"Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" kỷ niệm 70 năm ngày sinh tác giả
Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại, với những sáng tác truyện ngắn đặc sắc, mang hơi hướng huyền thoại, cổ tích, hoặc lịch sử. Trong "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" (ấn bản kỷ niệm 70 năm ngày sinh tác giả - với minh họa của các họa sĩ) của Đông A, bạn đọc sẽ được "gặp lại" một cuốn sách vừa quen vừa lạ.
Bản in lần này có 42 tác phẩm tiêu biểu do chính tác giả lựa chọn và sắp xếp theo thời gian sáng tác, từ "Những ngọn gió Hua Tát" cho đến "Quan Âm chỉ lộ" theo bản in "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" do Đông A phát hành trước đây.
|
Ấn bản cao cấp của tập "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" kỷ niệm 70 năm ngày sinh của ông |
13 năm trước, cuốn sách ra đời như một trù liệu cho việc "rửa tay gác bút" của tác giả. Lần này, cuốn sách ra đời là dấu ấn kỷ niệm tuổi 70 của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Trong lần xuất bản này, Đông A in ấn, phát hành 3 ấn bản: Cao cấp, S500 và S100. Hiện, ấn bản cao cấp đã chính thức được phát hành.
Ở lần xuất bản này, "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" có in bài viết "Nói chuyện một mình" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Đây là bài ông viết đầu năm nay (2020), thể hiện những trăn trở, suy tư với nghề viết, thông qua hình thức hỏi - đáp.
Ở ấn bản cao cấp và S500, bạn đọc sẽ gặp lại một số minh họa quen thuộc trong lần in trước, đồng thời có một số minh họa mới. Tổng cộng ở ấn bản cao cấp sẽ có minh họa của 17 hoạ sĩ đương đại Việt Nam như Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phan Cẩm Thượng, Hoàng Phượng Vỹ... và họa sĩ Lena Sjoberg (Thụy Điển). Ngoài ra, ở ấn bản S100 sẽ có thêm 13 minh họa màu mới do các họa sĩ có tên tuổi trong nước thực hiện.
Ấn bản cao cấp được in bìa cứng, có bìa áo. Bìa áo bản cao cấp và bản giới hạn S500 được Đông A thực hiện theo ý tưởng là một bảng màu với các chấm tròn xen kẽ những trích đoạn tranh minh họa của 13 họa sĩ đương đại. Bìa áo in bằng công nghệ metalize. Ruột in bằng mực vi sinh trên giấy GV76-BB định lượng 100gsm (Giấy in bản đặc biệt S100 trước đây), khổ lớn 18.5x26.5cm, dày 560 trang.
|
"Những ngọn gió Hua Tát" minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương |
Còn các ấn bản khác của cuốn "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" như sau: 500 bản giới hạn, ruột in trên giấy GV76-BB định lượng 100 gsm, đánh số nhảy từ DA 001 đến DA 500. 105 bản đặc biệt làm thủ công, ruột in trên giấy mỹ thuật Conqueror High White Laid 120 gsm, có chữ ký trực tiếp của tác giả, trong đó bao gồm 5 bản ký hiệu lần lượt Đ, Ô, N, G, A và 100 bản đánh số từ ĐA_001 đến ĐA_100 (20 bản chữ V đánh số từ ĐA_001 đến ĐA_010 và 10 số tự chọn khác, bọc bìa bằng da bò nhập khẩu từ châu Âu; 80 bản chữ S đánh các số còn lại, bọc bìa bằng da công nghiệp Microfiber).
Hai loại ấn bản trên đều có đóng dấu đỏ của Đông A dành cho người sưu tầm và chơi sách.
|
"Thương nhớ đồng quê" minh họa của họa sĩ Lê Trí Hiếu |
Với những điểm quen thuộc và mới mẻ trên đây, Đông A hy vọng sẽ đem đến cho bạn một cuốn sách chất lượng của một trong những cây bút hàng đầu Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950. Các sáng tác của ông chủ yếu ở mảng truyện ngắn, gây được nhiều chú ý trong cả giới phê bình và công chúng, với đề tài đa dạng gồm lịch sử và văn học, hơi hướng huyền thoại và cổ tích, xã hội Việt Nam đương đại, làng quê và những người lao động.
Nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Thật hiếm trong văn chương Việt Nam xưa nay, tôi dám chắc là chưa có, một nhà văn nào vừa xuất hiện đã gây được dư luận, càng viết dư luận càng mạnh, truyện chưa ra người ta đã kháo nhau, truyện đăng rồi thì tranh nhau tìm đọc, đọc rồi thì gặp nhau bình phẩm, bàn tán, chốn phòng văn cũng như chốn vỉa hè, đâu đâu cũng kháo chuyện...
Văn đàn thời đổi mới đã khởi sắc, bỗng khởi sắc hẳn, đã náo động, càng thêm náo động, bởi những cuộc tranh luận, cả tranh cãi, quanh sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp" (lời giới thiệu của Phạm Xuân Nguyên trong cuốn "Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp").
|
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp |
Nguyễn Huy Thiệp tự nhận mình là “một nhà văn may mắn gặp thời…”. Ông quan niệm nghề văn là một nghề, cũng giống như những nghề khác, nhưng khác ở chỗ: “Có lẽ bởi nó vô chiêu, không có hình tướng. Nó là sản phẩm và kết quả của hoạt động vô thức nhiều hơn ý thức. Công cụ của nó là ngôn ngữ. Nó gần với tôn giáo và chính trị. Nó đi tìm Đạo, tìm ý nghĩa cuộc sống, tìm sự giác ngộ”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng được nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino, Italy (2008).
(Theo Cẩm Tú/ Tuoitrethudo.com.vn)