Con chữ còn lại trên bàn tay
Ngay thời trong giảng đường đại học, anh cũng như các bạn cùng lớp ôm ấp hoài bão sáng tác, phê bình văn học. Tờ báo làm việc là mảnh đất quá tốt để phát triển. Nhưng từ khi được cử làm phóng viên thường trú ở Thái Nguyên, cuộc đời Luật lại theo ngã rẽ bất ngờ. Anh yêu người con gái đồng nghiệp. Người con gái ấy là con gái của nhà thơ Thôi Hữu, một nhà thơ cách mạng mà anh rất kính phục ngay từ thuở ngồi trên ghế nhà trường.
Những bài thơ của Thôi Hữu mà anh thuộc đã khơi gợi lòng yêu nước và chất lý tưởng cho anh. Những câu thơ trong bài "Lên Cấm Sơn" ám ảnh "Tiếng hát lừng vang trong gió núi/ Ngày vàng ngân giọng trẻ ê a/ Ở đây bản vắng rừng u tối/ Bộ đội mang theo ánh chói lòa/ Ở đây những mặt buồn như đất/ Bộ đội cười lên tươi như hoa".
Những câu thơ ngất ngây, lạc quan của chàng thi sỹ vệ quốc, lay thức và mê hoặc anh. Chả rõ anh yêu người con gái có phần đắm say hơn vì những câu thơ của người cha thi sỹ tài hoa đó chăng? Tôi không nỡ hỏi rõ ngọn nguồn vì sao anh bị kỷ luật. Chỉ biết ngày đó, tình yêu không theo lề lối bình thường, dễ bị quy kết đạo đức. Chỉ biết, vì tình yêu, đời anh bị xiêu liêu.
Không còn được làm báo, anh phải trở về quê Thái Bình. Rồi khăn gói lên Hòa Bình. Xin làm công nhân công trường thủy điện không được; anh lên Nhà máy Giấy Bãi Bằng (Vĩnh Phúc) làm nhân viên hợp đồng cổ động tuyên truyền. Năm năm xa Hà Nội, rồi anh xin về làm thợ sửa mo-rát cho Nhà xuất bản Văn Hóa, để được gần người anh yêu thương. Người anh yêu thương đã cùng anh vượt qua bao đàm tiếu, trắc trở, để đến với nhau, thành vợ chồng.
Giám đốc nhà xuất bản năm đó là nhà thơ Quang Huy, sớm nhìn ra năng lực bên trong người thợ sửa mo-rát mẫn cán. Dần dà, Phạm Ngọc Luật được Giám đốc cất nhắc làm biên tập viên. Với kinh nghiệm từng làm biên tập báo, với sự học hỏi anh em trong nhà xuất bản, Phạm Ngọc Luật sớm trở thành cán bộ biên tập xuất sắc. Rồi dần được cất nhắc làm Phó phòng Biên tập, làm Phó Giám đốc Nhà xuất bản, sau hơn chục năm trời lênh đênh. Anh dần được trở về chính con người mình. Tuy ít gặp nhau, nhưng tôi vẫn thầm nể anh, vì anh dám sống theo ý tưởng của chính mình.
Dám sống theo ý tưởng của mình, cho dù chính đáng, thì bao giờ cũng phải trả giá. Ngày tôi còn làm việc bên ngành xây dựng, lại cùng đơn vị với chị gái của Phạm Ngọc Luật; biết tôi cùng máu mê viết lách, chị gái của Luật có đôi lần kể chuyện về Luật. Đấy là thời Luật gặp nhiều khó khăn. Chị gái và tôi có phần ái ngại cho Luật. Nhưng tôi tin vào bản lĩnh của Luật.
