Xây dựng, bồi đắp văn hóa người Hà Nội
Cơ hội và thách thức
Là kinh đô từ nghìn năm trước, Hà Nội đã có điều kiện thẩm thấu, chắt lọc, hình thành và lan tỏa vẻ đẹp cốt cách, tinh thần, bồi đắp nên chất văn hóa hào hoa và thanh lịch. Nói cách khác, văn hóa Hà Nội là kết quả của sự kết tinh văn hóa từ nhiều vùng miền, để suốt chiều dài lịch sử, vẻ đẹp ấy luôn hiển hiện qua nếp sống, lối ứng xử hài hòa với môi trường tự nhiên và xã hội, hay những phẩm chất nổi bật được thừa nhận rộng rãi.
|
Thiếu nữ Hà Nội thanh lịch, văn minh. Ảnh: Giang Sơn |
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận xét: Văn hóa đô thị Hà Nội chính là lối sống được hình thành từ sự giao thoa, lan tỏa tinh hoa của cả nước. Lối sống ấy không bất biến mà luôn có những chuyển động để thích hợp với giai đoạn mới, từ đó hội nhập, bổ sung làm giàu thêm văn hóa truyền thống Thăng Long xưa - Hà Nội nay.
Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Trong quá trình phát triển của đô thị, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Hà Nội cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề đến từ sự gia tăng mạnh mẽ của lao động di cư, sự phai nhạt trong ứng xử văn hóa. Để ngăn chặn những biểu hiện suy thoái, tiếp tục bồi đắp, làm giàu bản sắc văn hóa Hà Nội, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã vận dụng nhiều giải pháp, trong đó nổi bật là Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” (Chương trình 04).
Xác định nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh phải gắn với điều kiện và đặc thù riêng của Hà Nội, Chương trình 04 bao quát nhiều nội dung như triển khai thực hiện hệ thống Quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, nơi công cộng; các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Người tốt, việc tốt”, thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”, xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”…
Nhiều sở, ngành, địa phương cũng xuất hiện nhiều sáng kiến hay, cụ thể hóa Chương trình 04, như: Phong trào “Lời nói hay, việc làm tốt, phong cách đẹp”, “Tuần lễ áo dài xuống phố, áo dài đi chợ” (quận Hoàn Kiếm); “Tổ dân phố không rác”, “Đoạn đường tự quản văn minh” (quận Tây Hồ)… Những việc làm trên đã có tác động tích cực đến nhận thức của mỗi người, mỗi gia đình trong việc phát huy truyền thống thanh lịch của người Hà Nội trong cuộc sống hiện đại.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở các cấp, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kết quả, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình cưới mới, tiết kiệm, văn minh, ý nghĩa, như: Tổ chức cưới tiệc ngọt, tiệc trà; mô hình cưới một ngày, trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND phường, xã…
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Với sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương, Chương trình 04 đã góp phần khơi dậy những giá trị chuẩn mực từ ngàn đời, tạo nguồn để Hà Nội tiếp tục duy trì, bồi đắp với nền tảng vững chắc và có chiều sâu phát triển.
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa
Đánh giá hiệu quả bước đầu triển khai Chương trình 04 (giai đoạn 2016-2020), Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04 Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, sức lan tỏa của Chương trình góp phần quan trọng vào tình hình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của thành phố, đặc biệt việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với việc triển khai thực hiện hệ thống Quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư với nhiều chuyển biến, đã góp phần bồi đắp các giá trị tinh thần, đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng xã hội.
Trong thời gian tới, để đạt hiệu quả hơn, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiến độ các chương trình, đề án đã đề ra, đồng thời tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia và cộng đồng để có thêm sáng kiến, giải pháp trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bồi đắp và phát huy bản sắc văn hóa Hà Nội.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đề xuất, Hà Nội cần tiếp tục cụ thể hóa những đặc trưng về người Hà Nội thanh lịch văn minh, từ đó có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá phù hợp, tập trung vào định hướng nếp sống đô thị và nếp sống ở nơi công cộng, ứng xử vì lợi ích cộng đồng; khai thác hiệu quả yếu tố giáo dục trong gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh việc tuyên truyền, khen thưởng những tấm gương người tốt, việc tốt, cần có chế tài ngăn chặn, xử lý các hành vi thiếu văn hóa, không phù hợp với truyền thống…
Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, để tạo được chuyển biến trong nhận thức, trước hết phải từ các phương tiện thông tin đại chúng rồi hình thành nếp làm gương từ trong gia đình, nhà trường, nếp nhắc nhở nhau từ cộng đồng. Cùng với đó, cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ giữa các ngành, xác định đâu là vấn đề cốt lõi của văn hóa người Hà Nội rồi xây dựng những tiêu chí, hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu để người dân thực hiện.
Với tâm huyết của chính quyền, ý thức trách nhiệm của nhân dân thành phố, truyền thống hào hoa, lịch thiệp, lối ứng xử thanh lịch, văn minh của người Hà Nội đã và sẽ tiếp tục được bồi đắp, nhân lên cùng chiều dài lịch sử Thủ đô.
Theo hanoimoi.com.vn