Cuộc tuần hành của khí thế cách mạng1
Đúng dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám, chúng tôi đến thăm Trưởng ban Liên lạc Ðoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu Lê Đức Vân tại căn nhà nhỏ ở phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng. Tuy đã ngoài 90 tuổi nhưng đồng chí vẫn minh mẫn. Những thời khắc lịch sử của mùa thu tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội vẫn vẹn nguyên trong Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu năm xưa…
Đồng chí Lê Đức Vân kể, từ tháng 6-1945, tiếng vang của Mặt trận Việt Minh đã đến với quần chúng nhân dân Thủ đô, tạo được thanh thế uy hiếp Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và các thế lực thân phát xít Nhật. Do đó, với mục đích tự lên dây cót tinh thần, Tổng Hội viên chức Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh tại Nhà hát Lớn vào chiều 17-8-1945.
“Chủ trương của ta là phải phá cuộc mít tinh này, chiếm diễn đàn để thành cuộc mít tinh ủng hộ Mặt trận Việt Minh”, đồng chí Lê Đức Vân nhớ lại.
Sau khi cuộc mít tinh được khai mạc, một đồng chí được giao nhiệm vụ lấy micro, cùng đồng chí Thái Hy, Đội phó Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu bảo vệ đồng chí Từ Trang Anh, thành viên Đội Cứu quốc thành Hoàng Diệu diễn thuyết trong khoảng 15 phút với nội dung chính là về 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh. Sau đó, đồng chí Nguyễn Khoa Diệu Hồng, thành viên Đảng Dân chủ đã đọc bản hiệu triệu của Đảng Dân chủ kêu gọi đồng bào ủng hộ Mặt trận Việt Minh tổng khởi nghĩa, giành độc lập. Cùng lúc đó, trong đám đông 2 vạn người dự lễ, cờ đỏ sao vàng thấp thoáng được giương cao. Những câu khẩu hiệu “Đánh đổ Nhật - Pháp”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập” được quần chúng hưởng ứng, tạo khí thế sục sôi.
Buổi diễn thuyết vừa kết thúc, đồng chí Mai Thiện Chi, thành viên Đội Danh dự trừ gian, giương cao lá cờ đỏ sao vàng bằng vải cỡ lớn hô to: “Đồng bào theo tôi”. Mọi sự chú ý hướng về phía lá cờ, rồi không ai bảo ai cứ thế đi theo, hướng qua phố Tràng Tiền ra hồ Hoàn Kiếm, đến các phố Hàng Đào, Hàng Ngang... Đi đến đâu, người dân ở khu phố đó cùng nhập vào, trong đó có cả lính bảo an. Đoàn người diễu hành qua Phủ toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), nơi Bộ Chỉ huy quân Nhật đóng và chúng chỉ đứng nhìn mà không có phản ứng gì. Về đến phố Cửa Nam, đoàn quần chúng chia thành nhiều tốp nhỏ đi về các ngả trong thành phố.
“Buổi tối hôm đó, gần như cả thành phố (lúc đó có 20 vạn người) chỉ trừ người già và trẻ nhỏ đều đã xuống đường, khí thế cách mạng dâng cao”, đồng chí Lê Đức Vân nhớ lại.
Thủ đô đứng lên khởi nghĩa
Nhận thấy thời cơ đã tới, ngay tối 17-8-1945, cuộc họp Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội và Thành ủy mở rộng được tổ chức tại thôn Dịch Vọng. Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu Lê Đức Vân vinh dự được tham gia hội nghị. Đồng chí Lê Đức Vân kể, sau khi phân tích tình hình, cuộc họp thống nhất phương thức khởi nghĩa là tổ chức một cuộc mít tinh lớn vào 11h ngày 19-8-1945, sau đó biến thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy, có lực lượng vũ trang yểm trợ, dùng áp lực quần chúng chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn thân Nhật, thành lập chính quyền cách mạng. Công tác tổ chức đấu tranh được phân công cho từng người phụ trách.
Sáng sớm 19-8-1945, lực lượng cách mạng ở ngoại thành tổ chức mít tinh, tuyên bố xóa sổ chính quyền cũ, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng lâm thời, tổ chức thu con dấu, sổ sách, tuyên truyền phổ biến chính sách của Mặt trận Việt Minh và chống đói, chống lụt cho nhân dân. Lực lượng tự vệ xung phong ngoại thành đã làm chủ được tình hình và chiếm Đại lý Hoàn Long (khu vực ven đô trước đây thuộc địa bàn một số quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân... ngày nay). Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở ngoại thành hoàn toàn thắng lợi và nhân dân ở đây cũng kéo về khu vực nội đô để ủng hộ cách mạng.
Đúng 11h ngày 19-8-1945, hơn 20 vạn người tập hợp tại Nhà hát Lớn, đồng chí Trần Quang Huy đại diện Ủy ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Sau đó, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Cánh thứ nhất có nhiệm vụ chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Kho bạc, Bưu điện và Sở Cảnh sát. Cánh thứ hai có nhiệm vụ chiếm Trại Bảo an binh và Ty Liêm phóng Bắc kỳ. Đồng thời, Mặt trận Việt Minh cử đoàn cán bộ trực tiếp gặp gỡ, đàm phán với quân Nhật tại Tổng hành dinh của chúng. Cuộc đàm phán diễn ra gay go, phức tạp nhưng do sự linh hoạt, khôn khéo của ta buộc quân Nhật phải chấp nhận yêu cầu, án binh bất động, không can thiệp vào công việc của Việt Minh, chấp nhận chính quyền cách mạng, đổi lại họ được bảo đảm an toàn… Tối 19-8-1945, các cơ quan quan trọng của chính quyền bù nhìn đã về tay cách mạng, Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố.
… Qua lời kể của đồng chí Lê Đức Vân về những ngày tháng hào hùng cách đây 75 năm, chúng tôi như được sống trong thời khắc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công tại Hà Nội. Những ngày thu lịch sử đó sẽ vẫn còn nguyên giá trị trong mỗi người dân Thủ đô hôm nay và mai sau.
(Theo Tiến Thành/ Hanoimoi.com.vn)