Tôi còn nhớ ngày Luật và Phạm Đình Ân mới về làm việc ở Báo Nhân Dân, có về thăm quê Từ Sơn của tôi. Ngày ấy, chúng tôi chỉ biết nhau qua một vài bài thơ in báo, quý nhau mà tìm đến nhau và thân nhau ngay. Đêm ấy, ở ngôi nhà cổ quê tôi, chúng tôi háo hức đọc cho nhau nghe những vần thơ mới viết. Những vần thơ còn ngây dại mà đã mang cốt cách mỗi người. Phạm Ngọc Luật khi ấy có một số bài phê bình văn học in rải rác trên Báo Nhân Dân, Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội với bút danh Thái Kiến Nam. Anh giải thích, lấy chữ đầu của tỉnh, huyện, xã ghép thành tên bút danh. Sau này không hiểu vì lý do gì không thấy anh lấy lại cái bút danh ấy?!
Buổi sớm mưa xuân mờ mịt đầu năm, Phạm Ngọc Luật đến thăm và tặng tôi tập sách mới xuất bản. Cuốn cảm luận văn chương "Con chữ giữa lòng tay" dày hơn 300 trang. Tôi hỏi, làm xuất bản, phụ trách xuất bản, từng ký duyệt hàng ngàn cuốn sách cho các tác giả, sao mãi giờ mới in cho mình? Anh không trả lời, cười khiêm nhường. Tôi đọc một mạch cuốn sách. Ngay trang đầu, anh viết "Văn chương chữ nghĩa tôi luôn coi là lĩnh vực sang trọng hàng đầu trong những thú chơi nghệ thuật. Nó là cái gốc. Nó thầm lặng nhất. Nó một mình nhất".
Tập sách là cả nỗi niềm đau đáu của anh với những người thân, với những áng văn chương mà anh tâm đắc. Anh có đề cập một số vấn đề về văn hóa, văn nghệ mà anh quan tâm. Tất cả được diễn giải chân tình, nhẹ nhàng, không khoa trương. Tôi rất cảm tình khi đọc chân dung các nhà văn tiền bối, nơi anh từng làm việc, mà tôi có quen biết. Đấy là nhà văn Nguyễn Địch Dũng chuyên viết về nông thôn, từng phụ trách Ban Văn nghệ của Báo Nhân Dân. Phạm Ngọc Luật viết: "Tôi biết ông đã hơn một lần từ chối cái quyền và lợi để giữ trọn tính bản thiện của mình, bởi với ông không có cái khó chịu nào hơn là bị người ta lôi kéo vào cuộc đấu tranh phe này phe nọ... Ông chỉ thích được điềm đạm sống với đúng mình. Và rồi là viết".
Viết về nhà thơ Thợ Rèn, anh dành những tình cảm trân trọng: "Tôi muốn gọi là cái nét văn chương, cái nét chỉ có ở một tầm kiến văn trong ngòi bút Thợ Rèn. Tôi thật sự quý trọng cái nét này và luôn coi đó như là dấu vân tay khác lạ, thật có duyên ông đã mang đến cho làng thơ trào phúng". Với nhà thơ Gia Ninh, điều anh tôn kính là Đạo cốt tiên và tự thú: "Những năm tháng làm ở Ban Văn nghệ Báo Nhân Dân với ông, quả thực tôi chưa biết ông đã có thâm niên làm thơ từ những năm có Phong trào Thơ mới".
Với chi tiết "Cứ lặng lẽ đi về với mấy chục mét vuông nhà, năm, sáu con người ở suốt mấy chục năm… không đủ diện tích và không gian để nuôi chó, mèo, chim cảnh, tôi thấy nhà ông ở nơi cũ ấy nhiều năm chỉ nuôi một con rùa rất bé dưới gầm giường".
Tôi là người mang ơn nhà thơ Gia Ninh. Bài thơ đầu tiên tôi được in là trên Báo Nhân Dân. Ông Gia Ninh không nói, nhưng tôi biết, ông là người biên tập và chọn in thơ cho tôi. Đấy là tờ Nhân Dân ngày 20-9-1970, trang thơ có 2 bài, bài trên là "Thế hệ tôi" của Vũ Quần Phương và bài dưới là "Nguồn sáng từ đây" của tôi. Ngày đó, được đăng thơ trên báo Đảng là vinh dự lắm. Tờ báo đã ố vàng tôi còn giữ được là do em gái tôi cất giữ, trước khi chết, em trao lại cho tôi.
