sống sung túc. Đó là việc khá phổ biến vào thời kỳ ấy”, Michel Blanchard cho hay. Trong giai đoạn đó, bên cạnh những đoàn người vượt biên trái phép, cũng có cả những đoàn người được phép sang Mỹ, Canada, Thụy Điển. “Họ là những người có người thân thuộc chế độ cũ, hay người Việt gốc Hoa... Tôi đã cùng với họ đi từ TP.HCM sang Bangkok để điều tra”.
“Ở mỗi thời kỳ, công việc làm báo đều có những ràng buộc khác nhau. Nhưng quan trọng, nhiệm vụ của người làm báo là đi tìm và tôn trọng sự thật”, Michel Blanchard nói.
"Tôi đã quay lại khu phố Phùng Khắc Khoan, nơi trước đây tôi đã sống và làm việc. Con phố giờ đã là nơi buôn bán vải, tấp nập người qua lại. Tôi đã suýt không nhận ra ngôi nhà mà mình ở trước đây vì phía trước nó đã là tòa nhà cao tầng. Tôi trân trọng giai đoạn những năm 1980, thời kỳ lịch sử ý nghĩa với VN. Nhưng cuộc sống của người VN ngày hôm nay đã tiện nghi hơn, dễ chịu hơn, không còn gặp khó khăn mua lương thực thực phẩm, hàng hóa... nữa. VN đang phát triển. Cũng như nhiều quốc gia khác, phát triển luôn đi kèm với những bất cập. Tôi mong muốn những bất cập đó không làm hủy hoại đi vẻ đẹp của Hà Nội, của VN", Michel Blanchard nói.
|
Ngọc An
(theo thanhnien.vn)