Tôi có biết căn buồng nhỏ của nhà thơ Gia Ninh ở phố 325. Con rùa nhỏ bé như "miếng vỏ cây khô rơi ra" mà Phạm Ngọc Luật nhắc, tôi có biết. Tôi ân hận ngày ông mất, tôi đi vắng không về tiễn đưa được. Tôi cũng bùi ngùi, chả biết con rùa bé nhỏ và âm thầm gắn bó với ông bao năm, nay về cõi nào? Nhà thơ Gia Ninh mất đã mười hai năm. Nhà văn Nguyễn Địch Dũng ra đi đã hai mươi ba năm. Nhà thơ Thợ Rèn ra đi đã bảy năm.
Tôi vẫn nhớ bữa tới thăm ông và được ông đọc cho nghe bài thơ về sự đổi thay đáng lo ngại ở các làng quê "Cả làng thành một cục bê tông". Một người lịch lãm và uyên thâm như ông, phải kêu lên trước sự băng hoại văn hóa của xã hội. Nhà văn Nguyễn Địch Dũng là người quê tôi, truyện "Trai làng Quyền" ông viết, tôi được đọc từ khi học phổ thông cùng con gái của ông.
Viết về nhà thơ Thôi Hữu, anh dành những tình cảm đặc biệt. Có lẽ cái đặc biệt nhất với Phạm Ngọc Luật là dám yêu, dám chịu hệ lụy và dám trả giá cho tình yêu, để anh đến được hạnh phúc của mình, được làm con rể của nhà thơ Thôi Hữu. Anh đã phác họa chân dung nhà thơ cách mạng rất đẹp: "Mỗi lần Thôi Hữu ở mặt trận về, mọi người lại học được cái say sưa, cái lo lắng của anh. Say sưa sự sống và chiến đấu. Lo lắng làm thế nào để góp phần đưa văn nghệ lên cho xứng đáng với cuộc kháng chiến của nhân dân".
Anh khẳng định: "Thôi Hữu thực sự là chiến sĩ cầm bút". Anh ghi lại ký ức của người con gái nhà thơ: "Trong cái túi dết mà bố tôi luôn đeo bên mình có rất nhiều tài liệu chép tay. Tôi thấy bà tôi cất vào trong bồ đựng thóc những quyển vở nhỏ bằng bàn tay, giấy ố vàng và chi chít chữ. Lúc đó tôi còn quá nhỏ, chẳng có ý thức gì về những trang viết bố để lại. Đó là những trang nhật ký mà bố tôi đã cặm cụi tích lũy trong liên miên các nẻo đường công tác và chiến dịch".
Có phải vì sớm vướng những hệ lụy bởi tình yêu, nên Phạm Ngọc Luật không muốn lấy văn chương làm sự nghiệp của mình chăng? Nhưng văn chương là một phần không thể thiếu trong tâm hồn anh. Con người đã đi qua nhiều thăng trầm, đi gần tới chặng cuối con đường, thì mọi thành-bại, được-mất cũng không quá quan trọng.
Cái khó nhất, quan trọng nhất là được sống đúng mình, thật mình. Anh trân trọng viết về những người dám sống chết với chữ nghĩa "Tôi vẫn đầy cảm phục những người đam mê văn chương chữ nghĩa, sang trọng đấy nhưng vất vả vô chừng" và viết về lẽ đời "Cái đáng bị lọt đi cũng qua kẽ bàn tay và cái còn lại cũng trong lòng bàn tay mình cả". Vậy thì cái may mắn hay trắc trở, cũng chỉ là yếu tố nhỏ trên đường đi, phải không anh?
Vũ Từ Trang
(theo cand.com.vn)